(HNM) - Kết quả giữ vững an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn Hà Nội trước tác động từ những vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Hà Tĩnh, để lại những bài học quý giá về công tác chỉ đạo và vai trò của các cấp ủy Đảng.
Hà Nội giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các khu, cụm công nghiệp có các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Huy Hùng |
Bài học về công tác chỉ đạo
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình 05-CTr/TU ngày 19-5-2011 về "Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội" nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào việc giữ vững an ninh, TTATXH trên địa bàn Thủ đô. Quan điểm xuyên suốt này xác định rõ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH, nhất là trước những vụ việc nóng, mới nảy sinh. Thực tiễn việc giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn Hà Nội trước tình hình mất trật tự xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua cũng chứng minh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng.
Số lượng khu, cụm công nghiệp, công nhân làm việc trên địa bàn đông đúc, thành phần dân cư đa dạng nhưng Hà Nội đã giữ vững an ninh chính trị, TTATXH, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp. Các doanh nhân nước ngoài, kể cả người Đài Loan (Trung Quốc) đều đánh giá cao công tác bảo đảm an ninh trật tự của Hà Nội. Có được kết quả đó, trước hết là nhờ việc Thành ủy Hà Nội đã làm tốt công tác đánh giá, dự báo tình hình và nắm thế chủ động trong chỉ đạo. Đặc biệt, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy tiến hành họp, xác định rõ vai trò đầu tàu, gương mẫu của từng đảng viên để chủ động tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, người dân trong khu dân cư chấp hành nghiêm việc giữ gìn an ninh trật tự. Trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy, các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy đã xuống chỉ đạo tại các địa phương; kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp nước ngoài... Hiệu quả của việc chỉ đạo thống nhất từ Thành ủy trong việc này đã lan tỏa đến cấp ủy cơ sở, kể cả các chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Nhiều chi bộ đảng tại các khu công nghiệp: Thăng Long, Quang Minh, Quốc Oai - Thạch Thất đã làm rất tốt công tác chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các đoàn thể để vận động, tuyên truyền công nhân. Có thể nói, bằng sự chủ động, trên tinh thần xác định rõ vai trò, trách nhiệm chỉ đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã huy động tổng lực hệ thống chính trị vào cuộc giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH.
Còn hiện tượng chủ quan, bị động
Tổng kết tình hình an ninh 6 tháng đầu năm, Ban Nội chính Thành ủy cho rằng, các mục tiêu cơ bản đã được các cơ quan nội chính thành phố phối hợp với các địa phương thực hiện tốt. Hà Nội duy trì, giữ vững an ninh chính trị, TTATXH, tiếp tục là điểm đến an toàn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, thời gian này cũng xảy ra những vụ việc đáng tiếc cần rút kinh nghiệm sâu sắc.
Trong đó, liên quan đến công tác dồn điền đổi thửa, xảy ra một số vụ việc phức tạp ở các địa phương như xã Xuân Dương, Cao Viên (huyện Thanh Oai); xã Hòa Bình (huyện Thường Tín); xã Tốt Động, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ); xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa). Nguyên nhân chủ yếu của những vụ việc này là do cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thiếu sót, chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong công tác dồn điền đổi thửa. Không kém phần phức tạp là những vụ việc nảy sinh do sơ hở, sai phạm trong việc thực hiện chính sách đất đai ở địa phương như xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), phường Dương Nội (quận Hà Đông), phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn). Ngoài ra còn một vụ việc nảy sinh do không giải quyết kịp thời theo kết luận thanh tra xảy ra tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ.
Trong những vụ việc trên, hầu hết các cấp ủy đều yếu về khả năng đánh giá vụ việc, dự báo diễn biến. Khi vụ việc mới manh nha, các cấp ủy địa phương ít quan tâm; chỉ đến khi vụ việc trở nên phức tạp, người dân tụ tập, phản ứng, gây áp lực, các cấp ủy mới phản ứng tương xứng. Cách làm như vậy gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Kể cả khi vụ việc đã được giải quyết, dư âm thiếu tích cực trong nhân dân vẫn tồn tại. Chưa kể, việc đầu tư công sức, thời gian cho việc giải quyết muộn luôn tốn kém hơn. Trong một chừng mực nào đó, để xảy ra những vụ việc trên, cấp ủy địa phương còn mắc lỗi bị động trong chỉ đạo, phó mặc cho chính quyền và các đoàn thể… Nhìn lại công tác chỉ đạo của Thành ủy trong việc giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH trong những tháng qua càng thấy rõ tính cấp thiết phải có sự chủ động vào cuộc của cấp ủy Đảng trước những vấn đề phát sinh từ khi mới manh nha.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái: "Hầu hết những vụ việc xảy ra ban đầu thường rất nhỏ và đơn giản. Nếu cấp ủy địa phương chịu khó nghiên cứu cơ chế, chính sách, trên cơ sở đó tập trung giải quyết cụ thể, tường tận, đến cùng vấn đề; trực tiếp các bí thư, chủ tịch xuống nghe bà con phản ánh, cùng đối thoại, làm rõ những khúc mắc thì tôi tin rằng sẽ không xảy ra những vụ việc phức tạp như ở Ninh Hiệp hay Lệ Chi (huyện Gia Lâm) vừa qua". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.