Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băm nát hành lang Sông Nhuệ

Chí Kiên - Hoàng Sơn| 15/06/2015 06:23

(HNM) - Tình trạng vi phạm hành lang sông Nhuệ diễn ra phức tạp, trong khi việc ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn.

Vi phạm ngang nhiên

Phía bờ tả Sông Nhuệ, tại điểm K37+500 đến K37+700, nằm trên địa phận thôn Mai Sao, xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín), trông như một dãy phố sầm uất. Bên phía sông, dù nằm trong khu vực hành lang bảo vệ đê, nhưng hàng chục ngôi nhà cũ lẫn nhà mới nằm san sát, đua ra cả lòng sông. Ngay ở giữa khu dân cư về phía sông, một ngôi nhà mới xây dựng, bên ngoài tường mới trát còn chưa quét sơn, được chủ nhà làm nơi bán hàng. Đi ra phía ngoài cùng của khu dân cư, chúng tôi tiếp tục phát hiện một ngôi nhà vừa xây dựng xong, nước sơn còn mới nguyên.

Một trường hợp vi phạm hành lang Sông Nhuệ ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín.


Tìm hiểu vụ việc nhóm phóng viên được biết, "chủ nhân" của 2 vụ vi phạm nghiêm trọng kể trên là gia đình ông Lê Văn Lý, đã xây dựng căn nhà cấp 4 khá kiên cố trên hành lang sông với diện tích 147m2 và ông Nguyễn Đức Tuấn là hơn 50m2. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Khắc Giỏi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi cho biết, ngay khi vụ việc xảy ra, UBND xã đã làm việc với các chủ hộ và họ đã cung cấp được giấy tờ mua đất của xã từ cách đây khoảng 30 năm. Trả lời câu hỏi của phóng viên "tại sao khi phát hiện vi phạm không yêu cầu các hộ dừng lại ngay?", ông Giỏi phân trần: "Cũng khó cho chúng tôi vì người ta đã có giấy tờ mua bán đất với cơ quan có thẩm quyền, chỉ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất!". Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị xem lại hồ sơ 2 vụ vi phạm, ông Giỏi nói cán bộ địa chính đang giữ và hiện đã đi vắng nên không thể cung cấp.

Nằm kế bên xã Nguyễn Trãi là xã Tân Minh cũng tồn tại nhiều vi phạm hành lang Sông Nhuệ. Trường hợp mới nhất là hộ bà Phạm Thị Thế làm nhà cấp 4, diện tích 13m2, trên bờ hữu Sông Nhuệ tại K37+600, thuộc thôn Thọ Giáo. Trao đổi các vụ việc này, đại diện Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết, 3 trường hợp vi phạm của hộ ông Lê Văn Lý, ông Nguyễn Đức Tuấn ở xã Nguyễn Trãi và bà Phạm Thị Thế ở xã Tân Minh, Công ty đã nhiều lần lập biên bản và có văn bản số 450/CTSN-QLN.CT ngày 9-4-2015 và văn bản số 649 ngày 22-5-2015; Sở NN&PTNT có văn bản số 763/SNN-TL ngày 4-5-2015 đề nghị UBND huyện Thường Tín giải tỏa, ngăn chặn tái phạm, tuy nhiên qua kiểm tra, đến nay các vi phạm nêu trên vẫn chưa được xử lý. Điều đáng nói là sáng 4-6-2015, khi phóng viên Báo Hànộimới đặt lịch làm việc với các ngành chức năng huyện Thường Tín về vấn đề này, gồm Văn phòng UBND huyện, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường thì đều không nhận được câu trả lời trách nhiệm giải quyết thuộc đơn vị nào. Hơn nữa, theo thống kê của Công ty Thủy lợi sông Nhuệ, trong 4 tháng đầu năm 2015, trong 51 vụ vi phạm hành lang sông Nhuệ được lập biên bản trên địa bàn toàn thành phố thì huyện Thường Tín đứng đầu bảng với 20 vụ và chưa vụ nào bị xử lý.

Chưa hết, dọc hai bên bờ sông Nhuệ, thuộc địa bàn các phường Cầu Diễn, Mỹ Đình I, Phú Đô, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), tình trạng xây nhà, làm lều, lán, đổ phế thải... trên hành lang sông cũng diễn ra rất phức tạp. Tại khu vực tổ 10, phường Mỹ Đình I chạy dọc hành lang sông Nhuệ, có trường hợp đã đổ móng chắc chắn, bên cạnh tập kết vật liệu xây dựng, tiếp đến là đổ phế thải, quây tôn và xây dựng bờ tường cao khuất tầm nhìn... nhằm che đậy hành vi vi phạm.

Giải pháp nào?

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, tính đến hết tháng 4-2015, số vụ vi phạm trên trục chính Sông Nhuệ thuộc địa bàn Hà Nội và Hà Nam là hơn 7.900 vụ. Các vi phạm chủ yếu xây dựng nhà cấp 3, cấp 4, xây nhà xưởng, dựng lều lán... tập trung ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên. Đặc biệt, nhiều trường hợp nằm trong hành lang sông Nhuệ đã tồn tại từ hàng chục năm về trước, thậm chí có trường hợp đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Nhuệ Trần Thị Tuyết Hạnh cho biết, trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, tình hình vi phạm hành lang sông Nhuệ khu vực nội thành (quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Hà Đông) đã có dấu hiệu tạm lắng. Số vụ vi phạm từ 50 trường hợp năm 2013 giảm còn 30 trường hợp 2014, đến nay qua 5 tháng 2015 mới phát sinh 8 trường hợp và đều được các địa phương cưỡng chế, giải tỏa kịp thời, không để tái diễn vi phạm. Tuy nhiên, vi phạm lại "nóng" ở các huyện ngoại thành như Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Trong 5 tháng qua, khu vực này xảy ra hơn 40 vụ vi phạm, chủ yếu là xây nhà cấp 3, cấp 4, làm lều trong hành lang sông... "Những vi phạm này, Công ty đều lập biên bản gửi cho chính quyền địa phương, nhưng hầu như không được xử lý mà còn phát sinh thêm và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng" - bà Hạnh nói. Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội đánh giá, tình trạng lấn chiếm, bồi lắng trên sông Nhuệ thời gian gần đây là rất nghiêm trọng. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các địa phương có sông Nhuệ chảy qua. Ông Liên nhấn mạnh: "Theo quy định, vai trò của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi là khi phát hiện vi phạm sẽ phải thông báo cho chính quyền sở tại cùng phối hợp lập biên bản, kịp thời ngăn chặn ngay khi mới phát sinh".

Bên cạnh các vi phạm mới, một vấn đề khác đặt ra là thực trạng các khu dân cư đã được cơ quan chức năng cấp đất cách đây nhiều năm và hiện nay đang sinh sống ổn định ngay bên hành lang sông Nhuệ, tập trung ở quận Hà Đông, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Ông Đỗ Quang Hiển, cán bộ Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm kiến nghị: Đối với những hộ đã có quyết định phân đất của các cơ quan, đơn vị đề nghị quận cấp phép tạm thời cho người dân có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà cửa. Những hộ vi phạm nghiêm trọng hành lang sông Nhuệ nhưng sống ổn định trước năm 2004 và không có tranh chấp đề nghị Nhà nước giải tỏa và bố trí đất tái định cư cho người dân. Những hộ nằm ngoài hành lang sông Nhuệ, Nhà nước sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân để địa phương thuận lợi trong quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc cấp phép xây dựng tạm ở quy mô nhất định, đáp ứng nhu cầu sửa chữa, xây dựng của các hộ dân.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trên sông Nhuệ, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã, các địa phương cần cương quyết xử lý, giải tỏa những trường hợp vi phạm mới trên hành lang sông Nhuệ. Đối với những công trình xây dựng vi phạm đã tồn tại từ trước, cần có kế hoạch và lộ trình xử lý cụ thể. Theo ông Trần Thanh Nhã, đã đến lúc quy rõ trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền các xã, phường để xảy ra nhiều vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băm nát hành lang Sông Nhuệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.