(HNM) - Phản ánh với Đường dây nóng Báo Hànộimới, một số người dân thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) cho biết: Khoảng một tháng trở lại đây, tại cánh đồng Vai Táo đã xuất hiện tình trạng khai thác vàng trái phép, làm ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông và chăn nuôi gia cầm, gây ô nhiễm môi trường...
Có mặt tại thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến vào chiều 26-11-2011, chúng tôi nhận thấy, trên dòng suối cái Vai Chồ, thuộc cánh đồng Vai Táo của xã Nam Phương Tiến luôn có 2 máy xúc, một máy đãi hoạt động và có gần 10 công nhân làm thuê. Các máy xúc này đang băm nát, "móc ruột" từng thửa ruộng, khoét sâu như hố bom. Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp đã bị cày xới. Tại hiện trường, có một đống đá nằm sừng sững như dãy núi dài hàng trăm mét, là sản phẩm của việc đãi vàng; ở các thửa ruộng xung quanh có khá nhiều thùng phuy đựng dầu chạy máy xúc ra, máy đãi vàng vứt ngổn ngang, cùng với các vết dầu loang lổ trên gốc rạ. Nước suối thì đục ngầu như màu đất...
Ruộng canh tác đã bị xới tung để tìm vàng. |
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, suối cái Vai Chồ bắt nguồn từ đỉnh 833, thuộc xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, chảy qua xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, rồi đổ vào hồ Mẫu. Hai bên suối là ruộng cấy lúa hai vụ của xã Nam Phương Tiến và xã Liên Sơn. Vào những năm 1981-1982, cả cánh đồng Vai Táo trở thành địa điểm khai thác vàng và hầu như gia đình nào cũng có người khai thác vàng bằng phương pháp thủ công. Đến năm 1991, tình trạng khai thác vàng ở đây đã chấm dứt và cánh đồng Vai Táo được giao cho các hộ dân canh tác, cấy lúa, trồng trọt. Thế nhưng, từ tháng 10-2011 trở lại đây, trên suối cái Vai Chồ lại xuất hiện tình trạng khai thác vàng trái phép như phản ánh ở trên. Theo người dân sinh sống ở đây cho biết, chủ của các máy xúc, máy đãi vàng đó là anh Nguyễn Văn Tiến và anh Nguyễn Văn Sáu, ở xã Nam Phương Tiến. Các ông chủ này không chỉ múc đất, đá ở dưới suối, mà còn thuê khoảng 2 mẫu ruộng cấy lúa của gần 20 hộ dân trong thôn, với giá 20 triệu đồng một sào để đào đãi vàng, khiến dòng suối cái Vai Chồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hộ chăn nuôi gia cầm, thả cá, trồng cây vụ đông bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu như ngày nào cũng có hàng chục con vịt và nhiều cá thả ở các ao ven suối bị chết. Ông Nguyễn Văn C., một người dân ở đây bức xúc: "Cứ cày tung suối, đất ruộng lên như vậy để khai thác vàng, chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ không còn ruộng để cấy. Nước suối đục ngầu, đặc sệt như vậy, chẳng con gì sống nổi và đãi vàng tất yếu phải sử dụng hóa chất, ngan, vịt uống vào sinh bệnh, rồi chết dần.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến khẳng định: Chính quyền địa phương chưa nhận được thông tin về việc khai thác vàng, sa khoáng trái phép tại thôn Núi Bé. Mới đây, UBND xã có nhận được đơn của 14 hộ gia đình ở thôn Núi Bé xin cải tạo mặt bằng tại cánh đồng Vai Táo và chính quyền địa phương đã chấp thuận. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chính quyền địa phương có kiểm tra thực địa trước khi quyết định cho các hộ cải tạo mặt bằng hay không, ông Phong cho biết là không tổ chức kiểm tra, mà chỉ ký trực tiếp vào đơn của các hộ và hiện tại UBND xã cũng không giữ bất kỳ lá đơn nào? Tuy không thừa nhận là có tình trạng khai thác vàng, nhưng ông Phong lại khẳng định có hiện tượng nước suối bị đục và nước không bị nhiễm hóa chất (?). Dư luận cho rằng, phải chăng đây là sự "hợp thức hóa" của chính quyền địa phương cho việc khai thác vàng trái phép ở đây?”.
Được biết, cho đến ngày 28-11, việc khai thác vàng trái phép tại dòng suối cái Vai Chồ, thuộc cánh đồng Vai Táo, xã Nam Phương Tiến vẫn tiếp tục diễn ra. Đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Chương Mỹ sớm vào cuộc, chấm dứt tình trạng này. Thêm nữa, nếu việc khai thác vàng trái phép không được ngăn chặn kịp thời, chắc chắn hồ Miễu, với dung lượng 1,5 tỷ mét khối, phục vụ tưới tiêu cho 600ha lúa của nhiều địa phương sẽ bị ảnh hưởng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.