(HNM) - Tối thứ bảy, sau bữa cơm tối, chợt ngoài cổng có tiếng gọi của đứa cháu đang học lớp 7 - con của chị gái Người Xây Dựng. Vừa vào nhà, con bé đã hớn hở cầm một tờ giấy khoe rối rít: "Bài văn của con vừa được điểm 9 này, cô ơi".
Thật ngạc nhiên, con bé bấy lâu không thích thú môn văn, nhưng lần này nó viết khá "chuẩn". Với đề bài "miêu tả một loài hoa em thích", bài văn của con bé có một đoạn tràn đầy cảm xúc, mượt mà, lắng đọng "... Và hương hoa sữa bắt đầu cựa mình nồng nàn quá thể, tựa hồ như hương được đựng trong một chiếc bình cổ của mùa thu, giờ được dịp cứ nghiêng bình mà rót vào trong cái mơ màng của không gian cho lòng người bâng khuâng nhiều rung cảm…".
- Con giỏi lắm...! Ai gợi ý cho con vậy?
- Không phải con làm đâu, con chép lại từ trên mạng đấy, các bạn khác cũng vậy nên được điểm cao. Từ giờ trở đi, con chẳng phải nghĩ nhiều cũng có bài hay để nộp, cô giáo không biết đâu… - Con bé thú nhận.
Đợi cháu ra về, Người Xây Dựng lên mạng và tìm ra đoạn văn vừa đọc được đăng trong bài "Chạnh lòng hoa sữa cuối thu" của tác giả LĐK...
Cùng với sự phát triển của công nghệ tin học, việc copy tài liệu trên mạng đã trở thành cách để khá nhiều học sinh THPT đối phó với giáo viên, là thói quen trong các giảng đường đại học... Nhưng việc học sinh những năm đầu cấp THCS cũng đã biết áp dụng "phương pháp" này thì thực sự đáng báo động. Đây là lứa tuổi cần được học những kiến thức cơ bản nhất, đặc biệt là với môn văn để nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tình cảm. Ghi lại câu chuyện này, Người Xây Dựng mong rằng các bậc phụ huynh cũng như nhà trường quan tâm hơn nữa đến việc dạy dỗ để con trẻ có một phương pháp học tập đúng cách và lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.