(HNM) - Hiện nay, ngoài một số ít xã, thị trấn ký hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã môi trường thu gom rác thải từ khu dân cư ra điểm tập kết, hầu hết các xã ngoại thành áp dụng mô hình thành lập tổ thu gom tự quản.
Hiệu quả lớn nhất của mô hình là đưa được lượng rác lớn trong khu dân cư ra điểm tập kết; chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc bảo vệ môi trường; tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân…
Bất cập quản lý, xử lý
Thu gom rác thải sinh hoạt tại xã Phương Trung (huyện Thanh Oai). |
Tuy nhiên, do mức phí vệ sinh khu vực nông thôn quy định thấp (3.000 đồng/người/tháng), họ lại không được chính quyền hỗ trợ trong quá trình thu phí, nhiều gia đình không nộp nên thu nhập của công nhân vệ sinh thấp, không hấp dẫn lao động tham gia lĩnh vực này.
Khảo sát trên địa bàn Thanh Oai có 361 vệ sinh viên, thu nhập trung bình chỉ đạt 1,2-1,8 triệu đồng/người/tháng. Tại huyện Thạch Thất, có 7 xã, người thu gom có mức thu nhập 400-600 nghìn đồng/tháng… Vì vậy, tại nhiều địa phương, không có người nhận làm công việc này và ngõ, xóm phải tự chia lượt thực hiện vệ sinh môi trường. Các vệ sinh viên thường có hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện kinh tế để đầu tư xe thu gom cơ giới mà chủ yếu sử dụng phương tiện thủ công, giảm hiệu suất đưa rác đến điểm tập kết. Những hạn chế này dẫn đến tình trạng tồn lưu rác trong khu dân cư, ảnh hưởng các tuyến vận chuyển, xử lý của khâu tiếp sau…
Từ thực tiễn, ông Phạm Văn Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Thu gom là một trong những công đoạn quan trọng trong quy trình xử lý rác thải sinh hoạt. Thời gian tới, các ngành liên quan cần nghiên cứu mô hình phù hợp với đặc điểm hạ tầng của từng khu vực nông thôn, đề xuất thành phố điều chỉnh cơ chế, chính sách và đưa vào tiêu chí lựa chọn nhà thầu thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng cơ giới hóa… Trước mắt, để khắc phục những hạn chế trong khâu thu gom, chính quyền địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn cho các tổ thu gom giúp họ tăng thêm thu nhập, gắn bó với công việc. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, kiên quyết xử lý người cố tình vi phạm pháp luật về phí, vệ sinh môi trường… |
Để khắc phục hạn chế trong khâu thu gom rác từ khu dân cư ra điểm tập kết, năm 2013, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Toàn Cầu thực hiện thí điểm mô hình thu gom rác thải trong khu dân cư bằng xe cơ giới trên địa bàn huyện Thường Tín. Công ty đã đầu tư xe vận tải cỡ nhỏ đi vào các trục đường chính của thôn, cụm dân cư để thu gom rác hằng ngày, thay cho việc 2-3 ngày mới thu gom một lần như trước. Từ khi doanh nghiệp này thu gom rác thải theo ngày, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, vệ sinh hơn. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường nông thôn quá nhỏ, xe gom không vào được và chi phí cho khâu này lớn hơn mức phí thu được của người dân và khả năng hỗ trợ của ngân sách địa phương. Vì vậy, sau thời gian ngắn triển khai, công ty phải dừng áp dụng phương pháp thu gom bằng xe cơ giới.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Hiện nay, lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 6.400 tấn/ngày nhưng năng lực các khu xử lý tập trung của thành phố khoảng 5.300 tấn. Trong thời gian tới, dự báo lượng rác thải sinh hoạt tiếp tục tăng cao, đòi hỏi thành phố phải thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý. Trong công tác xử lý, Hà Nội chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Công nghệ này có chi phí đầu tư thấp, thời gian xây dựng nhanh nhưng hạn chế là cần nhiều đất đai, bao gồm cả khu vực xử lý và khoảng cách ly vệ sinh. Với đặc điểm đất chật người đông, làng xóm phân bố rải rác nên việc tìm được các khu vực có thể xây dựng các khu chôn lấp quy mô lớn đáp ứng yêu cầu về môi trường là rất khó khăn. Hơn nữa, việc xây dựng các công trình này hiện chưa được nhân dân nhiều nơi đồng thuận…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, để giảm tải cho Khu xử lý rác thải Nam Sơn, Sóc Sơn, giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải cho tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã được duyệt, đặc biệt là các dự án áp dụng công nghệ cao như Đồng Ké, Núi Thoong (Chương Mỹ), Khu xử lý Châu Can (Phú Xuyên)…; tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải…
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các huyện tập trung giải quyết dứt điểm các điểm đổ rác không đúng quy định, các điểm đổ rác tự phát của người dân, đồng thời di chuyển các điểm tập kết rác thải gần lòng đường, mương tiêu. Đồng thời, xem xét đề xuất tăng mức phí vệ sinh môi trường và đơn giá thực hiện vệ sinh môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tế; hỗ trợ kinh phí để triển khai các dự án xử lý rác thải theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh…
Theo Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh, nên đẩy mạnh xã hội hóa thu hút đầu tư trong lĩnh vực thu gom và xử lý rác thải nông thôn. Được sự quan tâm của thành phố, hiện nay, công ty đang lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất khoảng 1.000 tấn/ngày theo phương thức xã hội hóa, địa điểm tại Núi Thoong, xã Tân Tiến. Theo tính toán của doanh nghiệp, khi nhà máy hoạt động sẽ rút ngắn cự ly khoảng 30km/lượt, giảm giá thành vận chuyển rác cho các huyện phía Tây nam Hà Nội (Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức) và giảm lượng xe vận chuyển rác tham gia giao thông trong nội thành… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.