Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán khó không chỉ với Nhật Bản

Đình Hiệp| 28/11/2013 06:26

(HNM) - Bất chấp những phản ứng trái chiều trong dư luận về việc nhà nước sẽ siết chặt kiểm soát thông tin, ngày 26-11 vừa qua Hạ viện Nhật Bản vẫn thông qua dự luật bảo mật quốc gia.

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Hạ viện Nhật Bản sau khi dự luật bảo vệ bí mật quốc gia được thông qua.



Theo kế hoạch, dự luật còn phải nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện để Quốc hội nước này thông qua trước khi kỳ họp kết thúc vào ngày 6-12 tới. Theo quy định của dự luật, những người làm rò rỉ thông tin nhạy cảm được coi là tối mật sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam và tất cả thông tin liên quan đến các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, chống khủng bố, do thám được liệt vào dạng bí mật quốc gia có thể được bảo mật đến 60 năm. Ngoài ra, dự luật cũng quy định những trường hợp ngoại lệ. Theo đó danh sách những thông tin cần bảo mật sau thời hạn 60 năm bao gồm thông tin về các loại vũ khí, số lượng và năng lực của các loại máy bay chiến đấu, các mã quốc phòng và thỏa thuận bí mật của Chính phủ với các nước khác.

Như một bước đi quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc thông qua dự luật trên, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật thành lập Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) theo mô hình của Mỹ. Văn kiện này được soạn thảo nhằm trao quyền cho Văn phòng Thủ tướng trong hoạch định chính sách đối ngoại và quốc phòng. Theo nội dung của NSC, Thủ tướng, Chánh Văn phòng nội các cùng các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng mỗi tháng sẽ họp hai lần để thảo luận về vấn đề an ninh dựa trên những thông tin thu thập được từ các cơ quan và bộ, ngành, giúp NSC có thể đối phó với các vấn đề an ninh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Dự luật bảo mật gây nhiều tranh cãi được Hạ viện Nhật Bản thông qua trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những vụ bê bối liên quan đến việc tiết lộ thông tin bí mật quốc gia. Sự kiện cựu nhân viên tình báo Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden bỏ trốn sang Nga tị nạn rồi tiết lộ một loạt thông tin gây chấn động về hoạt động nghe lén của Chính phủ Mỹ là một ví dụ. Với những quốc gia nằm trong danh sách "nạn nhân" bị nghe lén, hành động của Chính phủ Mỹ là không thể chấp nhận. Nhưng với luật pháp Mỹ, Edward Snowden có thể lãnh án tù vì tội lộ bí mật quốc gia. Mới đây nhất, sự kiện Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về đăng kiểm, địa chính và bản đồ (Rosreestra) Sergei Sapelnikov đào tẩu sang nước láng giềng Ukraine mang theo nhiều tài liệu bí mật quốc gia khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Hiện nay chưa có thông tin gì về nơi ở của anh ta, nhưng các nguồn tin an ninh cho biết S.Sapelnikov là người nắm giữ nhiều thông tin tối mật ở nhóm thứ nhất. Khẳng định việc thông qua dự luật bảo mật quốc gia là cần thiết để Nhật Bản có thể trao đổi thông tin tình báo với một số quốc gia trong nỗ lực tăng cường khả năng bảo vệ đất nước, Thủ tướng S.Abe cho biết sẽ thiết lập một cơ quan để giám định những thông tin được cho là "bí mật quốc gia".

Tuy nhiên, việc dự luật bảo mật quy định là công chức nào tiết lộ bí mật quốc gia đều có thể bị kết án tù giam lên đến 10 năm, so với mức án tối đa là 1 năm theo luật hiện hành đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Nhật Bản… Những người phản đối cho rằng, dự luật mới cho phép Chính phủ nhiều quyền hơn trong việc định nghĩa thế nào là bí mật nhà nước cũng như xử phạt nghiêm khắc hơn những người tiết lộ các bí mật này. Điều đó cho thấy chuyện cân bằng giữa bảo vệ bí mật quốc gia và bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của người dân luôn là bài toán khó không chỉ với Nhật Bản mà với nhiều quốc gia trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán khó không chỉ với Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.