Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán khó giải

Linh Nhi| 02/04/2010 07:09

(HNM) - Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) có một ý nghĩa hết sức to lớn là để xã hội, DN ổn định và phát triển, giảm xung đột, tranh chấp lao động, đình công, giúp người lao động (NLĐ) được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Vì vậy, đây được coi là mục tiêu quan trọng trước mắt và lâu dài của tổ chức công đoàn (CĐ).

Mâu thuẫn trong quan hệ lao động: Tức nước vỡ bờ

Thời gian qua, dư luận xôn xao, bức xúc về việc một số DN ngoài nhà nước cố tình "bỏ quên" các quyền cơ bản và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Điển hình như tại Công ty TNHH Endo (KCN Nội Bài), công nhân muốn đi vệ sinh trong giờ làm việc phải xin đủ 3 chữ ký của các bộ phận quản lý, nếu không sẽ bị quy là không hoàn thành nhiệm vụ. Vì không chấp nhận quy định đó, "tức nước vỡ bờ", NLĐ của công ty này đã buộc phải ngừng việc tập thể để đòi quyền... đi vệ sinh. Còn tại Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn kiến trúc xây dựng quốc tế Interach. JSC (quận Tây Hồ), anh Trịnh Xuân Hữu, thường trú ở Thanh Oai, HN cho biết, anh vào làm việc ở công ty này gần 1 năm và được phân công làm quản lý xưởng sản xuất, nhưng cũng chỉ được công ty ký hợp đồng lao động "miệng" và không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT và BHTN), đồng thời còn bị "quên" trả lương.

Cả hai trường hợp trên đều xảy ra tại các DN quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ còn lỏng lẻo, vai trò của CĐ cơ sở rất mờ nhạt, thậm chí ở DN JSC thiếu vắng hẳn vai trò của CĐ cơ sở, do DN chưa thành lập CĐ. Theo bà Triệu Phương Mai, Chủ tịch LĐLĐ quận Tây Hồ, hiện nay trên địa bàn quận có nhiều DN không có tổ chức CĐ, nhưng khi CĐ xuống vận động thành lập CĐ cơ sở thì chủ DN cố tình né tránh, không tiếp. Đây chính là rào cản lớn cho CĐ trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.

Tuy mới chỉ là minh chứng điển hình, song các vi phạm tại hai DN nói trên đã khắc họa "bức tranh" không sáng sủa về tình hình quan hệ lao động tại nhiều DN, cũng như mức độ vi phạm ngang nhiên của DN đối với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Nỗ lực của cả hai bên

Qua thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 100 DN, Thanh tra lao động Sở LĐ,TB&XH phát hiện "lỗi" phổ biến mà DN "mắc" nhiều nhất là không trả đủ tiền làm thêm giờ, làm đêm và "quên" đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Nhiều DN ký hợp đồng trả lương cho NLĐ chỉ cao hơn mức lương tối thiểu 50-100 nghìn đồng. Trong khi đó, mức lương trên hợp đồng lao động là cơ sở thực hiện chế độ BHXH, BHYT, trợ cấp cho NLĐ. Đây chính là một hình thức DN lách luật, né tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ khiến họ bị thiệt thòi. Một số DN hằng tháng vẫn trích tiền lương của NLĐ nhưng nợ BHXH kéo dài, thậm chí trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH của NLĐ…

Trong bối cảnh đó, CĐ cơ sở - đại diện duy nhất bảo vệ quyền lợi cho NLĐ lẽ ra phải chịu trách nhiệm chính trong việc tham gia điều tiết quan hệ lao động trong DN, nhưng hiện nay hầu hết cán bộ CĐ cơ sở đều là người làm công ăn lương của chủ DN, chưa đủ tầm, đủ sức thương lượng. Hơn thế, theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có 8.000/76.000 DN có tổ chức CĐ. Con số này cho thấy, cái đích của CĐ đặt ra về xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong DN còn khoảng cách khá xa. Và nếu chỉ dựa vào CĐ, mục tiêu này còn khó khăn hơn.

Ông Dương Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt 10-10 cho rằng, để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN thì quan hệ đối tác hợp tác này phải xuất phát từ mong muốn chân thành của DN. Thời gian qua, nhờ hợp tác chặt chẽ với CĐ để giải quyết các vướng mắc liên quan đến đời sống, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với NLĐ, nên quan hệ lao động tại Công ty 10-10 luôn ổn định. Còn theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hà, mối quan hệ lao động tốt đẹp trong DN một phần phụ thuộc vào NLĐ, nếu NLĐ nắm chắc pháp luật lao động, họ vừa có thể biết cách bảo vệ quyền lợi của mình, vừa chia sẻ được với DN những khó khăn, vướng mắc, góp phần xây dựng quan hệ lao động tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán khó giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.