(HNM) - Quan hệ Mỹ - Pháp lại đang đứng trước những sóng gió mới liên quan tới việc Washington cáo buộc ngân hàng hàng đầu của Pháp là BNP Paribas vi phạm lệnh cấm vận của Washington khi giao dịch bằng USD với các quốc gia như Sudan, Iran và Cuba.
Theo báo chí Mỹ, BNP Paribas đang đứng trước nguy cơ bị phạt số tiền kỷ lục lên tới 10 tỷ USD, bị tạm thời đình chỉ các hoạt động tại Mỹ, với hậu quả là không được phép sử dụng đồng USD trong các giao dịch. Đối với BNP Paribas quyết định xử phạt nói trên là một đòn quá nặng trên cả phương diện tài chính lẫn uy tín của một tập đoàn ngân hàng đứng hàng thứ ba thế giới, sau liên doanh ING của Hà Lan và ICBC của Trung Quốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp tín dụng của BNP Paribas, mà còn gây thất thu thuế đối với Pháp, do thuế đánh vào lãi ngân hàng bị giảm, trong lúc Paris đang tìm mọi cách gia tăng nguồn thu ngân sách để giảm thâm hụt tài chính công.
Trụ sở Ngân hàng BNP Paribas tại Paris . |
Mức phạt quá cao mà ngành tư pháp Mỹ định áp dụng với Ngân hàng BNP Paribas hiện đang vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố khiến BNP bị phạt nặng như vậy là do Washington ý thức được rằng công luận Mỹ vẫn còn phẫn nộ về những hành vi sai trái của giới ngân hàng, tạo ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Do vậy, Hoa Kỳ muốn "xử lý" mạnh tay BNP để làm gương. Vì vậy mà cách đây không lâu Ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse đã phải trả giá đắt bằng cách móc "hầu bao" 3 tỷ USD nộp phạt. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghi ngại cho rằng, việc phạt BNP chẳng qua là gián tiếp để các doanh nghiệp Mỹ có thêm cơ hội vào làm ăn ở Iran, một khi các biện pháp cấm vận với Tehran được xóa bỏ.
Vì một trong những lĩnh vực hoạt động chính của Ngân hàng BNP Paribas liên quan đến các khoản mua bán dầu khí, nguyên liệu. Trong lĩnh vực này, BNP được xem là ngân hàng có vị trí mạnh trên bàn cờ thương mại quốc tế. Từ những năm 1970, vào lúc thế giới trải qua cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhất, BNP đã củng cố chi nhánh tại Geneva (Thụy Sĩ), biến địa điểm này thành một đầu mối quan trọng của rất nhiều các dịch vụ trao đổi dầu khí, khoáng sản và nông sản. Điều này củng cố cho lập luận là Washington muốn làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các tập đoàn kinh doanh của Mỹ.
Hiện tại, chính quyền Pháp, thậm chí cả Tổng thống Francois Hollande, đang ra sức vận động để giúp BNP Paribas tránh bị trừng phạt quá nặng. Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại vụ việc này sẽ ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà Pháp, với tư cách là một thành viên Liên minh Châu Âu (EU), có quyền phủ quyết. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, vì ông xem chính sách thương mại là một ưu tiên và là vũ khí địa chiến lược. Trong khi đó, thiệt hại về phía EU cũng không ít. Theo ước tính, hai nền kinh tế quan trọng Mỹ và EU chiếm 40% tỷ trọng thương mại của toàn thế giới và nếu hiệp định này được ký kết sẽ mang lại mức tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho EU từ 0,5% đến 0,7%. Nhiều ngành, nghề như may mặc, hóa chất hay sản xuất xe hơi hy vọng hiệp định này sẽ đưa ra các tiêu chuẩn quy định cho việc giao thương của cả hai bên. Cho nên, nếu chỉ vì để bảo vệ một ngân hàng mà Pháp đưa Hiệp định TTIP ra để đánh đổi, thì đây quả mà một chiến lược đầy rủi ro cả về chính trị lẫn kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.