(HNM) - Cuối tuần trước, trận tranh Siêu Cúp Bóng đá quốc gia giữa Hà Nội T&T với Sông Lam Nghệ An trên SVĐ Hàng Đẫy vắng khán giả như thường thấy. Nếu lấy khán đài B, nơi hội cổ động viên hai đội
Nếu lấy khán đài B, nơi hội cổ động viên hai đội "đặt căn cứ” để so sánh thì xem ra cổ động viên Sông Lam Nghệ An còn đông hơn. Điều ấy càng khiến người ta ngán ngẩm dù vẫn biết trong nỗ lực trở thành đội bóng của người Hà Nội, đương kim vô địch Hà Nội T&T đã tăng thêm "chất" bằng việc bổ sung Bảo Khanh, Văn Quyết (những người cũ của Thể Công). Thế nhưng, cổ động viên Thể Công, những người từng hết mực yêu mến Bảo Khanh, Văn Quyết vẫn không đến sân. Vì thế, dù Hà Nội T&T đoạt cúp trong một trận đấu đầy kịch tính thì không khí ăn mừng vẫn nhàn nhạt. Khi Hà Nội T&T nhận cúp cũng là lúc khán đài B hầu như không còn bóng người. Thử tưởng tượng cảnh khán đài rộn tiếng reo hò, cầu thủ chủ nhà vác cúp chạy quanh sân sẽ khiến người ta phấn khích thế nào. Nhưng đáng tiếc, hình ảnh ấy vẫn chưa đến.
2- 12 năm trước, cũng trên SVĐ Hàng Đẫy, trận tranh Siêu Cúp quốc gia giữa Thể Công và CA TP Hồ Chí Minh đông nghẹt người xem. Lúc ấy, ít nhiều người hâm mộ Hà Nội vẫn mặn mà với bóng đá. Thể Công, Công an Hà Nội với những cầu thủ gốc Hà Nội và lối đá không trộn vào đâu luôn có khán giả riêng. Điều ấy giải thích vì sao, trận đấu giữa Thể Công- Công an Hà Nội luôn thu hút người xem. Mốc đánh dấu sự đi xuống về số lượng khán giả trên SVĐ Hàng Đẫy đến từ khi Công an Hà Nội chuyển giao cho doanh nghiệp. Thể Công vẫn còn đấy nhưng cũng không thể tạo nên những trận đấu "kéo" gần 2 vạn người đến sân như vài năm trước. Một phần vì màn trình diễn của những Thể Công, Hà Nội ACB kém thuyết phục, phần khác là do chất Hà Nội, chất "lính" trong những đội bóng đã nhạt nhòa. Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội T&T sau này cũng cố gắng lôi kéo khán giả đến sân bằng mọi cách nhưng vẫn phải chấp nhận tình cảnh thi đấu sân nhà mà như sân khách, thậm chí nhiều trận khán giả đội khách còn áp đảo cả về số lượng lẫn sự nhiệt tình. SVĐ Hàng Đẫy trở thành nơi có số lượng khán giả thấp nhất giải chuyên nghiệp cũng như giải hạng nhất.
3- Muốn hoàn thành việc gì cũng phải có quá trình. Công an Hà Nội, Thể Công mất một thời gian để xây dựng lối chơi riêng, đầy cá tính thì mới có được số lượng người hâm mộ ổn định. Hà Nội T&T, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB hiện tại đều chưa có nét riêng. Không kể, hệ lụy của việc đi xuống về phong cách, chuyên môn dẫn đến mất khán giả cách đây gần 10 năm của các đội bóng Hà Nội cũ giờ vẫn còn ảnh hưởng đến các đội bóng trên. Khán giả Hà Nội vẫn "máu" bóng đá nhưng chỉ với những trận cầu quyết định của đội tuyển quốc gia. Còn những trận đấu của các CLB Hà Nội chắc còn phải chờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.