(HNM) - Nếu tính sản lượng rơm rạ, bã mía, thân lõi ngô, mùn cưa, bông phế loại ở các nhà máy dệt, cây gỗ, cỏ… mỗi năm cả nước có hơn 40 triệu tấn nguyên liệu. Theo các nhà khoa học, chỉ cần sử dụng 10-15% lượng nguyên liệu này đã tạo ra hơn 1 triệu tấn nấm/năm và hàng trăm nghìn tấn phân hữu cơ.
Biến phế liệu thành… tiền
Nghề trồng nấm mở ra hướng phát triển trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động...
Theo đánh giá của Hiệp hội Khoa học nấm ăn quốc tế (ISMS), có thể sử dụng khoảng 250 loại phế- phụ liệu nông, lâm nghiệp để trồng nấm, đem lại lợi ích nhiều mặt. Ở nước ta, hầu như địa phương nào cũng có người trồng nấm. Để giải quyết việc làm cho một người lao động chuyên trồng nấm với thu nhập trung bình 800.000-900.000 đồng/tháng thì đầu tư ban đầu chỉ cần khoảng 10 triệu đồng và 100m2 đất để làm lán trại.
Hiện nhiều vùng nông thôn đang tích cực chuyển giao công nghệ trồng nấm đến người dân. Trong số này, mô hình hướng dẫn cho người nông dân biết trồng nấm để xóa đói, giảm nghèo của Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được đánh giá là có nhiều thành công. Nam Định được đánh giá là nơi có phong trào trồng nấm phát triển tốt hiện nay.
Ông Đới Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng cho biết: "Nông dân phần nhiều có khó khăn về kinh tế nên không thể áp dụng những mô hình mà nguyên liệu đầu vào quá cao; thay vào đó, cần lựa chọn mô hình có chi phí sản xuất thấp, nguyên liệu sẵn, dễ tìm. Ngoài ra, trình độ hiểu biết của người nông dân có hạn nên phải dạy nghề dễ làm, nhanh thu được sản phẩm. Từ những điều kiện trên, chúng tôi quyết định chọn nghề trồng nấm để dạy cho người nông dân". Đến nay, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã nuôi cấy thành công nhiều loại giống nấm từ cấp một đến cấp ba cho kết quả tốt, có thể đáp ứng 100% nhu cầu về giống nấm cho các hộ sản xuất trong huyện, tỉnh. Trung tâm đào tạo được hơn 5.000 học viên, hầu hết là nông dân nghèo trong tỉnh. Khoảng 30% số người học nghề đã sống được bằng nghề trồng nấm.
Ông Lê Đức Ngân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nam Định cho biết: Năm 2007, Bộ KHCN hỗ trợ Nam Định triển khai thực hiện dự án "Xây dựng các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm hàng hóa trên quy mô diện rộng". Sau hơn ba năm triển khai, tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất giống nấm cấp một, hai đối với các loại nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm và bốn mô hình sản xuất giống nấm cấp hai, ba tại các huyện với công suất 50 tấn/năm. Trước đây, nhiều người không tin nghề trồng nấm sẽ thành công và cho thu nhập cao. Nhưng sau một vài mô hình đạt hiệu quả cao, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã tìm đến tham quan, học tập. Nghề sản xuất nấm đang mở ra hướng phát triển tích cực cho tỉnh Nam Định trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lao động và khai thác hiệu quả quỹ đất đai.
Cần có chiến lược phát triển bền vững
Hiện tại, trồng nấm được coi là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhân tố mới ở nông thôn, là động lực mới cho sự phát triển kinh tế hộ nông dân nói chung. Tuy nhiên, việc phát triển nghề này đang đứng trước nhiều bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.
Theo đánh giá chung của nhiều nhà khoa học, việc sản xuất, chế biến nấm ở nước ta mới chỉ phát triển ở quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa là chính, chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị của nó. Hiện nay, trong khi phần lớn các tỉnh phía Nam sản xuất theo mô hình trang trại thì các tỉnh phía Bắc bắt đầu sản xuất theo quy mô hộ gia đình là chính, làng nghề trồng nấm hầu như không có. Bên cạnh đó, trình độ quản lý của các chủ trại trồng nấm và tay nghề của người lao động còn hạn chế. Nhiều chủ hộ chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường, dẫn đến thụ động trong việc đầu tư để phát triển sản xuất. Đặc biệt, việc chuyển giao tiến bộ KHCN chưa được quan tâm đúng mức. Ông Lê Đức Ngân cho biết thêm, không riêng Nam Định, để nghề sản xuất nấm phát triển hiệu quả, bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự chung tay của nhiều "nhà": quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người dân. Về lâu dài, cần tổ chức sản xuất quy mô lớn, tiến đến xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Một hạn chế không thể không nhắc tới là nấm Việt Nam hiện chưa có thương hiệu và có nguy cơ chịu chung số phận như gạo, chè, cà phê, hạt điều khi mà các nhà xuất khẩu nấm Việt Nam phải "chịu" để các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và đóng gói lại sản phẩm của mình với nhãn mác mới, tiếp tục bán ra thị trường với giá cao hơn... Rõ ràng, việc tạo dựng thương hiệu nấm cũng là bài toán chưa có lời giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.