Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán cần nhiều lời giải

Văn Giang| 19/11/2010 06:43

Năm 2009, có 48.620 người di cư từ địa phương khác đến Hà Nội, ước tính năm 2010 là 53.000 người (HNM) - Di cư tự do là một trong những vấn đề nan giải Hà Nội đang gặp phải. Mặt tích cực của câu chuyện này không thể phủ nhận nhưng hạn chế cũng không thể né tránh.

Tăng nhanh dân số cơ học, sức ép lớn cho các đô thị nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 6,5 triệu dân có hộ khẩu thường trú. Nếu tính cả người nước ngoài, học sinh, sinh viên, người các tỉnh về lao động thời vụ thì số dân có mặt tại Hà Nội lên đến 8-9 triệu người. Mật độ dân tập trung quá cao ở các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, không những không kiểm soát được mà còn có chiều hướng gia tăng. Đáng lưu ý là trong năm 2009 Hà Nội đã "đón" thêm 48.620 người di cư từ các địa phương khác đến. Con số này được dự báo sẽ lên đến gần 53.000 người trong năm 2010, trong khi số người nhập cư năm 2001 chỉ là 17.000 người. Như vậy, số lượng người di cư đến Hà Nội trong 10 năm gần đây không ngừng tăng. Hiện tượng này, cho dù cũng là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội, nhưng nếu không có sự quản lý, điều tiết sẽ gây ra những vấn đề phức tạp trong đời sống kinh tế, xã hội cho Thủ đô những năm tới.

TS Đinh Văn Thông (ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng di cư tự do tới Hà Nội làm gia tăng sức ép về việc làm, gây quá tải về sử dụng các công trình hạ tầng cơ sở vốn dĩ đã không theo kịp tốc độ đô thị hóa... Người di cư không chỉ bị "cô lập" về mặt xã hội (ít có điều kiện được sử dụng các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục chất lượng) mà còn bị "cô lập" về không gian: ăn ở chật chội, điện, nước, vệ sinh vừa thiếu vừa đắt đỏ.

Một vấn đề nan giải khác Hà Nội cũng đang gặp là di cư tự do có nguy cơ gây ra tình trạng mất trật tự công cộng và gia tăng sức ép quản lý cho các cấp chính quyền. Các cuộc điều tra cho thấy dòng người di chuyển về Hà Nội có sự hạn chế nhất định về chuyên môn, tay nghề nên phần đông họ phải làm đủ các loại công việc. Tại thành phố đã hình thành một số điểm "chợ lao động chân tay" ở cầu Mai Động, Ngã Tư Sở, dốc Minh Khai... gây mất trật tự và mỹ quan đô thị. Do tính chất công việc, hằng ngày họ phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, dễ dàng tiếp xúc với cả việc tốt và nết xấu. Vì vậy, rất dễ mắc tệ nạn xã hội, gây tác động tiêu cực tới an ninh trật tự Thủ đô.

Hà Nội không thể tự giải quyết

Theo PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân- Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, dù có chính sách hạn chế nhập cư nhưng số lượng người di cư đến Hà Nội vẫn tăng không ngừng. Điều đó cho thấy, hiện tượng này chưa được đánh giá đúng mức. "Đặt vấn đề xã hội, trong đó có di cư ngang hàng với các vấn đề khác trong phát triển đô thị sẽ là tiến bộ quan trọng trong việc quản lý phát triển đô thị, đúng với mục tiêu vì con người của đô thị hóa bền vững" - PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân nhấn mạnh.

TS Đinh Văn Thông cho biết thêm, Hà Nội không thể cưỡng chế tình trạng di cư bằng các biện pháp hành chính, nhưng cũng không khuyến khích hiện tượng này hoặc từ chối nó một cách buông xuôi, tự phát. Vấn đề quản lý và điều tiết dòng di cư liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều cấp quản lý nên đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ. Bên cạnh các khu công nghiệp hiện đại, các nhu cầu dịch vụ đời sống như nội trợ, chăm sóc trẻ em, dưỡng lão, vận tải, buôn bán nhỏ... trở nên vô cùng cần thiết, thành phố nên chủ động hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ để đáp ứng yêu cầu trên. Ngoài ra, là xây dựng chính sách xã hội, gồm: hỗ trợ việc làm, trợ cấp thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm y tế... Việc thực hiện các chính sách này cũng cần thiết với lao động ngoại tỉnh vì nó giúp họ có điều kiện thực hiện các quyền cơ bản của công dân, tạo điều kiện cho họ tham gia tốt hơn vào thị trường lao động.

Trên bình diện quốc gia, hạn chế tình trạng di cư tự do vào Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn khác nói chung phải dựa trên các biện pháp quy hoạch và an sinh xã hội hoàn chỉnh. Người dân hẳn không ai muốn bỏ quê quán, gia đình nếu như ở chính nơi họ sinh ra, việc làm và thu nhập được bảo đảm. "Hà Nội nên xem xét thành lập các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người di cư, tổ chức tư vấn về việc làm nhằm hướng họ vào những ngành nghề phù hợp, đồng thời từng bước hình thành nên thị trường lao động có thể quản lý được" - TS Đinh Văn Thông kiến nghị.

Phải khẳng định rằng, quan điểm "không quản được thì cấm" đối với người di cư lúc này là không phù hợp. Hiện tượng này cần được coi là một tất yếu khách quan và là một phần động lực thúc đẩy sự phát triển Hà Nội. Song, Hà Nội cần coi trọng, ưu tiên thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động trình độ cao thông qua việc hạn chế tiếp nhận dự án đầu tư cần nhiều lao động cơ bắp. Vùng đô thị hạt nhân cần khuyến khích các ngành công nghiệp có chất xám cao, không gây ô nhiễm và sử dụng ít đất, ít lao động để gián tiếp hạn chế dòng lao động phổ thông, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng di cư tự do. Đó là bài toán cần nhiều lời giải mà Hà Nội không thể đơn phương giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài toán cần nhiều lời giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.