(HNM) - Lãnh đạo TP Hà Nội vừa lưu ý cơ quan chức năng tiến hành khảo sát kỹ lưỡng về tình trạng của các chung cư cũ trên địa bàn, báo cáo phương án xử lý đối với những tòa nhà không còn an toàn đối với sự sống của người dân. Đó là sự chỉ đạo đúng đắn, tiếp theo những cuộc khảo sát đã được tiến hành trước đó, đặc biệt là trong năm 2014.
Khảo sát thực trạng là bước đi quan trọng nhằm tạo cơ sở cho các quyết sách tiếp theo, trong trường hợp này là cải tạo hoặc phá dỡ các chung cư quá cũ, không còn an toàn cho cư dân sống trong đó. Vào năm ngoái, kết quả khảo sát do một đơn vị nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực xây dựng tiến hành chỉ ra rằng, trên địa bàn Hà Nội có hàng nghìn tòa nhà cao tầng được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước thuộc diện cần phải cải tạo hoặc phá dỡ - xây mới, trong đó có vài chục tòa được xếp hạng 3-4, tức thuộc dạng nguy hiểm. Trước đó, những nghiên cứu độc lập từ cơ quan chuyên môn, nhà quản lý xây dựng và thông tin báo chí đã góp phần vẽ nên bức tranh toàn cảnh về chung cư cũ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Vấn đề là tại sao việc cải tạo - phá dỡ chung cư cũ, nói rộng ra là các công trình kiến trúc đã cũ, thậm chí là cổ, chưa thể tiến hành nhanh chóng nhằm loại bỏ hệ lụy có thể xảy ra, như vụ sập nhà cổ trên phố Trần Hưng Đạo?
Về cơ bản, sự chậm trễ trong phần việc này do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ trách nhiệm quản lý, có nguyên nhân từ văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý những công trình xây dựng không còn bảo đảm an toàn cũng như tiêu chí xác định điều đó, nhưng cũng có nguyên nhân thuộc về những người đang sống trong những công trình đó. Thực tế cho thấy với việc cải tạo, phá dỡ các chung cư nguy hiểm, sự chậm trễ có thể bắt nguồn từ thái độ thiếu hợp tác của một số cư dân tại chung cư đó, những người không muốn chuyển tới sống ở nơi xa hơn dù nơi ở mới có thể rộng rãi hơn, tiện nghi tốt hơn. Sự chậm trễ còn do các bên liên quan không cân đối được lợi ích, thường là chủ đầu tư công trình mới không giải được bài toán hiệu quả đầu tư, chính quyền thành phố lúng túng trước khoản kinh phí khổng lồ dành cho việc đền bù, tổ chức tái định cư...
Sau bài học biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo, giờ thì việc cải tạo, phá dỡ - xây mới chung cư cũ (chủ yếu là dạng công trình thường được gọi là "nhà tập thể" cao 5-6 tầng và được xây đã lâu) không thể chậm trễ nữa. Ngoài chủ trương và giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện nhiệm vụ này, điều quan trọng là tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm dung hòa lợi ích của các bên liên quan. Điểm mấu chốt không chỉ là kinh phí dành cho việc này, thái độ của chủ đầu tư, mà còn là ý thức của người dân về sự cần thiết phải cải tạo môi trường sống và bảo đảm sự an toàn cho chính họ. Ngoài những giải pháp nhằm bảo đảm cho người dân một nơi ở mới đầy đủ tiện nghi, an toàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà tái định cư, nhà quản lý cần đề ra quy định rõ ràng về những trường hợp nguy hiểm cần phải di dời bắt buộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.