(HNM) - Do buông lỏng quản lý để doanh nghiệp kê khống hành khách đi xe buýt làm thất thoát gần 4 tỷ đồng ngân sách, Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh cùng các cá nhân liên quan bị cảnh cáo và khiển trách về mặt Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa kỷ luật một loạt cán bộ do có sai phạm về trợ giá xe buýt. Cụ thể, ông Lê Hải Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm); ông Văn Công Điểm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc và Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế toán - Tài chính bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng. Ông Nguyễn Lâm Hải, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Trung tâm và ông Phạm Đình Đức, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ Sở GTVT bị khiển trách. Các cán bộ khác của Sở GTVT thành phố gồm: Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc; ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ; bà Nguyễn Thị Xuân Hiếu, Trưởng phòng và bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Tài chính phải rút kinh nghiệm nghiêm túc.
Nguyên nhân, theo cơ quan chức năng, trên địa bàn thành phố có 274 trường học được các doanh nghiệp vận tải (DNVT) thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh, sinh viên bằng xe buýt có trợ giá từ ngân sách nhà nước. Là đơn vị được giao quản lý, trung tâm tiến hành nghiệm thu chỉ căn cứ trên số liệu tổng hợp được ký xác nhận giữa nhà trường với DNVT mà không thể hiện bằng lệnh vận chuyển. Đồng thời, trung tâm cũng không tham gia trực tiếp vào công đoạn nào trong việc kiểm tra, xác nhận khối lượng đã thực hiện hằng ngày. Bên cạnh đó, các mẫu biểu xác nhận số lượng, số lượt học sinh đi xe buýt có yêu cầu học sinh ký xác nhận là không phù hợp với thực tế của trình độ học sinh tiểu học; biên bản nghiệm thu khối lượng không có chữ ký xác nhận của lãnh đạo trung tâm. Cụ thể, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) và Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận), DNVT đã kê khống thêm sản lượng vận chuyển học sinh để chiếm đoạt tiền ngân sách. Đặc biệt, năm 2012, trung tâm thanh toán trợ giá cho DNVT là HTX Phương Lâm gần 924 triệu đồng (trong đó trợ giá riêng Trường Tiểu học Bàu Sen hơn 132 triệu đồng); trong 6 tháng đầu năm 2013, trung tâm thanh toán trợ giá cho HTX Phương Lâm hơn 337 triệu đồng (trong đó trợ giá cho riêng Trường Tiểu học Bàu Sen gần 83 triệu đồng). Tuy nhiên, cơ quan chức năng phát hiện Trường Tiểu học Bàu Sen không hề có hợp đồng vận chuyển với HTX này. HTX Phương Lâm đã làm giả hồ sơ quyết toán để chiếm đoạt trợ giá nhà nước trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 với tổng số tiền gần 215 triệu đồng.
Cũng theo cơ quan chức năng, đối với các tuyến đưa đón công nhân trong năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, trung tâm chỉ ký hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ vận chuyển với Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn nhưng không hề tiến hành giám sát, kiểm tra sản lượng thực hiện, từ đó dẫn tới trung tâm đã "biếu không" hơn 3,7 tỷ đồng tiền ngân sách cho công ty này.
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh xử lý về mặt Đảng, hiện UBND thành phố đang xem xét xử lý cá nhân tổ chức sai phạm về mặt chính quyền.
Trong góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng việc trung tâm thiếu trách nhiệm, quản lý không tốt, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, cần phải được xử lý nghiêm. "Theo Bộ luật Hình sự, người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước từ một năm đến năm năm", luật sư Hậu nói. Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động trợ giá xe buýt cần phải thực hiện theo Luật Đấu thầu 2013, quản lý dự án theo Luật Đầu tư công thay vì "độc quyền" như hiện nay.
Từ vụ việc thất thoát hơn 4 tỷ đồng ngân sách tại Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, có thể rút ra bài học kinh nghiệm để nguồn vốn nhà nước và tài sản công không bị thất thoát nghiêm trọng. Theo đó, ngoài việc các DN phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, thì thành phố cũng cần có các cơ chế giám sát các dự án hạ tầng giao thông, các chương trình phát triển giao thông công cộng; thiết lập hiệu quả các kênh đối thoại giữa người dân và lãnh đạo thành phố đồng thời có chế tài xử lý nghiêm vi phạm để quản lý nguồn vốn nhà nước được chặt chẽ và minh bạch hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.