Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học từ Phnom Penh

Nữ Quỳnh| 26/11/2010 06:49

(HNM) - Hôm qua, đất nước Campuchia đã tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân vụ giẫm đạp bi thương trên cầu ở Phnom Penh. Trong số nạn nhân có hàng chục người Việt. Nỗi đau sẽ còn khó nguôi ngoai không chỉ với riêng nhân dân đất nước chùa Tháp.


Nhưng ở đây, xin nói về một mối lo ngại. Nó không phải chỉ bây giờ, sau thảm họa ở Campuchia, mới lộ diện, mà thực chất đã tồn tại, ẩn khuất từ lâu ở rất nhiều lễ hội, gồm cả nhiều lễ hội ở Việt Nam. Trên thế giới đã xảy ra nhiều thảm họa giẫm đạp tương tự như ở Phnom Penh, thậm chí ở cả những quốc gia phát triển, có đủ điều kiện tốt nhất cho những lễ hội quy mô như nước Đức, vừa xảy ra hồi tháng 7.

Có thể thấy rõ, nguyên nhân số một ở những thảm họa này chính là "tâm lý đám đông". Theo một nghiên cứu của Đại học Leeds (Anh), 95% số người trong đám đông khi gặp nguy hiểm có khuynh hướng hành động theo một nhóm thiểu số chỉ chiếm khoảng 5%.

Đám đông càng nhiều người thì càng dễ gây ảnh hưởng. Nghiên cứu này đã được thế giới rất chú ý vì có thể giúp đưa ra những chiến lược về sơ tán trong trường hợp xảy ra thảm họa.

Nhưng đó cũng vẫn chỉ là yếu tố tâm sinh lý, trong khi thực tế còn có những tác động rất lớn từ yếu tố văn hóa, giáo dục, kiến thức… của người tham gia có thể tác động tới sự an toàn của các lễ hội.

Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống, đậm bản sắc văn hóa. Hằng năm, nước ta có hàng ngàn lễ hội lớn, nhỏ. Có những lễ hội kéo dài và ở khu vực địa hình hiểm trở như hội chùa Hương, đền Hùng, chùa Yên Tử. Có những lễ hội tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao như các lễ hội trên sông nước. Có lễ hội có sự tham gia của các loài khác con người như chọi trâu, đua bò. Nhiều lễ hội phải tổ chức trong không gian hẹp ở các thành phố… Ngoài ra, chúng ta cũng còn có rất nhiều hoạt động văn hóa xã hội hay thể thao được tổ chức trong không gian hẹp, khó khăn về đường thoát hiểm. Điểm chung của những kỳ cuộc này là thu hút rất đông người tham gia, với đủ các thành phần, phông kiến thức của mỗi người rất khác nhau. Rất may là Việt Nam chưa gặp phải chuyện bi thương nào, nhưng không vì thế mà không có chuyện để lo.

Ở nước ta, vấn đề giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho người dân chưa được chú ý nhiều. Trước kia đã đành, nhưng ngay cả lớp trẻ bây giờ cũng gần như chưa được quan tâm. Có quá nhiều người tham gia các hoạt động đông người mà không ý thức được vai trò của mình ảnh hưởng đến xung quanh như thế nào. Cũng có quá nhiều người chắc chắn sẽ không biết phải làm gì nếu có sự cố, thậm chí chỉ đơn giản là tìm một lối thoát hiểm họ cũng chịu. Và sâu xa hơn, bản chất hơn cả, đó chính là vấn đề văn hóa khi tham gia các hoạt động đông người. Một khi con người ta biết ứng xử đúng, biết nhường nhịn, tôn trọng xung quanh thì dù có sự cố xảy ra, họ cũng sẽ bớt rối loạn hơn. Mặt khác là vai trò của các cơ quan chức năng trong điều tiết, vận hành chương trình, phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh, lường trước mọi diễn biến với các phương án xử lý. Thảm họa kinh hoàng ở Phnom Penh là bài học cho tất cả các quốc gia trong việc tổ chức các sự kiện đông người. Với Việt Nam cũng không có ngoại lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ Phnom Penh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.