(HNM) - Trước những thách thức chưa có tiền lệ, với phương châm
Bài 2: Bảo đảm kịp thời, hợp lý, đồng thuận cao
(HNM) - Trước những thách thức chưa có tiền lệ, với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", TP Hà Nội đã thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” của Quốc hội khóa XII hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Thành công nhất là việc sắp xếp cán bộ, tổ chức bộ máy được tiến hành bảo đảm kịp thời, hợp lý và tạo sự đồng thuận cao.
| ||
Lựa chọn giải pháp luân chuyển cán bộ
Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội có thể thấy, các bước thực hiện nhiệm vụ theo quy định như tổ chức kỳ họp hợp nhất HĐND TP Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây, lễ công bố quyết định và ra mắt các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đều diễn ra đầy đủ, đúng quy định và hoàn thành ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 8-2008. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: “Ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định quyết tâm thực hiện nghị quyết với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước”.
Trên nguyên tắc hợp nhất nguyên trạng, vấn đề đặt ra là đội ngũ cán bộ tăng, nhất là cấp phó, rất khó bố trí công việc. Trước thực tế đó, thành phố xác định nguyên tắc không tăng biên chế cho các sở, ngành, nhưng giao bổ sung biên chế cho cấp huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới. UBND thành phố đã ban hành các quyết định về việc hợp nhất, thành lập 20 sở, ban, ngành; bổ nhiệm 20 giám đốc và hơn 150 phó giám đốc và tương đương các sở, ban, ngành thành phố. Ngay sau đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành cũng phải chủ động tiến hành phân công trong tập thể lãnh đạo và tổ chức sắp xếp lại các phòng, ban chuyên môn theo hướng tinh gọn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Trước thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có số lượng lớn, nhất là cấp phó các sở, ban, ngành, ngay từ những ngày đầu hợp nhất, lãnh đạo thành phố đã coi công tác luân chuyển cán bộ là khâu trọng tâm, đột phá nhằm sắp xếp lại đội ngũ hợp lý sau khi hợp nhất. Được sự đồng ý của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bài bản, dân chủ, công khai về công tác luân chuyển cán bộ, chỉ đạo ban hành quyết định hỗ trợ cán bộ thuộc diện luân chuyển, kèm theo một số chế độ khác như bố trí phòng công vụ, chi phí đi lại...
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thức thực hiện khoa học, bài bản, chính xác, thành phố đã luân chuyển trên 130 lượt cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý về làm Bí thư, Phó Bí thư; giới thiệu để HĐND các địa phương bầu làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã. Nhiều đồng chí từng được luân chuyển về địa phương làm Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND hiện nay đang giữ các cương vị là Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện có nhiều đóng góp tích cực như: Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng...
Giải pháp luân chuyển cán bộ tiếp tục được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện hiệu quả suốt 10 năm qua, tạo ra môi trường đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cho thành phố.
Bảo đảm đoàn kết nội bộ, đồng thuận cao
Sắp xếp tổ chức cán bộ hàng chục cơ quan, đơn vị, liên quan đến lợi ích của hàng trăm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, nhưng tuyệt nhiên không có đơn, thư khiếu kiện. Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định: “Tôi không muốn dùng từ tốt mà tôi nói là giải quyết thành công, tức là mình sắp xếp hợp lý nhất; vừa phù hợp với chủ trương chính sách và phù hợp với thực tế”.
Bổ nhiệm, luân chuyển hàng trăm cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trường hợp nào cũng được Thành ủy Hà Nội cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở một số nguyên tắc chung đã được tập thể thông qua. Quá trình lựa chọn, quyết định bổ nhiệm hay luân chuyển cán bộ đều được thực hiện khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, theo quan điểm: "Người thiếu kinh nghiệm thực tiễn thì phải tăng cường năng lực thực tiễn. Nếu trải qua thực tiễn mà thấy đáp ứng tốt hơn nữa thì cất nhắc việc cao hơn, kịp thời hơn. Trái lại nếu người đó không thích hợp với công việc ấy thì phải chuyển sang việc khác. Làm sao để cùng một đội ngũ cán bộ như vậy mà có thể phát huy sức mạnh của tất cả mọi người”. Chính nhờ làm được như vậy, mặc dù có cách biệt, có khác biệt, nhưng trong đội ngũ cán bộ không có biểu hiện của sự đố kỵ, không xảy ra những tình huống “quay lưng” lại với nhau, mà là tích cực hợp tác với nhau.
Kết quả thực hiện sắp xếp cán bộ sau hợp nhất của Hà Nội được Trung ương đánh giá cao, coi là điển hình đáng để các cấp ủy học tập. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá: “Trong giai đoạn Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, bên cạnh việc tăng thêm tiềm năng, lợi thế phát triển thì khâu khó nhất chính là tổ chức cán bộ, bởi động chạm đến lợi ích của rất nhiều người. Tuy nhiên, Hà Nội đã làm rất êm, không có khiếu kiện, sớm ổn định tổ chức bộ máy để tiếp tục xây dựng và phát triển. Đây là kinh nghiệm quý mà tới đây Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp tục làm việc với Hà Nội để tổng kết, đánh giá, nhằm triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian tới”.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn sắp xếp cán bộ sau hợp nhất với những điều kiện đặc thù nhất, Hà Nội cũng chính là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Đây còn là động lực cho các cấp, các ngành tiếp tục chủ động thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.