(HNM) - Những ngày nắng lửa của mùa hè năm 2011 xem ra có vẻ đỡ "nóng" hơn, khi mà các nhà máy điện dù chỉ vận hành chưa đạt công suất thiết kế, điện cũng đã đủ dùng, nếu không muốn nói hình như đã… thừa rồi.
Bao nhiêu năm ròng, cái điệp khúc thiếu điện để cắt điện luân phiên đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực mà bàn, mà luận, mà đặt đủ các loại câu hỏi về chiến lược phát triển của một ngành được coi là thiết yếu của nền kinh tế. Và để rồi, không chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam dồn vốn đầu tư thêm nhiều công trình điện đủ loại, mà nhiều tập đoàn khác như: Than - Khoáng sản, Dầu khí, thậm chí kể cả những doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp tư nhân cũng nhảy vào "gánh đỡ" khó khăn cho ngành điện. Và, cũng để rồi, thêm nhiều nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khí điện mọc lên với hy vọng được "hòa" vào thị trường mà theo dự báo sẽ có mức "cầu" tăng bình quân 15-20% mỗi năm khi GDP tăng ở mức từ 5-7%/năm.
GDP mấy năm nay vẫn tăng như mức dự báo, nhưng dự báo mức "cầu" của ngành điện hình như có "lệch pha" một chút, nên nhiều nhà đầu tư chợt nhận ra rằng, dự báo của các nhà hoạch định chính sách xem ra cũng giống mấy lần trước đây Đài Khí tượng thủy văn dự báo về thời tiết?
Nhìn sang ngành sản xuất xi măng, câu chuyện cũng có gì na ná như vậy. Chẳng biết các chiến lược gia căn cứ từ nhu cầu thực tế nào, nên các con số dự báo đưa ra cũng khiến không chỉ các nhà máy xi măng cũ đều gắng đầu tư, mở rộng, nâng công suất, mà chỉ vài năm, có nhiều nhà máy tầm cỡ cũng rầm rập mọc lên. Vốn đầu tư có hạn, chuyện đi vay là thường tình, nhưng xi măng sản xuất ra chất lượng tốt thật đấy mà nhu cầu trong nước thì tăng không đáng kể, việc xuất khẩu lại không mấy dễ dàng, nên đống nợ đang dồn lên vai Bộ Tài chính, thêm gánh nặng cho ngân sách.
Thêm một bài học cho công tác dự báo và các quyết định đầu tư.
Gần đây, sau hoạt động thành công của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty Lọc - hóa dầu Bình Sơn), nhiều nhà máy lọc dầu nữa đã, đang và chuẩn bị được xây dựng. Với đà này, mươi năm nữa chưa biết chừng Việt Nam lại trở thành trung tâm lọc, hóa dầu của khu vực và thế giới?
Nhớ lại cách đây gần chục năm, khi cả nước đua nhau xây dựng nhà máy đường, không ít chuyên gia kinh tế đã cảnh báo: Đừng mơ Việt Nam sẽ trở thành nước sản xuất đường vào loại lớn của thế giới? Để rồi, bài học của một ngành tưởng rất ngọt thơm ấy đã trở thành đắng ngắt cho đến tận bây giờ.
Rõ ràng, trong lĩnh vực kinh tế, không thể đầu tư theo tâm lý đám đông. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra được dự báo chiến lược, nhưng phải xuất phát từ thực tiễn đời sống và trên cơ sở các tính toán khoa học, mới mong không còn những bài học như mía đường hôm qua và hôm nay là xi măng, điện. Và nữa, người ta dễ nghĩ đến tâm lý chạy theo đám đông như mốt thời thượng, bắt đầu là hội chứng thị xã của tỉnh lên thành phố. Rồi là nở hoa hội chứng: cảng biển, sân bay, thủy điện, đường cao tốc… cho đến khu chế xuất, nhà máy bia, thuốc lá, đồ uống… tràn lan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.