(HNM) - Đêm trao giải "Bài hát Việt 2010" khép lại với sự đăng quang của ca khúc "Việt Nam" - tác giả Mai Khôi. Nhiều giải thưởng kép được trao cho các tên tuổi rất trẻ: Tạ Quang Thắng, Toàn Thắng... Có thể nói, 2010 là năm của những người viết trẻ năng động.
Đậm tiết tấu nhịp sống hiện đại
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói vui tại lễ trao giải rằng, ông hơi buồn vì sân chơi này không có chỗ cho những người già, "toàn các bạn 8X, 9X thôi". Hơn 400 ca khúc gửi đến dự thi để chọn ra 40 ca khúc cho các liveshow quý và 15 ca khúc xuất sắc nhất lọt vào chung kết năm đa số là của người viết trẻ trên dưới 20 tuổi. Còn trẻ như nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, An Hiếu đã được coi là… già. Nói vậy để thấy rằng, sự tiếm ngôi và bước đột phá của các tác giả trẻ cho thấy chương trình tôn vinh bài hát mới và sáng tác mới đã thành công.
Mai Khôi biểu diễn ca khúc “Việt Nam” trong đêm trao giải. Ảnh: Huy Tân |
Không còn nhiều sáng tác mang âm hưởng dân gian như 5 năm trước, năm thứ 6 của "Bài hát Việt" có nhiều ca khúc pop, âm hưởng rock và hầu hết đều có tiết tấu đa dạng, như chính cuộc sống hiện đại. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đánh giá, các sáng tác tham gia Bài hát Việt 2010 đã lấp ló thứ ngôn ngữ của âm nhạc hôm nay, giàu tiết tấu, hòa thanh phong phú, cấu trúc chặt chẽ, có sự hội nhập nhưng vẫn mang màu sắc Việt Nam. "Uống trà" của tác giả Toàn Thắng giản dị như thói quen và thú vui hằng ngày của người Việt, nhịp điệu và đề tài anh chọn khiến cả hội đồng thẩm định và khán giả đều thích thú. Cách tác giả hát chính ca khúc cũng rất trẻ: vội vã (dù nói về thói quen uống trà), nhiều thông tin về cuộc sống, gia đình nhưng hơi lướt. "Tay ngang" Toàn Thắng thực sự là một khám phá thú vị trong "Bài hát Việt" năm nay.
"Hồ Gươm sáng sớm" của Lưu Thiên Hương cho thấy tác giả này liên tục có sự thay đổi trong sáng tác. 6 năm tham gia và đều có mặt trong chung kết năm, nhưng mỗi lần là một sáng tác mang âm hưởng khác: "Thu tình yêu" (âm hưởng rock); "Quạt giấy", "Guốc mộc" (âm hưởng dân gian) và lần này là ca khúc phong cách pop. Mỗi ca khúc có tiết tấu rõ ràng, biến chuyển theo hướng những gì đang thịnh hành. Chính vì thế chị được trao giải "Nhạc sĩ ấn tượng" năm nay.
Cái nhìn rộng mở của người trẻ
Ca khúc "Việt Nam" trở thành "Bài hát của năm" cũng gây nhiều ý kiến. Bởi ca khúc này quá đơn giản, không thực sự đặc sắc với những tìm tòi nghệ thuật độc đáo như những "À í a", "Chuông gió", "Con cò" hay "Đồng hồ treo tường" của những năm trước. Có lẽ hội đồng thẩm định cho rằng "Việt Nam" là đại diện cho một thế hệ sáng tác mới ở nước ta: đề tài mở rộng, ca từ trong trẻo; giai điệu dễ gần... Mai Khôi chia sẻ rằng, cô sáng tác ca khúc này để nhiều người hát được, thể hiện được tình cảm và tâm hồn trong sáng, dễ mến của người Việt Nam. Nhưng cách cô viết giống như là một người Việt ở nước ngoài cảm nhận về quê hương hơn là một công dân sinh ra và lớn lên ở đây.
Hầu hết sáng tác lọt vào chung kết năm đã không còn bó gọn trong đề tài về tình yêu đôi lứa. Như "Lá cờ" của Tạ Quang Thắng được giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên, chủ yếu là ở ý nghĩa tư tưởng của ca khúc và đề tài anh chọn - về hình ảnh cờ Tổ quốc. Những tác giả mới xuất hiện như Hà Chương, Lê Hà Nguyên, Xuân Minh, Võ Thiên Lan... chọn đề tài xã hội, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước. Đó thực sự là những chuyển biến đáng mừng, thể hiện rõ tư duy, lối sống của thế hệ trẻ ngày nay, đã có cái nhìn rộng mở, quan tâm đến vấn đề xung quanh hơn trước.
Khép lại "Bài hát Việt 2010", khán giả lại tiếp tục đặt niềm tin, kỳ vọng ở mùa giải năm sau được thấy một thế hệ sáng tác mới có chiều sâu hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.