Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Xây trường mới vượt chỉ tiêu, vẫn thiếu chỗ học

Thống Nhất| 16/06/2017 06:47

(HNM) - Quy mô học sinh năm sau cao hơn năm trước, sĩ số học sinh/lớp luôn cao hơn nhiều so với điều lệ trường học, thậm chí có quận hầu hết trường có sĩ số ở mức 55 học sinh/lớp; số lớp của trường ngày càng nhiều hơn… Đây là những khó khăn mà ngành Giáo dục Thủ đô đang phải đối mặt.

Sĩ số học sinh/lớp không “vượt trần” sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Ảnh: Nhật Nam


Áp lực từ việc thiếu chỗ học cho học sinh đã trở thành mối lo thường trực những năm gần đây. Theo quy hoạch mạng lưới trường học do UBND TP Hà Nội phê duyệt, trong giai đoạn 2012-2020, Hà Nội cần xây dựng mới 635 trường học, song tính đến năm 2015 đã có 763 dự án được triển khai, vượt xa so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh về quy mô học sinh, mạng lưới trường lớp của Thủ đô vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học.

Học sinh các cấp liên tục gia tăng

Năm học 2016-2017, Hà Nội có hơn 1,8 triệu học sinh các cấp học. Theo số liệu điều tra của các quận, huyện, thị xã về số học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp năm học 2017-2018, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục tăng ở mọi cấp học. Cụ thể, toàn thành phố có 150 nghìn bé trong độ tuổi vào lớp mẫu giáo 5 tuổi, tăng 11 nghìn bé so với năm học trước; số học sinh vào lớp 1 là 142 nghìn học sinh, tăng 14 nghìn em; số học sinh vào lớp 6 là 110 nghìn học sinh, tăng 3.300 em; ở cấp THPT, số học sinh vào lớp 10 tăng hơn 2.700 em. Như vậy, so với năm học trước, các nhà trường phải chuẩn bị thêm 31 nghìn chỗ ngồi cho học sinh các cấp học. Những địa phương có số học sinh tăng nhiều là Hà Đông (2.200), Nam Từ Liêm (1.900), Bắc Từ Liêm (1.700), Đông Anh (1.500), Chương Mỹ (1.400)…

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt cho biết, một trong những khó khăn của quận hiện nay là quy mô dân số quá lớn, với mức 41 vạn người, khiến cho số học sinh ở các cấp học liên tục tăng. Nguyên nhân cơ bản là vài năm gần đây, trên địa bàn có thêm nhiều khu nhà cao tầng mới xây dựng, ngoài ra còn do tăng dân số cơ học. So với năm học trước, số học sinh vào các lớp đầu cấp của Đống Đa năm nay tăng hơn 1.700 em. Với đà phát triển như hiện nay, đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với quận trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.

Dù không có thêm các khu đô thị mới, song năm nay quận Hoàn Kiếm cũng có quy mô học sinh vào các lớp đầu cấp là 6.600 học sinh, tăng hơn 200 học sinh so với năm trước. Theo bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, quy mô học sinh trên địa bàn những năm gần đây không có biến động mạnh. Việc gia tăng học sinh vào các lớp đầu cấp chủ yếu là do năm sinh. Quận đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, trong đó có nhiều trường đã và đang được cải tạo, mở rộng như: Mầm non Lý Thường Kiệt, Mầm non Tuổi hoa, Mầm non 20-10, Tiểu học Trưng Vương, THCS Trưng Vương…

Dự báo, quy mô học sinh những năm tới tiếp tục tăng nhanh, trong đó quận Tây Hồ là một trong những đơn vị đang đứng trước thách thức về sự gia tăng dân số quá nhanh, dẫn đến quy mô học sinh năm sau luôn cao hơn năm trước. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận nhận định, trong 3 năm tới, số học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 của quận sẽ tăng bình quân 10% so với hiện nay. Ở một số phường có các tòa nhà chung cư đang xây dựng, khi người dân đến ở thì tỷ lệ này sẽ cao gấp nhiều lần. Đơn cử, quy mô học sinh vào lớp 1 của phường Xuân La sẽ tăng 70%, phường Quảng An tăng 40%, phường Phú Thượng tăng 30%...

Thiếu trường lớp

Tại nhiều trường, học sinh rất thiếu chỗ luyện tập thể dục, thể thao. Ảnh: Nhật Nam


Quy mô học sinh ngày càng tăng, mạng lưới trường lớp chưa kịp đáp ứng tất yếu khiến cho sĩ số học sinh/lớp tại nhiều nơi luôn ở trong tình trạng cao... chót vót. Điển hình là Cầu Giấy, 14 trường mầm non công lập có sĩ số bình quân 60 trẻ/lớp; 11 trường tiểu học có sĩ số bình quân 55 học sinh/lớp, 10 trường THCS có sĩ số bình quân 47 học sinh/lớp. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho biết, nếu chiểu theo mức độ phát triển quy mô dân số từ nay tới năm 2030 thì quận cần có 60 trường học (chỉ tính công lập), trong khi hiện tại mới có 38 trường. Như vậy, Cầu Giấy phải xây thêm 17 trường học trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, cần bổ sung 5 trường công lập.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại quận Nam Từ Liêm. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, cấp THCS có sĩ số học sinh bình quân là 58 học sinh/lớp; ở cấp mầm non là 65 bé/lớp và cao nhất là tiểu học với 69 học sinh/lớp. Hiện tại, trên địa bàn quận có 34 trường công lập, so với nhu cầu giai đoạn từ nay tới năm 2020 còn thiếu 17 trường. Hầu hết các phường như Đại Mỗ, Tây Mỗ, Xuân Phương, Trung Văn, Phú Đô, Cầu Diễn… đều đề nghị được xây dựng thêm trường mới hoặc mở rộng cơ sở vật chất hiện có để giảm áp lực về sĩ số học sinh/lớp.

Mặc dù nằm ở khu vực ngoại thành, với quy mô hiện tại là 55 trường học, sĩ số học sinh/lớp trung bình khoảng 38 học sinh/lớp, thấp hơn khá nhiều so với các trường khu vực nội thành, song theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, hầu hết các xã đều có nhu cầu mở rộng khuôn viên, tách trường học nhằm thực hiện theo đúng điều lệ trường học, làm nền tảng nâng cao chất lượng dạy và học. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh từ nay đến năm 2020, Đan Phượng cần xây thêm 6 trường học. Tương tự, hầu hết các xã của huyện Thạch Thất như Cẩm Yên, Đại Đồng, Lại Thượng, Phú Kim, Cần Kiệm, Thạch Xá, Bình Phú… cũng đều có nhu cầu tách trường học hoặc xây mới để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh trên địa bàn. Tổng số trường còn thiếu so với nhu cầu trong 3 năm tới của huyện là 10 trường.

Yêu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục và sự gia tăng mạnh mẽ về quy mô học sinh đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có lời giải cho bài toán về đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, kịp thời đáp ứng thực tiễn.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Xây trường mới vượt chỉ tiêu, vẫn thiếu chỗ học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.