(HNM) - Trong bối cảnh các nhà văn hóa (NVH) ở cơ sở đã được đầu tư xây dựng, song do chưa có quy chế quản lý, khai thác, vận hành phù hợp nên bộc lộ nhiều bất cập. Vậy đâu là hướng đi cho hệ thống NVH cơ sở?
Bài đầu: Vì sao nơi thừa, nơi thiếu?
Thừa là vì không ít nhà văn hóa (NVH) khang trang, sạch đẹp nhưng chỉ sử dụng một phần nhỏ hiệu suất, công năng, hoặc bị sử dụng sai mục đích. Thiếu là bởi nhiều thôn, làng, tổ dân phố (TDP) đông dân cư nhưng lại không có NVH làm nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cần đổi mới nhiều hơn nữa trong đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống nhà văn hóa cơ sở. Ảnh: Thái hiền |
Nơi cần không có, nơi có sử dụng không hiệu quả
Theo quy định, NVH là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí, hội họp cho cộng đồng dân cư… Thế nhưng, trên thực tế một số NVH đang sử dụng không đúng mục đích.
Tại quận Hà Đông, một thời gian dài, tầng 2 NVH khu tập thể Kho Bạc - Bảo Việt, TDP 7, phường La Khê được cho thuê làm nơi sản xuất đồ may mặc; tầng 2 NVH TDP Quyết Tâm, TDP Thống Nhất (phường Dương Nội) là địa điểm hoạt động của một số công ty, đơn vị tư nhân… Quận Hà Đông đã yêu cầu các địa phương có NVH sử dụng không đúng mục đích chấm dứt ngay việc cho thuê địa điểm, chấn chỉnh hoạt động cho đúng chức năng là thiết chế văn hóa cơ sở. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tình trạng cho thuê NVH ở Hà Đông dù đã được giải quyết, nhưng chưa triệt để và việc tổ chức hoạt động của các cơ sở này chưa thực sự đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đáng nói hơn, công trình NVH TDP 5, phường Đồng Mai được xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng, hoàn thành từ năm 2013, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng, xung quanh cỏ mọc um tùm, gây lãng phí. Một số NVH khác mới xây dựng ở phường Đồng Mai, Phú Lương… cũng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn do thiết kế không phù hợp. Trong khi đó, theo số liệu khảo sát của Phòng VH-TT quận Hà Đông, 11/22 TDP ở phường Phú Lương, 7/10 TDP ở phường Phú La… chưa có NVH hoặc hội trường họp dân. Nhiều NVH, hội trường họp dân xây dựng từ lâu ở các phường Nguyễn Trãi, Quang Trung, Yết Kiêu… có diện tích quá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hội họp cho cộng đồng dân cư trên địa bàn. Tương tự, độ “phủ sóng” NVH ở thị xã Sơn Tây, huyện Gia Lâm, Mê Linh, Thường Tín… đạt từ 70% trở lên, song số NVH thường chỉ dùng để hội họp chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Nếu như một số làng, TDP xa trung tâm đang lãng phí địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thì ở các quận trung tâm, việc có điểm sinh hoạt cộng đồng là mơ ước của chính quyền và nhân dân. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong cho biết, quận gần như trắng NVH cơ sở. Từ việc sinh hoạt chi bộ, cho đến các cuộc họp dân, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, người dân Hoàn Kiếm đều phải tổ chức nhờ ở các điểm di tích, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, trường học. “Dù nhu cầu rất bức thiết, song Hoàn Kiếm không còn quỹ đất để xây dựng NVH” - ông Đinh Hồng Phong cho biết thêm.
Không đến mức bí bách như quận Hoàn Kiếm, nhưng số NVH hiện có ở quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, thậm chí nhiều TDP phải sinh hoạt chung một NVH có diện tích vài chục mét vuông. “Đây là một trong những nguyên nhân khiến kết quả xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có chỗ, có nơi chưa được như mong muốn” - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung khẳng định.
Thiếu trang thiết bị và người quản lý
Không chỉ bất hợp lý về việc phân bổ, thiết kế và sử dụng NVH, hiệu quả hoạt động của NVH cơ sở chưa cao còn có nguyên nhân từ việc thiếu trang thiết bị, thiếu người quản lý, vận hành.
Khảo sát của Sở VH-TT Hà Nội cho thấy, đa số NVH xây dựng từ nhiều năm trước, không bảo đảm quy chuẩn về diện tích, công năng sử dụng. “Nhiều nơi xây dựng được công trình NVH nhưng thiếu trang bị, thiếu các hạng mục phụ trợ nên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Không những thế, cán bộ phụ trách hệ thống NVH cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm. NVH xã, phường thường do Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ văn hóa xã hội phụ trách. NVH thôn, TDP chủ yếu do trưởng thôn hoặc tổ trưởng TDP kiêm nhiệm. Những người này thường bận việc, ít được đào tạo về chuyên môn, không được hưởng trợ cấp, khó có thể chuyên tâm đưa các hoạt động của NVH đi vào chiều sâu” - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi nhận định.
Về nhận định này, Trưởng phòng VH-TT huyện Phú Xuyên Nguyễn Tùng Lâm dẫn chứng, NVH thôn Cổ Châu, xã Nam Phong là nhà trẻ cấp 4, xây dựng cách đây vài chục năm, nằm trong khuôn viên đình làng hiện đã xuống cấp trầm trọng. Trang thiết bị NVH thôn Cổ Châu lạc hậu, cũ kỹ, người trông coi kiêm nhiệm nên chỉ khi nào có việc quan trọng, người dân thôn Cổ Châu mới đến NVH sinh hoạt. NVH thôn Tư Sản, xã Phú Túc là ngôi nhà cấp 4 ọp ẹp, rộng chừng 40m2, không có bất cứ hạng mục, công trình phụ trợ nào, khiến người dân trong thôn có NVH cũng gần như không. Ngoài ra, huyện Phú Xuyên còn hàng chục công trình được gọi là NVH, điểm sinh hoạt cộng đồng, song không thể phục vụ các hoạt động văn hóa vì công trình xuống cấp, người trông coi nơi có, nơi không. Ở huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ…, nhiều NVH xây dựng từ lâu, thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và hiện đang xuống cấp.
Trong nhiều cuộc họp, hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ thành phố tới cơ sở, các đại biểu đều có chung nhận định: Hệ thống NVH cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của người dân là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của các phong trào. Thực tế đó, đòi hỏi Hà Nội cần có sự đổi mới trong việc đầu tư xây dựng cũng như cách thức vận hành hệ thống NVH cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với giai đoạn phát triển mới của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.