Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Từng bước khắc phục tồn tại

Minh Ngọc| 21/02/2016 06:04

(HNM) - Nói về hoạt động lễ hội những năm gần đây, từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa cho đến người dân đều bày tỏ lo ngại trước nguy cơ lễ hội đang phai nhạt bản sắc do việc quản lý, tổ chức chưa chặt chẽ; an ninh trật tự còn nhiều bất cập; nếp sống văn minh nơi thờ tự chưa cao…


Bài đầu: Từng bước khắc phục tồn tại

Nói về hoạt động lễ hội những năm gần đây, từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa cho đến người dân đều bày tỏ lo ngại trước nguy cơ lễ hội đang phai nhạt bản sắc do việc quản lý, tổ chức chưa chặt chẽ; an ninh trật tự còn nhiều bất cập; nếp sống văn minh nơi thờ tự chưa cao… Từ việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Thành ủy Hà Nội, một số tồn tại, hạn chế trong lễ hội đầu xuân đã được khắc phục.

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Anh Tuấn


Giải pháp đồng bộ

Đến thời điểm này, hầu hết lễ hội lớn, diễn ra dài ngày tại địa bàn Thủ đô đã khai hội. Dễ nhận thấy trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm nay là việc bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hành hương. Thay vì tập trung bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực diễn ra lễ hội như những năm trước, BTC lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức) đã bố trí lực lượng trực trên các tuyến đường hành hương để ngăn ngừa hiện tượng chèo kéo, ép khách từ xa. Bên cạnh đó, việc công khai số điện thoại đường dây nóng của các thành viên BTC lễ hội Chùa Hương đã góp phần phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp chèo kéo, ép khách sử dụng các dịch vụ; đồng thời ngăn chặn tình trạng người ăn xin, người hành nghề bói toán trong lễ hội. Để chủ động phòng ngừa những diễn biến theo chiều hướng xấu, BTC lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn) đã huy động lực lượng bảo vệ lên đến 300 người trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. "Quán triệt tinh thần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lễ hội theo nội dung Chỉ thị 03, lực lượng công an cùng dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện tỏa đi khắp nơi, vừa nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện quy định của BTC, vừa làm công tác phân luồng giao thông. Kết quả đã rõ, Hội Gióng diễn ra an toàn, trật tự, có chuyển biến rõ nhất trong những năm gần đây", ông Nguyễn Sỹ Quý (Đội trưởng Đội Quản lý hành chính, Công an huyện Sóc Sơn) cho biết.

Ngoài lực lượng an ninh, BTC lễ hội còn lắp đặt hệ thống camera quan sát tại nhiều vị trí. Với việc làm này, một số kẻ gian lợi dụng đám đông người dự hội thực hiện hành vi trộm cắp đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Có thể nói, những giải pháp đồng bộ của cơ quan chức năng đã mang đến những chuyển biến tích cực.

Thanh niên tình nguyện thu gom rác thải tại Hội Gióng ở Đền Sóc.


Chuyển biến tích cực

Những năm trước người dự hội rải tiền lẻ, đốt vàng mã khắp nơi. Triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Thành ủy, BTC Hội Gióng ở Đền Sóc vừa tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự thông qua hệ thống đài phát thanh từ huyện đến cơ sở, qua các cuộc họp chi bộ, sinh hoạt khu dân cư, qua hệ thống loa trực tiếp và bảng biển hướng dẫn trong khu vực di tích Đền Sóc; vừa huy động lực lượng thanh niên tình nguyện thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu người dân đặt không đúng nơi quy định bỏ vào hòm công đức.

Tại Phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, Chùa Hương…, BQL các di tích đã bố trí người thường xuyên gom tiền lễ tại các ban thờ bỏ vào hòm công đức. Đáng ghi nhận là việc, dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch tại khu vực Đền Trình (Chùa Hương), dọc đường vào Phủ Tây Hồ, trước khu vực đền Quán Thánh, đình, chùa Phúc Khánh… trong những mùa lễ hội trước cơ bản được khắc phục trong mùa lễ hội năm nay. "Đi kiểm tra một số lễ hội trên địa bàn Hà Nội, tôi chưa phát hiện thấy trường hợp nào công khai đổi tiền lẻ. Với sự vào cuộc đồng bộ và việc tích cực tuyên truyền của các cơ quan chức năng, hiện tượng rải tiền lẻ, đổi tiền lẻ trong các lễ hội, điểm di tích lớn ở Hà Nội giảm hẳn", ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL, nhận định.

Việc đốt vàng mã, thắp hương trong khu nội tự đã giảm rất nhiều. Tại đền Quán Thánh, Kim Liên, Bạch Mã, Chùa Hương…, BQL các di tích quy định rõ khách hành hương chỉ nên thắp một nén hương ở lư hương trước các điểm di tích, không thắp hương trong các ban thờ; hạn chế mang vàng mã vào di tích và hóa vàng mã tại các lò hóa vàng nhằm giảm nguy cơ cháy nổ. "Khi mới thực hiện, một số người dân tỏ sự khó chịu, nhưng cứ kiên trì vận động, nhắc nhở, người dân cũng hiểu và thực hiện. Hiện hầu hết người đi lễ không mang vàng mã nữa", ông Chu Thực, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quảng An, thành viên BQL di tích Phủ Tây Hồ khẳng định.

Ông Nguyễn Thế Cường (Thôn Cầu, xã Minh Đức, Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: Đầu năm đi lễ tại một số di tích lớn, tôi rất bất ngờ về không khí trang nghiêm nơi thờ tự. Không có dịch vụ đổi tiền lẻ. BTC các điểm di tích luôn nhắc nhở người dân không thắp hương trong nội tự, đặt lễ đúng nơi quy định. Tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh sinh viên tình nguyện trông xe miễn phí ở Phủ Tây Hồ và hội Gò Đống Đa, thu gom tiền công đức, vệ sinh môi trường tại Đền Sóc, Chùa Hương.

Rõ là, những hiện tượng tiêu cực, những vấn đề tồn tại, hạn chế trong lễ hội đầu xuân đang dần được khắc phục, nếp sống văn minh từng bước định hình.

Bà Đặng Thị Bích Liên (Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL):
Hà Nội chỉ đạo đúng và trúng

Tôi đánh giá cao công tác tổ chức lễ hội đầu Xuân Bính Thân của TP Hà Nội. Chỉ thị 41 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chỉ thị, thông tư hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL về quản lý, tổ chức lễ hội đã được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong Chỉ thị 03 và yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện. Qua quá trình kiểm tra thực tế, tôi thấy công tác chỉ đạo của Hà Nội rất trúng và đúng, vấn đề còn lại là cách thực hiện thế nào cho phù hợp, bởi lẽ để lễ hội văn minh, tiến bộ đòi hỏi các nhà quản lý phải kiên trì, quyết tâm và có sự phối hợp nhịp nhàng trong cả quá trình. Bước đầu, tôi thấy người dân nhiệt tình ủng hộ, một số hạn chế, yếu kém dần được khắc phục.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Từng bước khắc phục tồn tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.