LTS: Năm 2016, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, trong đó phát triển nông nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm...
LTS: Năm 2016, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, trong đó phát triển nông nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm. Đây là nhiệm vụ không đơn giản, nhất là khi nửa đầu năm 2016, nông nghiệp cả nước tăng trưởng âm, còn mức tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội chưa đạt mục tiêu đề ra. Làm gì để tạo nền móng vững chắc nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, đưa nông nghiệp nhanh về đích năm 2020 là bài toán khó cần tập trung giải quyết.
Bài đầu: Tăng trưởng chậm
Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết XVI của Đảng bộ thành phố, các địa phương đã tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm và quản lý an toàn thực phẩm… nhưng nông nghiệp của Hà Nội còn tồn tại nhiều yếu kém dẫn đến tăng trưởng không đạt mục tiêu.
Sau dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại thu nhập kinh tế cao. Trong ảnh: Một mô hình trồng đu đủ chất lượng cao tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thái Hiền |
Thiếu bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể nhưng năm 2016 nông nghiệp Hà Nội mới đạt mức tăng trưởng 2,2% (mục tiêu đặt ra là 3,5-4%). Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nguyên nhân là thời tiết năm nay diễn biến bất thường gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 2016 xuất hiện đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống thấp từ 6oC đến 9oC đã làm chậm tiến độ gieo cấy. Trong năm có 3 cơn bão ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa gây úng ngập diện tích lúa, làm gãy đổ và rụng hoa quả dẫn đến giảm năng suất, đó là chưa kể nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với nhiều cây trồng, vật nuôi khác…
Ngoài những tác động của khí hậu thì nông nghiệp Hà Nội cũng bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém như sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt các nguồn lực cho phát triển. GS Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng: Với quỹ đất ngày một bị thu hẹp như Hà Nội thì việc phát triển nông nghiệp cần có định hướng riêng, trong đó phải quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp để nâng cao giá trị đất canh tác.
Muốn vậy, bài toán tích tụ ruộng đất cần phải được tháo gỡ. Thời gian qua, dù công tác dồn điền đổi thửa của Hà Nội rất thành công nhưng hộ sử dụng diện tích lớn cũng chỉ một vài héc ta nên khó có thể làm tốt công tác chuyển đổi, hình thành được những vùng sản xuất lớn, khó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao năng suất lao động.
Hạn chế lớn của nông nghiệp Hà Nội hiện nay còn là việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, trong đó trồng trọt và lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao (hơn 40%). Mặc dù thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, đề án như: Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản chủ lực, đề án sản xuất hoa chất lượng cao, chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao,… nhưng sự chuyển đổi chưa có bứt phá, cây lúa vẫn là cây trồng chính với gần 196.520ha gieo cấy hằng năm nên giá trị từ trồng trọt thấp.
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) cho biết: Sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã chuyển đổi 27.891ha lúa thường sang sản xuất lúa chất lượng cao nhưng giá trị từ lúa chất lượng cao mới đạt khoảng 120-150 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ đất lúa sang cây rau màu mới đạt khoảng 6.535ha; cây ăn quả 1.930ha; cây hoa 2.800ha nhưng khâu tiêu thụ còn yếu, trên 80% sản phẩm làm ra đều bán qua thương lái khiến hiệu quả thấp và chưa tạo được sự bứt phá trong tăng trưởng.
Chăn nuôi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tính đến nay, chăn nuôi của thành phố mới đáp ứng được 65,5% nhu cầu về thịt lợn, 23% nhu cầu về thịt gia cầm, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nước ngoài. Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm với 3.648 trang trại.
Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập, hiện giá thành sản xuất còn cao hơn các nước khác từ 25 đến 30%. Năng suất sinh sản của các giống vật nuôi thấp hơn nhiều so với các nước, chăn nuôi nhỏ lẻ phổ biến dẫn đến khó ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao...
Đầu tư cho nông nghiệp giảm
Với đặc thù trên, ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, vốn đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 4-6% trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được thành phố hỗ trợ theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 nhưng việc cứng hóa kênh mương, giao thông, thủy lợi nội đồng vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ và đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, trong khi khả năng tự đầu tư của nông dân rất thấp.
Một số quy hoạch, đề án và cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp đã có, nhưng việc quản lý, triển khai thực hiện còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nguồn lực thực hiện và thủ tục hỗ trợ. Chẳng hạn như ngày 3-7-2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4192/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”... tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ.
Trong sản xuất lúa mới tập trung ở khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất còn thấp. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa đầu tư cơ giới hóa theo hướng khép kín, đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới môi trường... Cơ chế chính sách hỗ trợ cơ giới hóa của trung ương và thành phố còn nhiều bất cập, thủ tục còn rườm rà, người dân khó tiếp cận...
Yếu kém nhất của nông nghiệp Hà Nội là việc đầu tư đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hiện việc này mới manh nha nên sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất tới bảo quản mới đạt 1,1%. Thời gian qua, mặc dù thành phố đã có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, ứng dụng công nghệ cao.
Theo bà Bùi Hường Bích - Chủ nhiệm HTX Đan Hoài (Đan Phượng), hiện HTX đang sản xuất một loạt các loại hoa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, nhưng chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất để làm mô hình này rất lớn, chưa kể chi phí cho việc vận hành và bảo dưỡng công nghệ. Trong khi đó, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng hầu như doanh nghiệp vẫn phải vay theo lãi suất thông thường.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.