Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Nỗi lo nguồn gốc xuất xứ

Thu Trang| 27/08/2016 07:44

(HNM) - LTS: Tết Trung thu đang đến gần, bên cạnh mối quan tâm về chất lượng, giá cả thì vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm bánh dịp này vẫn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng.

Bánh trung thu thủ công giá cả hợp lý, hương vị đa dạng nhưng người tiêu dùng chưa thực sự an tâm về xuất xứ nguyên liệu.Ảnh: Huy Khánh


Ngoài sản phẩm của một số hãng có tiếng, trên thị trường vẫn hiện hữu bánh không rõ nguồn gốc, sản xuất theo thời vụ. Phong trào tự làm bánh (bánh handmade) ngày càng nở rộ với nguồn nguyên liệu trôi nổi cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe...

Thị trường bánh trung thu bắt đầu sôi động với đủ mẫu mã, thương hiệu, được chế biến bằng các công nghệ khác nhau, từ thủ công tại gia đình đến dây chuyền công nghiệp ở các nhà máy. Tuy nhiên, nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn canh cánh, bởi bánh rởm, hàng nhái, bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ có ở khắp nơi...

Mập mờ nhãn mác

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các siêu thị, cửa hàng bánh kẹo, ngoài vỉa hè, đường phố có đủ loại bánh trung thu được chào bán. Nếu như trước kia chỉ có bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống thì bây giờ, nhân bánh rất đa dạng như gà quay, lạp xưởng, bào ngư, đến hạt sen, sữa dừa, rau câu và cả bánh cho người ăn kiêng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) lo ngại, vi phạm thường xảy ra tại những cơ sở nhỏ, lẻ, sản xuất thời vụ. Tình trạng sản xuất bánh trung thu giả cả về nhãn mác và chất lượng, về nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng... vẫn tồn tại. Một số cơ sở sản xuất bánh trung thu mập mờ nhãn mác bằng việc chỉ ghi hạn dùng đến ngày nào đó, mà không ghi ngày sản xuất. “Với bánh dẻo, trung bình hạn dùng chỉ từ 8 đến 10 ngày, bánh nướng có thể tới 20-30 ngày, nhưng nhãn sản phẩm của nhiều cơ sở chưa đảm bảo theo đúng quy định. Do điều kiện môi trường, khí hậu nóng ẩm, nhiều khói bụi, giấy bao gói chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh, lưu thông, phân phối đi nhiều vùng xa xôi nên bánh dễ bị ô nhiễm, biến tính, dễ hư hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ bánh…” - ông Nguyễn Thanh Phong lưu ý.

Hà Nội có gần 200 cơ sở sản xuất bánh trung thu, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, hoạt động có tính chất thời vụ. Cục ATTP (Bộ Y tế) cảnh báo, nhằm vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở còn sản xuất các loại bánh hình các con vật nhiều màu sắc từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép, gây độc hại cho người sử dụng. Nguyên liệu làm nhân bánh thường có trứng, thịt, xúc xích... là những thứ dễ bị ô nhiễm.


Chủ một cửa hàng tạp hóa trên phố Ngọc Lâm (Long Biên - Hà Nội) cho biết, ngay đầu tháng Bảy âm lịch, cửa hàng đã nhập về một nửa bánh nhà máy (của các hãng bánh kẹo uy tín - PV), một nửa bánh hàng rẻ gia công với giá chỉ 15.000-20.000 đồng/chiếc. Thế nhưng, trong khi bánh của các hãng lớn bán chạy thì bánh gia công bán rất chậm. Nhiều khách chê bánh gia công không nhãn mác, không nơi sản xuất, không hạn sử dụng, không gói hút ẩm… nên họ không dám mua.

Trước nỗi lo về ATTP, những năm gần đây, trào lưu tự làm bánh trung thu nở rộ, xuất hiện nhiều hàng bán nguyên vật liệu làm bánh. Thậm chí, các loại khay, túi, hộp, nhãn… cũng được bày bán. Tại chợ Đồng Xuân, trong vai khách hàng, phóng viên được chủ ki ốt Hoàn Hải giới thiệu, nguyên liệu làm bánh trung thu từ bột dẻo, nhân bánh (lạp xưởng, hạt dưa, hạt bí, mứt bí…), có loại hàng tốt, hàng rẻ. Chẳng hạn, bột dẻo loại tốt là 70.000 đồng/kg, nhưng có loại chỉ 50.000 đồng/kg, chủ yếu để bán buôn đi các tỉnh. Tuy nhiên, nhãn mác trên các mặt hàng đều ghi rất sơ sài, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn dùng.

Chất lượng không đồng đều

Tại làng nghề truyền thống Xuân Đỉnh, dễ nhận thấy không khí chuẩn bị các loại bánh trung thu của các cơ sở sản xuất bánh đang rất nhộn nhịp. Năm ngoái, tại đây có 32 hộ gia đình sản xuất bánh trung thu, nhưng năm nay chỉ còn 28 hộ. Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo Nguyễn Ngọc Lương cho biết, như mọi năm, cứ vào đầu vụ trung thu, tất cả các cơ sở sản xuất bánh kẹo tại làng nghề này đều được chính quyền địa phương triệu tập để tập huấn, phổ biến kiến thức ATTP, đồng thời yêu cầu cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo đảm ATTP. Qua kiểm tra hơn 10 hộ sản xuất bánh trung thu cho thấy, ý thức của người sản xuất được nâng lên rõ rệt.

Tại cơ sở bánh trung thu cao cấp Bình Chung (số 103 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), dây chuyền sản xuất được công khai ngay tại cửa hàng để người tiêu dùng khi đến mua sản phẩm có thể tự kiểm tra và đánh giá mức độ an toàn. Ghi nhận của phóng viên, khu vực sản xuất bánh được sắp xếp khoa học, gọn gàng, sạch sẽ. Riêng khu vực sản xuất bánh nướng có tấm biển to với dòng chữ “rửa tay sạch trước khi làm việc”. Bà Bùi Thị Bình, chủ cơ sở bánh Bình Chung cho biết, vụ trung thu năm nay, cơ sở sản xuất khoảng 2 tấn bánh nướng, bánh dẻo các loại. Bánh trung thu truyền thống ngày càng khó cạnh tranh với thị trường bánh trung thu mới do kém về khâu marketing. Do vậy, cơ sở phải tạo uy tín, chất lượng, đảm bảo ATTP thì mới mong đứng vững trên thị trường.

Nhiều hộ đầu tư quy củ và chuyên nghiệp nhưng cũng không ít hộ chạy theo lợi nhuận làm bừa, làm ẩu. Mới đây, ngay trong chuyến kiểm tra đột xuất tại làng nghề La Phù, huyện Hoài Đức, Đoàn công tác Bộ Y tế đã phát hiện cơ sở sản xuất bánh trung thu Ngọc Khánh, sử dụng chất phụ gia thực phẩm không có nhãn mác, không có nguồn gốc rõ ràng. Còn ở cơ sở sản xuất bánh kẹo Tân Hoàng Gia, tại thời điểm kiểm tra, nhân viên đóng bánh không mặc đồng phục, đeo khẩu trang, sử dụng găng tay, quy trình đóng gói sản phẩm thực hiện trực tiếp xuống mặt đất, nguyên liệu làm bánh (kem trộn) được đựng trong 1 thùng đựng sơn cáu bẩn. Điều đáng bàn là đây không phải lần đầu tiên, trước đó, ngày 20-5, cơ sở này cũng đã bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt hơn 20 triệu đồng…

Thị trường bánh trung thu nhiều và đa dạng nhưng chất lượng không đồng đều, khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”, không biết mua loại nào đảm bảo chất lượng. Và nỗi lo của họ như càng tăng thêm mỗi dịp Tết Trung thu đến.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Nỗi lo nguồn gốc xuất xứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.