(HNM) - Những năm gần đây, dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng cuộc sống của công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) vẫn còn nhiều khó khăn.
Khu nhà trọ của công nhân tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. |
Ngay trước thời điểm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, khi các tiêu chuẩn lao động được áp dụng chặt chẽ, chất lượng lao động đòi hỏi nghiêm ngặt, áp lực tăng cao nhưng rất ít cơ hội để người lao động có thể cải thiện đời sống, nâng cao trình độ chuyên môn…
Giá tiêu dùng ngày một tăng cao, trong khi đồng lương eo hẹp khiến đời sống của CNLĐ nói chung và công nhân ở các KCN, KCX trở nên khó khăn hơn. Những "lát cắt" trong cuộc sống hằng ngày mà phóng viên thu thập được nói lên phần nào thực trạng của đời sống công nhân hiện nay.
Gánh nặng cơm áo…
Có mặt tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, chúng tôi được biết, một phòng trọ chừng 10m2 có giá thuê khoảng 700 nghìn đồng/tháng, chưa tính tiền điện, nước. Đây là loại nhà cấp 4, mái lợp fibro xi măng, mùa đông lạnh, mùa hè nóng như rang, phổ biến cho công nhân thuê. Trước đây, người Làng Bầu đua nhau xây nhà cho thuê, nhưng chi phí về vật liệu và công lao động ngày càng cao, nhà cho công nhân thuê chậm hoàn vốn, chưa nói đến lãi ngày càng thấp so với gửi tiền tiết kiệm hoặc kinh doanh nên lượng nhà cho thuê ngày càng ít dần.
Đinh Thị Huyền (sinh năm 1992, quê ở Hòa Bình) cho biết, làm việc tại Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam được gần một năm. Có bầu ở tháng thứ 8, Huyền không được làm thêm giờ nên lương chỉ có 3,9 triệu đồng với khoảng 1 triệu đồng tiền hỗ trợ chuyên cần. Mỗi tháng, ngoài tiền thuê nhà trọ 900 nghìn đồng/tháng, tiền điện, nước, tiền ăn, phí thuê bao điện thoại, Huyền không dám chi tiêu bất cứ thứ gì cho bản thân bởi còn phải dành dụm cho kỳ sinh nở sắp tới. Chồng Huyền làm đầu bếp ở một quán ăn trong nội thành, lương cũng không ổn định. Hằng ngày, đi làm về Huyền vùi đầu ngủ, còn thời gian thì xem phim qua điện thoại. Hiếm hoi lắm cô mới được chồng đưa vào nội thành vào ngày nghỉ, nhưng đi xem là chính, chỉ mua những vật dụng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, nước rửa bát...
Gia đình nhỏ của hai bạn trẻ Hồ Công Thân (24 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An, công nhân Công ty TNHH Doojung Việt Nam) và Trần Thị Thu Trang (22 tuổi, quê Chương Mỹ) cũng giản dị trong nỗ lực vượt khó. Rời quê ra Hà Nội đi làm mới được một năm, Thân gặp rồi yêu và cưới Trang, hai vợ chồng thuê phòng trọ ngay tại làng công nhân Phú Mỹ (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Trong căn phòng nhỏ, ngoài chiếc giường đôi và ít quần áo có thêm chiếc chiếu nhỏ với bộ ấm chén để tiếp khách. Ở khu nhà này, môi trường tốt, an ninh bảo đảm nên vợ chồng Thân xin vào ở, dù tiền thuê nhà cao hơn bên ngoài (1,35 triệu đồng/tháng/phòng). Nhiều bạn cùng công ty của Thân thuê trọ trong các làng quanh KCN Phú Nghĩa như Ngọc Hòa, Tiền Phong, Phú Nghĩa, Đại Yên, với mức khoảng 400-500 nghìn đồng/người. Thân tâm sự, em cố gắng làm ít năm, dành dụm chút vốn, rồi đưa vợ con về quê. Thi thoảng, Thân mới dành được thời gian đưa vợ theo bạn bè đến xem phim ở trung tâm quận Hà Đông còn đi chơi công viên thì hiếm hoi lắm.
Cũng tình cảnh tương tự nhưng anh Phùng Văn Chiến (quê xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, công nhân Công ty CP T-Tech Việt Nam, KCN Thạch Thất - Quốc Oai) đã sớm tìm đường "rẽ ngang". Làm việc cho công ty được hai năm, với mức lương khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, không chịu nổi cảnh nợ lương triền miên, anh bỏ việc về làm lái xe cho một HTX với mức lương 6,7 triệu đồng. Vợ anh làm công nhân vệ sinh cho một công ty ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, lương thấp (hơn 3 triệu đồng/tháng). Hai con còn nhỏ (6 tuổi và 8 tuổi), gia đình khó khăn nên ai thuê việc gì anh cũng sẵn lòng dồn sức lực và thời gian để kiếm tiền cho con ăn học...
Áp lực công việc…
Tăng giờ, tăng ca là tình trạng chung, nhất là vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới, khi doanh nghiệp cần hoàn thành các đơn hàng hoặc nhận đơn hàng mới nhưng không muốn đầu tư mở rộng sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh), công nhân KCN Quang Minh than thở nhiều tháng nay hầu như hai vợ chồng không có thời gian nói chuyện với nhau và càng không có thời gian chăm sóc cậu con trai 10 tuổi và cô con gái mới gần 4 tuổi. Trước đây chỉ chồng Hoa phải tăng ca, còn Hoa đi làm về đón con, tắm rửa, cơm nước, đôn đốc con học bài. Từ cuối năm ngoái, công ty yêu cầu tăng ca liên tục nên vợ chồng chị phải nhờ bà nội từ quê ra trông con. Hai vợ chồng đi làm từ sáng sớm đến đêm khuya; lúc đi thì con chưa ngủ dậy, lúc về thì con đã ngủ rồi. Mặt khác, dù mệt mỏi nhưng hai vợ chồng chị vẫn phải cố gắng. Bởi ngoài khoản đóng học phí cho hai con, chi tiêu cho gia đình, anh chị còn phải gửi tiền chu cấp cho bố mẹ hai bên, rồi các khoản chi hiếu, hỷ... Nếu không tăng ca thì không đủ tiền toan lo mọi thứ.
Khác với Hoa, Lê Thị Kiều (sinh năm 1996, công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam) vẫn còn son rỗi. Kiều chia sẻ: "Quê em ở Yên Bái. Bố mẹ em không thích cho em đi làm công nhân. Dù lương em so với nhiều người cũng khá ổn định, thậm chí cao hơn nhiều công nhân ở công ty khác, lại được hỗ trợ chỗ ở, nhưng áp lực công việc mệt lắm chị ạ". Với chị Khuất Thị Vân, công nhân Công ty TNHH Viet Pacific Apparel (quận Hà Đông) lại khác. Sau Tết, công nhân nghỉ việc nhiều, các dây chuyền sản xuất đều thiếu người nên phải liên tục tăng ca. Đã mệt mỏi triền miên, công nhân lại phải đối mặt với yêu cầu tăng định mức sản phẩm lên gần gấp rưỡi. Chị Vân than thở, lương thấp, quay cuồng làm việc như cái máy cả ngày, lúc nào cũng căng thẳng lo sợ không đủ định mức, bị lỗi sản phẩm sẽ bị phạt, nên chị đang tìm cách chuyển sang làm việc khác cho đỡ vất vả, còn có thời gian chăm sóc chồng con, gia đình…
…và đời sống tinh thần
Chiều chủ nhật, dọc các trục đường trong Thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh), nhiều cô gái trẻ ăn mặc rất thời trang. Người bán nước gần chợ cho biết "Đó là công nhân, lương họ giờ cũng cao lắm…". Nằm cuối thôn, Chợ Mun khá nhộn nhịp. Nhiều công nhân từ KCN Thăng Long kéo vào mua sắm, phần lớn là nữ. Chúng tôi gặp Uyên (quê Hòa Bình) đi chợ về, tay xách túi quần áo vừa mua tiếp chuyện: "Đi làm đứng máy suốt 8-10 tiếng, hôm nào tăng ca thì 12 tiếng. Khi hết giờ, em chỉ muốn nằm nghỉ, chẳng muốn đi chơi đâu, mệt mỏi nên cũng chẳng tham gia hoạt động văn hóa giải trí. Phòng trọ không có ti vi, sách báo càng không. Quanh quẩn với mấy người bạn cùng xóm trọ rồi lại đi ngủ. Thú vui duy nhất của bọn em là đi chợ, nhưng cũng chỉ đủ sức lang thang mấy quán xá ven làng".
Ở Thôn Bầu có trung tâm giải trí của Công ty Canon, dành cho công nhân nhưng nhìn từ ngoài chỉ thấy 2 nữ công nhân đang tập đạp xe trên máy. Đời sống tinh thần của công nhân KCN Phú Nghĩa cũng không khác là bao. Làng công nhân có đường Tình Yêu, hồ Tiên Sa, công viên khá thơ mộng, nhưng công nhân thường làm lệch ca nhau, không có cơ hội gặp nói gì đến đi chơi.
Còn với cô gái có gương mặt xinh xắn, thân hình như người mẫu Lê Thanh Nhàn (21 tuổi, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, làm việc tại Công ty TNHH Fashion Star, KCN Phú Nghĩa) thì thú giải trí duy nhất là đi xe máy gần 20km đến chơi nhà chị ruột. Nhàn tâm sự, chỗ em ở xa khu dân cư, muốn đọc sách, xem phim cũng khó. Vì thế, muốn xem ti vi, nghe ca nhạc, phải chờ đến ngày nghỉ cuối tuần, rủ bạn đến nhà chị gái. Cũng có đôi lần, Nhàn theo bạn vào trung tâm quận Hà Đông xem phim. Trong căn phòng trọ của Nhàn có vài chiếc giường tầng, mỗi giường là thế giới riêng của một công nhân, với túi du lịch đựng quần áo, tư trang để bên đống chăn màn….
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.