Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Nhiều khó khăn "hậu" cổ phần hóa

Việt Tuấn| 29/10/2016 06:37

(HNM) - Dù đã có những tín hiệu tích cực, song vẫn còn một số doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa hoạt động chưa hiệu quả, chào bán cổ phần khó khăn.


Sản xuất đồ nhựa gia dụng tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Bài đầu: Nhiều khó khăn "hậu" cổ phần hóa

Đến nay, TP Hà Nội đã cơ bản đạt mục tiêu của công tác sắp xếp, CPH các DNNN, thu hút được các nguồn vốn xã hội cho DN mở rộng sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, dù đã có những tín hiệu tích cực, song vẫn còn một số DNNN sau CPH hoạt động chưa hiệu quả, chào bán cổ phần khó khăn.

Từ những tín hiệu tích cực

Đến nay, Hà Nội đã có gần 300/490 DNNN thực hiện CPH. Riêng giai đoạn 2011-2015, thành phố thực hiện sắp xếp, đổi mới 71 DN, trong đó có 56 DN thực hiện CPH. Hà Nội cũng đã hoàn thành thoái vốn 51 DN qua bán đấu giá tại sàn giao dịch chứng khoán và tổ chức tài chính trung gian. Số vốn thoái theo sổ sách là 780 tỷ đồng, nhưng giá trị thực tế bán được là 1.654 tỷ đồng, chênh lệch tăng 874 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Công Bình, kết quả trên khẳng định sự nỗ lực của Ban đổi mới và phát triển DN thành phố cũng như bản thân mỗi DN.

Việc chuyển từ hình thức đơn chủ sở hữu sang đa chủ sở hữu tác động đến tâm lý cũng như quyền lợi của người lao động, lãnh đạo quản lý của chính DN nên phải làm từng bước, không ồ ạt. Điều quan trọng nhất là phải tạo sự đồng thuận, làm thay đổi cách nghĩ; dù chủ sở hữu là ai cũng đều chung mục tiêu thúc đẩy DN phát triển, phù hợp với xu thế phát triển. Bằng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại…, đến nay sau CPH, cái được lớn nhất là sự ổn định, nhiều DN có lãi hơn, bảo đảm việc làm cho lao động, có DN còn thu hút thêm lao động vào làm việc.

Điển hình cho đơn vị CPH vào thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng vẫn làm ăn có lãi là Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (thực hiện CPH năm 2008 với số vốn điều lệ 65 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 81,71%). DN này chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa công nghiệp như phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, điện lạnh, viễn thông và khuôn mẫu phục vụ cho ngành nhựa. Trong lúc nhiều DN bị thu hẹp sản xuất, thì Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội thực hiện CPH với thách thức đặt ra là phải xây dựng kế hoạch cải tiến công nghệ, giảm chi phí sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội Bùi Thanh Nam cho biết: "Ban lãnh đạo công ty lúc đó thực sự lo lắng, phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới, đồng thời phát triển thêm sản phẩm nhằm ổn định việc làm cho người lao động". Nhờ có hướng đi thích hợp, đến nay công ty giữ được mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, bảo toàn vốn nhà nước, tạo việc làm thêm cho nhiều lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Còn với Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội (quản lý 3 bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) thực hiện CPH từ năm 2014 với vốn điều lệ 95 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 67,06%. Theo Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN (Sở Tài chính) Nguyễn Xuân Sáng cho biết, kế hoạch ban đầu sẽ bán 35% cổ phần của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, còn Nhà nước giữ 65% cổ phần. Tuy nhiên, qua chào bán trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, công ty không bán hết số cổ phần cần bán, nên Nhà nước còn nắm giữ 67,06% cổ phần. “Dù ế cổ phần, song đơn vị này được thành phố ghi nhận là khá thành công trong tổ chức sản xuất kinh doanh sau CPH; số lao động ổn định, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, bảo đảm nộp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước theo quy định” - ông Nguyễn Xuân Sáng cho hay.

Vẫn còn điểm "nghẽn"


Thực hiện CPH các DNNN chính là cơ cấu lại sở hữu của DN với mong muốn tăng tính tự chủ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho người lao động góp vốn, thực sự làm chủ DN và có việc làm, tăng thu nhập. Dù vậy, không phải DN nào cũng thực hiện thành công sau CPH.

Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây là đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch đầu tiên của thành phố tiến hành CPH (năm 2010). Theo kế hoạch, số cổ phần chào bán ra thị trường chiếm 25%, nhưng không thu hút được nhà đầu tư, chỉ có cán bộ, công nhân viên mua cổ phần ưu đãi nên hiện Nhà nước vẫn nắm 95,6% số cổ phần. Bà Phan Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, doanh nghiệp hoạt động còn mang nặng tính công ích, giá bán nước do thành phố quyết định luôn không theo kịp với sự gia tăng của chi phí giá thành, hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch có thời điểm còn lỗ, do vậy không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, do giá trị tài sản lớn, đa số nằm dưới đất (ống nước, bể chứa) và không linh hoạt như các loại hình DN khác nên đã làm giảm tính hấp dẫn nhà đầu tư… Sau 5 năm thực hiện CPH, lợi nhuận của công ty đạt thấp chỉ ở mức 6,7%.

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Haprosimex nằm trong danh sách phải CPH giai đoạn 2011-2015, nhưng không đủ điều kiện thực hiện theo quy định. Từ năm 2009 đến nay, công ty gặp nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài, không có nguồn trả nợ ngân hàng; lỗ lũy kế đến thời điểm 31-12-2015 là 502 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty đầu tư không hiệu quả, sản xuất cầm chừng, máy móc thiết bị chỉ hoạt động đạt 20-25% công suất, chủ yếu nhận hàng gia công may mặc, trong khi đó chi phí khấu hao và lãi vay cao. Đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt giá trị DN để công ty thực hiện tái cơ cấu chuyển đổi DN.

Cùng cảnh ngộ, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội cũng nằm trong kế hoạch CPH năm 2015, nhưng sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên cũng chưa thực hiện CPH được. Đây là những ví dụ cho thấy còn có những khó khăn, điểm "nghẽn" trong tiến trình sắp xếp, CPH các DNNN trên địa bàn thành phố, cần phải quyết tâm giải quyết trong thời gian tới.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Nhiều khó khăn "hậu" cổ phần hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.