(HNM) - LTS: Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế và có độ mở cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Việc thực hiện một số hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như chuẩn bị ký thêm các hiệp định mới trong thời gian tới đang đặt ra rất nhiều vấn đề.
Cải cách thể chế kinh tế, bảo đảm điều kiện, đáp ứng yêu cầu, cam kết quốc tế đang là một áp lực lớn. Nếu không có những nỗ lực đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) không thể biến thách thức thành cơ hội. Báo Hànộimới giới thiệu loạt bài phân tích về thực trạng nền kinh tế, nhất là những hạn chế trong cơ chế, điều hành phát triển kinh tế cũng như thực trạng "sức khỏe" DN trước yêu cầu ra "biển lớn" với nhiều thách thức.
Nguồn vốn đầu tư “ngủ” quá lâu ở thị trường bất động sản gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Ảnh: Bá Hoạt |
Cuối năm nay có khả năng Việt Nam sẽ hoàn thành việc tham gia một số FTA. Câu hỏi về khả năng hội nhập của nền kinh tế hiện nay, về những giải pháp để DN, hàng hóa Việt Nam có thể tồn tại trong môi trường tự do cạnh tranh sòng phẳng ở mức độ khốc liệt hơn... đang được đặt ra hết sức cấp bách. Bên cạnh những ý kiến lạc quan là sự lo ngại… Kinh tế vĩ mô tuy đang ổn định, giữ được lạm phát thấp nhưng vẫn còn một số hạn chế từ lâu chưa được khắc phục. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm trong vài năm gần đây, tốc độ tăng thu ngân sách giảm và thấp hơn so với tốc độ chi và nợ công tăng nhanh, trong khi áp lực chi cho phát triển vẫn rất lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Những tồn tại nói trên thật sự là vấn đề của nền kinh tế, là hậu quả của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng... đang đẩy nền kinh tế vào thế đuối sức cạnh tranh.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, các nguồn lực, nhất là nguồn vốn bị phân bổ sai lệch và sử dụng thiếu hiệu quả. Thực tế cũng cho thấy, việc vốn "đổ" vào các dự án bất động sản, chứng khoán và ngân hàng quá nhiều nhưng "ngủ" sâu, không phát huy hiệu quả; ngược lại còn gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội. Đáng lo ngại hơn, năng suất lao động nước ta thua kém hầu hết các nước trong khu vực và nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Điều đáng nói là những yếu kém nói trên diễn ra trong bối cảnh các nước xung quanh đã xác định rõ và vận hành mô hình tăng trưởng một cách bài bản, hợp lý; có nhiều tiềm lực mạnh hơn. Có nghĩa là tiềm lực và sức cạnh tranh của họ cao hơn nền kinh tế Việt Nam.
Chất lượng gạo Việt Nam đang thiếu sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. |
Tại "Diễn đàn kinh tế mùa thu" vừa qua, đã có nhiều ý kiến cảnh báo rất đáng quan tâm và suy ngẫm. Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn cho rằng: Xét về tổng thể thì nguy cơ tụt hậu đã hiển hiện, cần phải đặt lên bàn nghị sự và trưng cầu ý kiến, tìm hướng giải quyết một cách quyết liệt, kịp thời. Nền kinh tế đang đứng trước tình trạng "không có đường lùi, không có con đường nào khác" nếu muốn thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia...
Những dữ liệu của báo cáo "Diễn đàn kinh tế thế giới 2014-2015" về năng lực cạnh tranh toàn cầu cho biết, Việt Nam xếp thứ 68 trong 148 nền kinh tế, tăng 2 bậc so với lần điều tra trước, nhưng đây là sự chuyển biến chậm, không theo kịp đòi hỏi của cộng đồng DN. Do vậy, cuộc cải cách thể chế kinh tế, tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, tiến bộ ngày càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, các DN, nhất là DN quy mô nhỏ và vừa thuộc khu vực tư nhân vẫn chưa tận dụng được cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế mang lại cũng như không đủ điều kiện để cạnh tranh bình đẳng trong một số lĩnh vực như cung cấp dịch vụ công, kinh doanh xăng dầu, năng lượng, cấp nước. Tư duy điều hành nặng về xin - cho vẫn còn đeo bám, thể hiện qua cách hành xử của không ít cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ công chức là nguyên nhân gây ra những bất lợi và sự méo mó của thị trường, ảnh hưởng xấu đến chất lượng hoạt động của DN.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị: Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế để huy động, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển và xây dựng nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực tư nhân. Cần đổi mới, nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân kết hợp với việc đẩy nhanh quá trình chuyển toàn bộ nền kinh tế sang cơ chế thị trường thật sự đầy đủ và hiện đại. Nhà nước chỉ thực hiện những dự án mà khu vực tư nhân không làm được. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần kiên trì và đẩy nhanh tốc độ tháo gỡ các yếu kém cố hữu vốn được coi là "nút thắt" cản trở mục tiêu thu hút đầu tư gồm: Thể chế kinh tế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Nếu không cạnh tranh được là chịu thất bại Hội nhập là tất yếu nhưng hội nhập là phải chấp nhận cạnh tranh; nếu không cạnh tranh được là chịu thất bại. Các diễn biến kinh tế, được hay mất khi hội nhập sẽ diễn ra nhanh, thể hiện rõ các tác động kết quả hoặc hậu quả, nên sự chuẩn bị chu đáo là yêu cầu cấp thiết mặc dù không còn nhiều thời gian. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.