(HNM) - Bên cạnh các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, tình trạng quá tải là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến lộn xộn, mất an ninh trật tự tại các BV và để xử lý dứt điểm đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ.
Bài đầu: Một xã hội thu nhỏ
Có chuyên gia y tế cho rằng, BV chính là một xã hội thu nhỏ và có tính đặc thù. Đặc thù ở đây là bệnh nhân và thân nhân đến các cơ sở y tế dành toàn bộ tâm trí cho việc chữa bệnh. Còn thầy thuốc chỉ chú tâm vào cứu chữa cho bệnh nhân, không có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự (ANTT)(?). Có lẽ vì vậy mà tình trạng mất ANTT trong và ngoài BV ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Bất an bên trong...
Đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ nào về số vụ phá hoại tài sản, cò mồi, trộm cắp lừa đảo, hành hung nhân viên y tế..., xảy ra trong môi trường BV trên địa bàn Hà Nội. Nhưng thực tế, số vụ việc mất ANTT trong các cơ sở khám, chữa bệnh (từ tuyến trung ương tới cơ sở) vẫn rất phức tạp, mà quá tải bệnh nhân là một trong những nguyên nhân chính...
|
Bạch Mai là BV đa khoa hạng đặc biệt, lớn nhất khu vực phía Bắc, nằm trên địa bàn phường Phương Mai (quận Đống Đa). BV có số lượng bệnh nhân tập trung rất đông, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 4.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú và có khoảng 2.000 giáo sư, bác sĩ, y tá, cán bộ công nhân viên y tế làm việc. Trung bình tại đây có trên 40.000 lượt người ra vào mỗi ngày. Do vậy, tình hình ANTT vô cùng phức tạp. Điển hình như ngày 25-11-2014, tại Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Linh Thị Duyên ở Ninh Bình, sản phụ được BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình chuyển lên trong tình trạng sốc phản vệ, tim mạch trong tình trạng nguy kịch. Do bức xúc từ BV tuyến dưới, nên hàng trăm người thân của sản phụ đã kéo đến Khoa Cấp cứu gây mất ANTT, buộc lực lượng công an (CA) và bảo vệ BV phải có biện pháp ngăn chặn, không để sự việc bùng phát phức tạp... Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng bảo vệ của BV phối hợp với CA phường Phương Mai bắt quả tang 29 vụ phạm pháp hình sự và ngăn chặn được nhiều vụ trộm cắp tài sản của công dân...
Trong khi đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 7 BV tuyến trung ương và thành phố, với hàng nghìn lượt người ra vào khám, chữa bệnh mỗi ngày, kéo theo nhiều vụ việc mất ANTT ở trong, ngoài BV. Theo Thiếu tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự CA quận Hoàn Kiếm, do lưu lượng người ra vào các BV rất đông, kéo theo tình hình phạm pháp hình sự tại khu vực vô cùng phức tạp, tập trung chủ yếu vào các hành vi: Trộm cắp tài sản, lừa đảo, cò mồi... Thậm chí, tại BV Việt Đức, có nhóm đối tượng còn cản trở, hành hung cả lái xe cứu thương khi đang làm nhiệm vụ (năm 2015)... Hằng ngày các đối tượng thường tập trung tại các BV từ sáng sớm giả làm người đi khám bệnh, đứng xếp hàng lấy số khám sau đó thực hiện hành vi "cò mồi", mời chào, lôi kéo bệnh nhân và người nhà đi khám "dịch vụ nhanh" với giá từ 200.000 đến 300.000 đồng. Tại BV K và khu vực bãi gửi xe số 58 phố Hai Bà Trưng, mỗi khi bệnh nhân đến khám thường có nhiều đối tượng "cò mồi" tiếp cận, mời "thuê" người dẫn vào BV "khám nhanh". Mỗi lần như vậy, người khám bệnh phải trả cho các đối tượng số tiền 30.000 đồng.
Với hơn 40.000 lượt người ra vào, khám, chữa bệnh mỗi ngày, việc bảo đảm ANTT ở khu vực BV Bạch Mai vô cùng phức tạp. Trong ảnh: Một góc bãi trông giữ xe trong BV Bạch Mai. |
...và bất ổn bên ngoài
Tuyến phố Tràng Thi lâu nay được nhiều người gọi bằng cái tên “phố BV”. Chỉ một quãng phố ngắn chừng vài trăm mét, từ ngã tư Tràng Thi - Triệu Quốc Đạt - Phủ Doãn đến ngã tư Tràng Thi - Quán Sứ nhưng tập trung đến 4 BV đầu ngành: Việt Đức, Phụ sản trung ương, K và Răng - Hàm - Mặt. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Tràng Thi và các tuyến phố xung quanh thường xuyên phải “sống chung” với tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn giao thông. Theo ước tính, mỗi ngày tại các BV này đón tiếp hàng nghìn lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Số lượng xe vận chuyển bệnh nhân (xe nhà nước) tại các BV rất ít, “cung" không đủ "cầu”, do vậy ngoài xe cấp cứu 115, xe cấp cứu BV, có rất nhiều hãng xe, taxi coi đây như một thị trường béo bở.
Mới 15h chiều, cả hai cổng ra vào BV Phụ sản trung ương phía Tràng Thi và Triệu Quốc Đạt đã liên tục bị bao vây bởi từng hàng taxi. Từ phố Tràng Thi rẽ vào Phủ Doãn đã bắt gặp hàng chục gánh hàng rong ngồi la liệt trên vỉa hè, ngay góc ngã tư. Vì vỉa hè trước cổng BV đã được trưng dụng làm điểm trông giữ xe máy nên người đi bộ buộc phải đi dưới lòng đường, lấn vào làn đường của các phương tiện giao thông. Do nhu cầu đi lại tại BV này rất lớn, khu vực đường Phủ Doãn luôn có hàng đoàn taxi nối đuôi nhau “đánh võng” qua cổng BV tìm khách khiến giao thông tại tuyến phố này luôn trong cảnh ùn tắc bất cứ lúc nào.
Vừa ra khỏi cổng BV, phóng viên Báo Hànộimới trong vai một người bệnh tỉnh xa về đã được một nam thanh niên dáng nhỏ thó, đầu đội mũ lưỡi trai nhảy xổ đến, chèo kéo: "Đi taxi giá rẻ không em?". Chúng tôi vờ hỏi: "Về trung tâm Hà Đông bao nhiêu anh?". "Thì em cứ lên xe đã, anh tính rẻ cho em, chỉ hơn hai trăm thôi". Thỉnh thoảng vẫn đi về quãng đường đó chỉ trên dưới 150.000 đồng, hôm nay vẻ "quê mùa" của chúng tôi đã khiến anh "cò xe" không ngần ngại đẩy giá lên hơn 50.000 đồng nữa...
Tình trạng không bảo đảm ANTT còn diễn ra ở nhiều BV khác trên địa bàn Hà Nội, như: Phụ sản trung ương, Xanh Pôn, Mắt trung ương, Nhi trung ương, Phụ sản Hà Nội, BV K, Đa khoa Hà Đông... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế và gây tâm lý hoang mang lo lắng đối với cán bộ y tế. Sự bất ổn về tình hình ANTT trong BV cũng khiến người bệnh có cảm giác bất an, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả điều trị. Đây thực sự là một vấn nạn nhức nhối.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.