Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: “Ma trận” quanh một ấn phẩm

Thi Thi| 17/10/2014 05:51

LTS: Chưa thôi ngỡ ngàng trước tình trạng

LTS: Chưa thôi ngỡ ngàng trước tình trạng "luộc" sách của học giả, nạn vi phạm bản quyền, vi phạm quy trình xuất bản, giờ lại phải "tiêu hóa" cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh với những mục từ giải thích ngớ ngẩn, sai nghiêm trọng, quả thực, đời sống xuất bản nước nhà đang làm bạn đọc nản lòng.

Bài đầu: “Ma trận” quanh một ấn phẩm

Nhiều người coi sự xuất hiện của cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mang danh tác giả Vũ Chất và NXB Trẻ là giọt nước áp lực cuối cùng khiến "ly nước trách nhiệm" quản lý thị trường xuất bản phẩm cũng như công tác xuất bản sứt mẻ nghiêm trọng. Vấn đề là nơi nào là tác nhân chính dẫn đến sự ra đời của một ấn phẩm rất gần với sự có hại? Thật khó trả lời câu hỏi này bởi có quá nhiều điều chưa được làm rõ xung quanh sự ra đời của nó.

Việc xuất bản các loại từ điển hiện nay vẫn còn bất cập dẫn đến nhiều sai sót. Ảnh: Bá Hoạt


Ẩu đến mức không còn gì để nói

Mấy ngày qua, sau khi bạn đọc và truyền thông phản ánh về cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mang tên Vũ Chất và NXB Trẻ, có trong Thư viện Quốc gia, bao hàm những mục từ được giải thích một cách ngớ ngẩn, sai lệch, phản cảm, đa số cho rằng đó là ấn phẩm "không thể chấp nhận được". Điều đáng nói là sau đó, bạn đọc và các nhà báo còn phát hiện những ấn phẩm khác cùng mang tên Vũ Chất, đội danh NXB Văn hóa thông tin, Hồng Đức, Thanh Niên, có nội dung tương tự.

Thử nhìn lại sự ngớ ngẩn đã được chỉ ra trong cuốn từ điển của Vũ Chất, mang danh của nhiều NXB như đã kể trên: Mục từ "tiết hạnh" là "hạnh kiểm còn trong trắng", "bắp tay" là "bắp thịt phồng lên như cái tay", "anh chị" là "người cầm đầu một nhóm du côn", "bế mạc" là "hết dứt buổi hát"… Không cần phải là chuyên gia ngôn ngữ, bất kỳ ai đọc những dòng trên cũng thấy rõ sự vô trách nhiệm của người soạn sách và những người cho in nó.

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, người đã biên soạn công trình "Từ điển đường phố Hà Nội" chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về sự ngạc nhiên và bức xúc của ông đối với sự xuất hiện ấn phẩm của tác giả Vũ Chất. Ông cho rằng, chỉ qua một số mục từ được dẫn chứng như trên, đã có thể coi người biên soạn không biết tiếng Việt và NXB nào xuất bản những cuốn từ điển này phải là phía chịu trách nhiệm trước tiên.

TS Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Hà Nội, người từng tham gia thực hiện cuốn Từ điển Việt - Nga của NXB Giáo dục cho biết: Trong giới ngôn ngữ, hầu như không ai để ý đến những cuốn từ điển mang tên Vũ Chất, đơn giản vì nó rất xa lạ. Với vô số lỗi trong cách giải thích từ như đã nêu, rõ ràng đây là ấn phẩm được làm rất cẩu thả, hoặc người biên soạn không có trình độ. Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, với các công trình từ điển nói chung, ngoài việc được tác giả hoặc nhóm tác giả thực hiện một cách cẩn thận, công phu thì trước khi công trình được xuất bản, nó phải được một hội đồng thẩm định kỹ càng nhằm loại bỏ sai sót, bảo đảm tính chính xác ở mức cao nhất.

Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai khi cuốn từ điển mang tên Vũ Chất không bảo đảm chất lượng này được ấn hành dưới mũ của nhiều NXB, và hiện vẫn còn ê hề trên các kệ sách?

Chọn mua từ điển tại nhà sách Thăng Long (Tràng Tiền, Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền


Ai cũng đúng! - Ai sai?

Đến nay, theo thông tin của NXB Trẻ thì đơn vị này chưa hề xuất bản hoặc liên kết xuất bản cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh năm 2001 cũng như sau này. Theo xác minh của NXB Trẻ, Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) không lưu bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến việc cấp phép cho ấn phẩm này. Bên cạnh đó, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (nơi lưu trữ hầu hết mọi ấn phẩm của NXB Trẻ kể từ năm 2000) cũng trả lời là không tìm thấy cuốn từ điển "khoác mũ" NXB Trẻ.

Vậy, nếu lời khẳng định nói trên của NXB Trẻ là đúng thì cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh mang tên NXB Trẻ được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Việt Nam là loại sách gì? Không lẽ là sách lậu - điều khó xảy ra bởi nó trái với lời khẳng định của Giám đốc Thư viện Quốc gia trước giới truyền thông trong những ngày qua, rằng "Thư viện Quốc gia Việt Nam chỉ lưu trữ những ấn phẩm được xuất bản theo đường chính thống, cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh của Vũ Chất mà báo chí phản ánh là cuốn từ điển của NXB Trẻ".

Cũng về cuốn từ điển này, giới truyền thông đã tra cứu trong hệ thống lưu trữ và có được thông tin xuất bản cụ thể (số đăng ký kế hoạch xuất bản do Cục Xuất bản cấp ngày 4-1-2001). Như vậy, nói riêng về cuốn từ điển này của Vũ Chất, mang tên NXB Trẻ, thông tin từ các bên liên quan, như đã kể trên, cho thấy có quá nhiều mâu thuẫn cần phải được làm sáng tỏ.

Với sự xuất hiện của cuốn từ điển có vô số lỗi nói trên, một lần nữa có thể thấy "căn bệnh xuất bản" lại hiện ra rõ ràng, như người ta nói là "giọt nước tràn ly", không thể không xem xét đến nơi đến chốn. Từ ấn phẩm này, có hể nói thêm gì về tình trạng "luộc" sách của nhau, tình trạng vi phạm bản quyền, buông lỏng khâu biên tập cũng như trách nhiệm quản lý của các NXB hiện nay? Không thể không đặt câu hỏi về một việc tày đình giờ đã rõ như ban ngày, là cùng một cuốn từ điển mà nội dung vốn đầy "sạn", thô thiển thế là cùng, lại có thể được "nhân bản" dưới "mũ" của nhiều NXB khác, và hiện vẫn tiếp tục có mặt trên thị trường, như cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của Vũ Chất - NXB Hồng Đức; vì sao? Đó là sản phẩm lậu hay là kết quả của một sự liên kết mà các bên đều rõ sự vô trách nhiệm? Sự thể có thể dẫn đến hậu quả gì, chẳng hạn như lòng tin của độc giả đối với ấn bản từ điển "đời mới"?

Ông Phạm Thế Khang, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam: Thư viện Quốc gia Việt Nam có nhiệm vụ lưu trữ tất cả các ấn phẩm thành văn của cả nước, nhằm phục vụ bạn đọc, làm tư liệu nghiên cứu, đối chứng… Đối với những ấn phẩm được phát hiện là có sai phạm thì tùy mức độ, thư viện có thể đưa vào diện phục vụ hẹp (cho mục đích nghiên cứu, điều tra…), chỉ có thể tiếp cận nếu Giám đốc Thư viện đồng ý chứ không phục vụ đại trà. Theo thông tin tra cứu từ sổ ghi chép của Thư viện Quốc gia Việt Nam thì thư viện này đã đưa một bản từ điển của Vũ Chất mang danh NXB Trẻ ra phục vụ một bạn đọc vào ngày 6-10-2014.


(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: “Ma trận” quanh một ấn phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.