Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Khó trong quản lý, kiểm soát

Thống Nhất| 08/07/2016 06:12

(HNM) - Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của một số cơ sở giáo dục ngoài công lập, mà điển hình là giáo dục mầm non còn tồn tại không ít bất cập trong quản lý chỉ đạo, về chất lượng chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ...



Bài đầu: Khó trong quản lý, kiểm soát

Hiện cả nước có hơn 14 nghìn trường mầm non (MN) với khoảng 4,8 triệu trẻ từ 3 tháng đến dưới 6 tuổi được chăm sóc, nuôi dưỡng, trong đó tỷ lệ trường ngoài công lập chiếm khoảng 12%. Ngoài ra còn có hơn 16.000 nhóm lớp tư thục, chủ yếu chăm sóc cho các bé từ 3 tuổi trở xuống. Hầu hết các nhóm lớp đều có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn, chất lượng đội ngũ giáo viên không ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ. Song, việc quản lý cũng như kiểm soát mô hình này gặp không ít khó khăn.

Quản lý tốt trường mầm non ngoài công lập sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động nuôi dạy trẻ.


Không phép vẫn hoạt động

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT tại 50 tỉnh, thành phố, có khoảng 1.500 trường MN tư thục đang hoạt động, có sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Khó khăn nhất trong công tác quản lý MN ngoài công lập hiện nay ở các nhóm lớp tư thục bởi quy mô nhỏ lẻ, đối tượng chăm sóc chủ yếu là các bé ở độ tuổi nhà trẻ - dưới 3 tuổi - độ tuổi mà nhiều trường công lập không có khả năng đáp ứng. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ được gửi ở các nhóm lớp MN tư thục trên cả nước hiện chiếm hơn 30% so với tổng số trẻ nhà trẻ đến trường. Số trẻ được gửi ở các nhóm lớp tư thục cao, tập trung ở một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu đông dân cư, điển hình là Đà Nẵng có tới hơn 60% số trẻ độ tuổi nhà trẻ được gửi ở nhóm lớp tư thục, Bình Dương có hơn 50%, Hải Phòng là 41%, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 30%...

Không khó để nhận ra rằng, việc các nhóm lớp tư thục hoạt động khi chưa có giấy phép thành lập hoặc giấy phép hoạt động là tình trạng phổ biến ở các địa phương. Thống kê chưa đầy đủ tại 50 tỉnh, thành phố cho thấy có khoảng hơn 5.000 nhóm lớp MN chưa được cấp phép. Tại Hà Nội, số lượng nhóm lớp MN tư thục được cấp phép thành lập là hơn 1.700 nhóm lớp, chiếm 97% tổng số nhóm lớp đang hoạt động. Đây là sự nỗ lực không nhỏ của các cấp quản lý ngành và địa phương nhằm quản lý chặt loại hình vốn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn đối với trẻ, nhưng so với yêu cầu thực tế vẫn chưa như mong muốn.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, do nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu đô thị mới - nơi có tình trạng tăng dân số cơ học quá lớn, các trường MN công lập không kịp đáp ứng, nên các nhóm lớp tư thục tự phát vẫn tồn tại. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) dẫn chứng: Chỉ riêng trên địa bàn phường từ cuối năm 2011 đến nay đã có hơn 10 cơ sở MN tư thục ra đời. Việc kiểm tra, thẩm định, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các thủ tục cấp phép được chú trọng thường xuyên nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ, song với lực lượng quản lý mỏng, khối lượng công việc lớn, hiệu quả quản lý còn phụ thuộc vào ý thức tự giác, tinh thần phối hợp của cơ sở. Đã từng có 1 cơ sở hoạt động khi chưa có giấy phép bị đình chỉ, xử phạt hành chính 4 triệu đồng. Song, Phó Chủ tịch phường cũng thừa nhận rằng, trong bối cảnh dân số cơ học tăng nhanh, mạng lưới trường công lập quá tải, chỗ học cho trẻ dưới 3 tuổi thiếu như hiện nay thì việc kiểm soát hoạt động của cơ sở MN tư thục không đơn giản.

Ai "tiếp tay"?

Thực tế đã nêu ở trên là những căn nguyên cơ bản khiến cho mạng lưới các nhóm lớp MN tư thục ngày càng phát triển, thậm chí, từng có nơi, có giai đoạn, có người ví rằng, tốc độ gia tăng của các nhóm lớp MN tư thục "như nấm sau mưa". Việc đình chỉ, yêu cầu đóng cửa đối với các cơ sở hoạt động không phép như “bắt cóc bỏ đĩa”, cơ quan chức năng đi khỏi là cơ sở lại mở cửa đón trẻ, hoặc bị yêu cầu đóng cửa nơi này, chủ cơ sở lại mở ở nơi khác.

Đã có không ít hội nghị, hội thảo ở cấp Bộ nhằm đưa hoạt động của các nhóm lớp MN tư thục vào nền nếp. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng lộn xộn trong hoạt động của các cơ sở MN tư thục, nhất là tại các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất… cũng đã được “điểm mặt, chỉ tên”. Và người "tiếp tay" cho các cơ sở trên có thể nhắc đến không ai khác là phụ huynh của trẻ. Nhiều phụ huynh biết rõ cơ sở vừa bị lập biên bản, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn đưa con đến gửi. Sự việc cô giáo bạo hành trẻ tại một nhóm lớp tư thục trên địa bàn xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội bị phát hiện hồi giữa tháng 6 vừa qua là một dẫn chứng. Có lẽ, nếu sự việc chưa được phát giác, thì nhóm lớp tư thục kia chắc chắn vẫn sẽ hoạt động bình thường mà chưa vội xin cấp phép. Người dân, vì nhiều lẽ, chỉ cần có chỗ gửi con thuận tiện, gần nhà, chưa mấy người lưu tâm đến việc cơ sở đã được cấp phép hay chưa, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở đó như thế nào.

Trong quá trình xác định những nguyên nhân tại sao nhiều nhóm lớp MN tư thục rất tuềnh toàng, chật chội, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất và giáo viên vẫn có thể tồn tại, thậm chí ngày càng có chiều hướng gia tăng ở các khu tập trung đông dân cư, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tiến hành khảo sát với đối tượng là phụ huynh - những người trực tiếp hằng ngày gửi con đi lớp. Kết quả cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Cụ thể, hơn 70% số phụ huynh được hỏi cho biết lý do gửi con vào nhóm lớp MN tư thục là vì cơ sở đó gần nhà; hơn 40% số phụ huynh lý giải vì nhóm lớp tư thục có thể linh hoạt trong giờ đón - trả trẻ, đáp ứng đúng nhu cầu của phụ huynh là người lao động thường đi làm ca. Đánh giá về mối quan tâm đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và trình độ của giáo viên tại các cơ sở MN tư thục, chỉ có 30% số phụ huynh được hỏi có ý kiến về điều này.

Vì thiếu chỗ gửi con, nhất là chỗ gửi cho trẻ dưới 3 tuổi mà chính phụ huynh của trẻ, vì nhiều lẽ, cũng đang là một tác nhân không nhỏ góp phần tạo thêm những khó khăn trong việc đưa hoạt động của hệ thống cơ sở MN tư thục vào nền nếp, có chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Khó trong quản lý, kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.