(HNM) - Dành trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở về với đời thường, những cựu thanh niên xung phong tiếp tục góp sức xây dựng quê hương. Tuy vậy, hiện vẫn còn không ít cựu thanh niên xung phong đang phải sống cảnh neo đơn, thiếu thốn hoặc có vợ, có chồng nhưng khó khăn chưa vơi.
"Đâu cần thanh niên có"
Lật dở từng trang ký ức, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) TP Hà Nội Đỗ Quốc Phong nhớ lại: Năm 1950, Hà Nội đã đóng góp nhân lực vào đội TNXP đầu tiên với tên gọi “Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương” do Trung ương Đoàn phát động, tham gia chiến dịch Biên giới. Từ đó đến hết kháng chiến chống Pháp, Hà Nội có hơn 2.000 TNXP, trong đó có 4 đơn vị anh hùng tham gia. Giai đoạn 1954 - 1965, Hà Nội có gần một vạn TNXP tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh. Từ năm 1965 đến 1974, khoảng 3 vạn thanh niên Hà Nội và Hà Tây (cũ) tham gia TNXP tại gần 70 đơn vị, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Các y, bác sĩ khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thương, bệnh binh, cựu TNXP, gia đình chính sách. |
Vũ khí trong tay chỉ có cuốc, thuổng, gậy gộc nhưng họ phải đối mặt với hiểm nguy của mưa bom, bão đạn... Song, với ý chí gan dạ, lực lượng TNXP luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Những TNXP luôn bảo đảm cho dòng người, dòng xe ngày đêm ra trận; bảo đảm cho đường dây thông tin được thông suốt, kịp thời cấp cứu thương binh…
Điểm lại những năm tháng hào hùng đó, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Hà Nội Đỗ Quốc Phong nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng TNXP Thủ đô hết sức phấn khởi, tự hào là địa phương đầu tiên trong cả nước khởi nguồn thành lập phong trào "Ba sẵn sàng" và là quê hương của phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn" có sức hội tụ, lan tỏa và trở thành động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ, đặc biệt là lực lượng TNXP phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đất nước giải phóng, cán bộ, đội viên TNXP trở về địa phương xây dựng cuộc sống mới. Các hội viên vẫn giữ được nhiệt huyết “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; nhiều đồng chí là tấm gương sáng trong xã hội, không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, làm được nhiều việc nghĩa tình quý báu… Đặc biệt, Hội Cựu TNXP các cấp đã vận động các hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều hội viên đã trở thành những hạt nhân chính trị quan trọng ở cơ sở.
Toàn thành phố hiện có 38.214 hội viên TNXP, hầu hết đều trên 60 tuổi. Hiện có 9.922 cựu TNXP được hưởng trợ cấp một lần với mức tiền 2,5 triệu đồng/người; 270 người được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức tiền 540 nghìn đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Phú Xuyên Đào Đắc Đông: “Số tiền đó chỉ giảm được phần nào những khó khăn của các cựu TNXP". |
... còn đó những khó khăn
Sức trẻ và tuổi xuân cống hiến nơi chiến trường, khi về quê hương, nhiều TNXP bị nhiễm chất độc da cam, nhiều nữ TNXP quá lứa lỡ thì nay về già không nơi nương tựa. Bà Nguyễn Thị Sáng, xã Hoàng Long (Phú Xuyên) là một trong khoảng 1.000 nữ TNXP không lập gia đình. Năm 1971, khi tuổi đời vừa tròn 18, bà đăng ký tham gia TNXP và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khi đất nước hòa bình, bà trở về địa phương với niềm hạnh phúc riêng không trọn vẹn. Nay bà vẫn sống cùng người em ruột. Cũng ở xã Hoàng Long, nữ TNXP Đào Thị Phúc rời chiến trường trở về địa phương một thời gian thì phát bệnh tâm thần. Dù được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, nhưng bệnh tình của bà không giảm. Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Phú Xuyên Đào Đắc Đông cho biết, toàn huyện có 34 hội viên nữ TNXP cô đơn, hoàn cảnh rất khó khăn nhưng mới chỉ có một hội viên nhận được hỗ trợ từ Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Quốc Oai Đỗ Văn Thuần cho biết, cả huyện có 53 nữ cựu TNXP không lập gia đình, trong đó 37 hội viên cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Để chia sẻ, Hội đang phát động cuộc vận động “Chung tay vì nữ cựu TNXP nghèo, khó khăn”, phấn đấu quyên góp được 121 triệu đồng để dành tặng mỗi người một sổ tiết kiệm.
Dù không sống cô đơn, nhưng hoàn cảnh của vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Văn Thành và Vũ Thị Mật ở phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) từng tham gia chiến đấu tại Quảng Nam có hoàn cảnh rất thương tâm, bởi đứa con đầu lòng mất khi còn nhỏ, con thứ hai bị tật nguyền. Thế nhưng, vì nhiều lý do, đến nay cả hai vợ chồng chưa được hưởng chế độ của Nhà nước.
Ngay tại quận Hà Đông, cuộc sống khốn khó của cựu TNXP Nguyễn Đình Xuân (phường Vạn Phúc) đã chạm đến lòng trắc ẩn của nhiều người. Ngôi nhà chỉ trên 10m2 được cải tạo lại từ công trình cũ luôn chật chội, ẩm thấp. Vợ ông cũng là cựu TNXP nhưng vì thất lạc giấy tờ nên chưa được hưởng chế độ. Gần đây vợ ông bị mù, con cái không có khiến cuộc sống càng buồn và chật vật hơn. Trước hoàn cảnh này, Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Vạn Phúc Đỗ Thị Ngân Thanh cho biết: Hội đang triển khai kế hoạch vận động quyên góp sửa chữa ngôi nhà để đồng đội vơi đi những khó khăn trong cuộc sống.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.