(HNM) - Đời sống của công nhân lao động đã và đang từng bước được nâng lên về mọi mặt. Tuy vậy, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn xảy ra. Nhà ở, các thiết chế văn hóa dành cho người lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
"Rau cho hai vợ chồng, thịt để phần con..."
Tan ca, chị Lại Thị Phương, công nhân Công ty TNHH K+K fashion (Cụm công nghiệp Ngọc Hòa, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) vội vã đến nhà trẻ đón con, rồi ghé chợ mua thức ăn. Chợ quê, mọi thứ đều rẻ hơn, nhưng chị Phương vẫn phải trả giá. "Rau dành cho hai vợ chồng, còn thịt để phần con. Phải tiết kiệm, vì gần hai tuần nữa em mới được lĩnh lương” - chị Phương chia sẻ. Thu nhập của hai vợ chồng chị mỗi tháng được gần 10 triệu đồng. Tiền nhà, điện nước hơn 500 nghìn đồng, tiền gửi con 950 nghìn đồng, chi phí sinh hoạt, tiền gửi bố mẹ nuôi con lớn ở quê hết hơn 7 triệu đồng..., vợ chồng chị phải tằn tiện mới đủ sống.
Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Khu nhà ở công nhân Kim Chung, huyện Đông Anh) sau giờ làm việc. Ảnh: Bá Hoạt |
Không khá hơn, cuộc sống của nữ công nhân Nguyễn Thị Hà (Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam) thậm chí còn chật vật, dù đang độc thân. Với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng, Hà phải chắt bóp để dành được một triệu đồng mỗi tháng gửi về cho bố mẹ. Hà cho biết, dù biết rau, thịt ở các "chợ cóc" không an toàn, nhưng chị vẫn phải mua vì không còn sự lựa chọn khác khi giá ở cửa hàng thực phẩm sạch thường cao gấp 3-4 lần. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít công nhân chọn cách ăn tiết kiệm tối đa, chỉ với rau cho qua bữa. Mức ăn mà các chuyên gia cho rằng không thể bảo đảm sức khỏe khi công nhân lao động (CNLĐ) thường xuyên phải làm việc 12 giờ/ngày.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia: Khẩu phần ăn mỗi ngày của công nhân chỉ đáp ứng 90% nhu cầu dinh dưỡng, năng lượng cho lao động nam, 70% cho lao động nữ. Còn theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn mới đây tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, bữa ăn ca nghèo dinh dưỡng, không bảo đảm vệ sinh là nguyên nhân của thực trạng chỉ có 5,2% công nhân đạt sức khỏe loại A.
Sống tạm bợ để tiết kiệm chi phí
Dạo một vòng quanh các xã Kim Chung, Vân Nội, Hải Bối (huyện Đông Anh); Ngọc Hòa, Tiên Phương (huyện Chương Mỹ); Phùng Xá (huyện Thạch Thất)… dễ dàng nhận ra những dãy nhà trọ dành cho công nhân với vẻ ngoài nhỏ bé, cũ kỹ, mái lợp tôn sơ sài. Tại xã Kim Chung, nơi tập trung đông nhất công nhân ngoại tỉnh ở trọ, với khoảng 15.000 lao động. Bà Lê Thị Liễu, chủ hàng nước mía, giải khát ở chợ Mun cho biết, gia đình bà đã đầu tư xây gần chục phòng cho công nhân thuê trọ. Tất cả đều là những căn phòng nhỏ để giảm giá thành, phù hợp với lựa chọn của công nhân...
Chị Trần Thị Tươi (quê ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, công nhân Công ty TNHH Golsun, Khu công nghiệp Quang Minh) nói: “Lương hơn 4 triệu đồng/tháng, tôi buộc phải lựa chọn phòng trọ giá rẻ nhất và ở ghép với 3 công nhân khác để giảm chi phí”. Khi được hỏi sao không vào các khu nhà ở xã hội do thành phố xây cho công nhân ở làng Kim Chung, chị Tươi thành thật giãi bày: "Một phòng 8-10 người, trong khi chỉ có 1 phòng vệ sinh, rất bất tiện. Không những thế, mỗi khi đi làm về muộn hoặc có bạn tới thăm lại phải khai báo với lực lượng chức năng...".
Xung quanh Cụm công nghiệp Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) có khoảng 600 công nhân thuê trọ. Ngoài chuyện ăn ở được cắt giảm tối thiểu, công nhân có con nhỏ thường lựa chọn việc gửi con cho nhóm trông trẻ tư nhân. Chị Lê Thị Huyền, chủ nhóm trông trẻ tư nhân ở thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hòa cho biết, trẻ được nhận trông với mức thu từ 500 đến 950 nghìn đồng/tháng/cháu (từ dưới 18 tháng đến dưới 5 tuổi, bao gồm cả tiền ăn). Mỗi nhóm trẻ khoảng 40 cháu, chia làm 2 lứa tuổi, phần lớn là con công nhân. Chị cũng nhận trông trẻ ngoài giờ, thứ bảy và chủ nhật với mức thu 5.000 đồng/giờ. Dù biết chất lượng các lớp trông trẻ này không bảo đảm, nhưng các bà mẹ công nhân vẫn phải chấp nhận gửi con ở đây.
Công nhân ở trọ trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh) thì may mắn hơn, có thêm cơ hội gửi con vào Trường Mầm non Kim Chung A (trường công) hoặc ở những nhóm trông trẻ tư nhân có sự hỗ trợ nâng cao kỹ năng của các giáo viên trường mầm non công lập. Tuy vậy, mức thu khá cao, 2,5 triệu đồng/tháng/ cháu. Nhiều bà mẹ đành gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc.
Tại các khu công nghiệp, hơn 90% lao động thuộc lứa tuổi trẻ, nhu cầu vui chơi, giải trí là không thể thiếu. Tuy vậy, với thời gian đứng máy từ 8 đến 12 giờ mỗi ngày, nhiều công nhân lựa chọn việc ngủ bù để lấy sức đi làm sau mỗi ngày làm việc. Chị Lê Thị Hồng, công nhân Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô Showa Việt Nam bày tỏ: “Vào ngày nghỉ, vì không có hoạt động thể thao, vui chơi cho công nhân nên em chỉ biết ngồi ở nhà làm bạn với cái điện thoại. Em mong muốn đời sống người lao động được quan tâm nhiều hơn”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.