(HNM) - Thực tế, không ai muốn phá hủy môi trường của chính mình, nhưng nếu người dân vẫn chưa thật sự ý thức được vai trò của họ trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm đang hết sức nghiêm trọng thì không thể nâng cao chất lượng cuộc sống tại các làng nghề.
Thiếu tiền, thiếu đất
Trong câu chuyện, ông Nguyễn Phùng Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm ngao ngán: "Lãnh đạo địa phương đã làm việc với Tổng cục Môi trường để tìm biện pháp xử lý triệt để nước thải. Thế nhưng yêu cầu của họ cao quá, đòi địa phương phải dành 1 héc ta để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thời buổi "tấc đất, tấc vàng", chúng tôi lấy đâu ra để đáp ứng được yêu cầu ấy. Nhiều hộ dân mong muốn được vay 20 triệu đồng/hộ từ Quỹ Bảo vệ môi trường để làm bể lắng cặn trước khi xả ra hệ thống chung, nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được vì chúng tôi không biết quỹ ở đâu và cơ quan nào quản lý?".
Ô nhiễm làng nghề cần được khắc phục sớm trong thời gian tới. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trong khi đó, ông Dương Mạnh Thọ, Trưởng thôn Linh Quy Bắc cho biết, năm 2010 đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường đã về kiểm nghiệm nguồn nước ngầm tại thôn, nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả chính xác nguồn nước bị ô nhiễm hay không? Ô nhiễm do đâu? Thôn nhiều lần làm đơn phản ánh lên các cơ quan chính quyền nhưng không nhận được hồi âm khiến người dân luôn sống trong cảnh bức xúc.
Còn tại làng nghề Triều Khúc, theo ông Nguyễn Hữu Tâm, cán bộ địa chính UBND xã Tân Triều, để giải quyết tình trạng ô nhiễm, năm 2010, UBND huyện Thanh Trì đã đưa vào khai thác Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Tân Triều, với quy mô 10ha. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải hộ dân nào cũng vào được, bởi phải qua đấu thầu và cần số tiền không nhỏ để thuê đất. Do vậy, cụm công nghiệp chỉ thu hút khoảng 20% số hộ làm nghề tại Triều Khúc. Các hộ dân còn lại tiếp tục sản xuất tại nơi sinh sống. Ông Triệu Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, năm 2014, Cục Bảo vệ môi trường đã thị sát, nắm tình hình ô nhiễm tại làng nghề. Thành phố đưa nhiều tổ công tác xuống đo đạc, đánh giá mức độ ô nhiễm. Nhưng đến nay chưa đơn vị nào quay trở lại.
Lộ trình khắc phục
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề luôn ở mức báo động, Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng một số cơ sở xử lý chất thải. Theo bà Đào Thị Anh Điệp, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong năm 2016, Sở sẽ hoàn thiện để trình thành phố phê duyệt "Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Trong 2 năm 2016 - 2017, sẽ điều tra, thống kê, phân loại làng nghề theo 8 loại hình sản xuất (chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; loại hình khác); điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở sản xuất trong làng nghề theo các nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp; cơ sở có một hoặc một số công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và nhóm cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
20 làng nghề có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối; khu tập kết chất thải rắn... Bà Đào Thị Anh Điệp cũng cho biết, kinh phí thực hiện sẽ được bố trí từ ngân sách thành phố và khuyến khích, thu hút các nguồn vốn hỗ trợ khác thông qua việc hợp tác quốc tế, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Một lộ trình để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề đang hình thành. Vấn đề quan trọng nhất đối với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống tại mỗi làng nghề chính là ý thức người dân. Bởi cộng đồng dân cư làng nghề là những người trực tiếp tham gia sản xuất, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng là người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của ô nhiễm.
Ông Nguyễn Phùng Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô: Phường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường, không vứt rác thải xuống ao, sông. Đối với những hộ sản xuất bún thì vận động sử dụng nước tiết kiệm, nước sản xuất phải được lọc qua bể trước khi xả ra hệ thống chung. Bên cạnh đó, thôn cũng thành lập CLB nghề bún để tự kiểm tra, hỗ trợ, nhắc nhở lẫn nhau sản xuất vệ sinh, an toàn và hạn chế tác động đến môi trường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.