(HNM) - Để đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, các cơ quan dân cử phải nâng cao chất lượng hoạt động, làm tốt công tác cán bộ, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn hạn chế...
Cụ thể hóa tiêu chuẩn đại biểu
Kết quả sơ bộ bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc thông tin ngày 8-6 cho thấy, đại biểu do các cơ quan tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 182/197 người trúng cử. Trong đó, Quốc hội có 104/113 người trúng cử; MTTQ và các tổ chức thành viên có 25/31 người trúng cử. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện thiếu 120 đại biểu, cấp xã thiếu tới 6.626 đại biểu. Sở dĩ có hiện tượng này là do những người được giới thiệu ứng cử cũng như những người tự ứng cử đều phải trải qua một quy trình hiệp thương chặt chẽ, dân chủ trên cơ sở tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu. Quyết định cuối cùng thuộc về cử tri, không phải là cơ quan đề cử.
Cử tri gửi gắm tâm tư, nguyện vọng cũng như tình cảm đối với đại biểu cơ quan dân cử thông qua lá phiếu. Ảnh: Nhật Nam |
Song thực tiễn bầu cử cũng cho thấy, ngoài chương trình hành động, cử tri tham gia bầu cử cũng đề nghị tăng cường đối thoại hai chiều để có thể đánh giá từ tác phong, khả năng đối đáp đến kiến thức thực tế của từng ứng cử viên và lựa chọn những gương mặt tiêu biểu. Vậy tiêu chuẩn nào quan trọng nhất? Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử Trung ương Vũ Mão khẳng định, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đều quy định các tiêu chuẩn là chuẩn mực cơ bản của người đại biểu đại diện của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp. Tiêu chuẩn nào cũng quan trọng, không thể thiếu nhưng đúng là cần làm sáng tỏ hơn nữa. Đơn cử, tiêu chuẩn phải có liên hệ mật thiết với quần chúng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời phản ánh với các cấp có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của nhân dân là rất khó đánh giá. Cần nêu rõ, một ĐBQH hoặc đại biểu HĐND trong một năm phải tiếp xúc với cử tri ở cơ sở bao nhiêu lần? Thời lượng tiếp xúc là bao nhiêu? Hoặc như những kiến nghị của cử tri thì quy trình giải quyết như thế nào để cử tri có điều kiện so sánh, đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu, nhất là đại biểu trong diện tái ứng cử. Nếu làm được như vậy thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri chọn được người xứng đáng nhất để bầu vào các cơ quan quyền lực.
Tiếp tục đổi mới
Từ kết quả đại biểu trúng cử còn cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Vai trò của phụ nữ trong tham gia lĩnh vực chính trị nói chung và trong cơ quan dân cử nói riêng đang có những mặt còn hạn chế.
Điều này được nhận định không phải vì đại biểu nữ thiếu kiến thức, kỹ năng hay mà thực chất là do trên diễn đàn Quốc hội, số lượng đại biểu nữ chưa nhiều, lại ít có phát biểu sắc sảo, làm nóng nghị trường. Trong khi đó, điều đặc biệt quan trọng cử tri mong muốn, người đại biểu của dân, bên cạnh lắng nghe dân cũng cần có bản lĩnh, dũng khí, dám thể hiện chính kiến tại diễn đàn Quốc hội. Cá biệt, ngay cả nhiều nữ cử tri cũng chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò và sự cần thiết phải có tỷ lệ thích đáng nữ giới tham gia các cơ quan dân cử nên không bỏ phiếu cho họ. Giữ vai trò tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ giới, Hội LHPN các cấp cần tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới, vai trò và những đóng góp của nữ giới trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội. Đồng thời, chủ động giới thiệu nguồn nhân sự nữ tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ nữ, nữ tham gia ứng cử, nữ ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, nhất là cấp xã. Chỉ khi các "bóng hồng" khẳng định đủ năng lực để đáp ứng chức trách, nhiệm vụ của đại biểu dân cử, cử tri hiểu được vị thế và tầm quan trọng của nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử thì mới vận động được họ thực hiện nghiêm túc quyền bỏ phiếu, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ nữ giới tham chính, cũng như bảo đảm tính đại diện của toàn dân trong các cơ quan dân cử.
Hôm nay 9-6, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV; nhiều địa phương cũng đã công bố kết quả bầu cử. Mặc dù còn một vài hạn chế nhưng nhìn chung, cuộc bầu cử được đánh giá là đã thành công tốt đẹp, bầu chọn được những người đủ đức, đủ tài để thực thi sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. Hiện nay, HĐND các cấp đang triển khai kỳ họp thứ nhất để bầu các chức danh của HĐND và UBND. Ngay từ phiên họp đầu tiên này, các đại biểu dân cử đã phải thể hiện năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm và bản lĩnh của mình khi xem xét, lựa chọn nhằm bầu được người có đủ phẩm chất vào các cương vị lãnh đạo, tạo cơ sở cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND, xứng đáng với sự kỳ vọng của cử tri đã trao gửi.
Bà Quản Thu Trang - cử tri phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy mong muốn, những đại biểu dân cử, người giữ các vị trí chủ chốt phải có hành động cụ thể để thực hiện các cam kết, lời hứa mà mình đã đưa ra khi vận động bầu cử, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đặc biệt với các ĐBQH khóa XIV cần tập trung thảo luận để sớm ban hành các đạo luật còn lại trong hệ thống pháp luật về bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Bởi Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành được rất nhiều luật liên quan đến lĩnh vực này, song cũng có một số dự án luật rất quan trọng mà vì nhiều lý do đã "lỡ hẹn".
Tin tưởng rằng, Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.