(HNM) - Đến nay nợ đọng trong xây dựng cơ bản chưa được giải quyết triệt để, bởi sự vào cuộc chưa thật quyết liệt của các cấp chính quyền.
Vẫn còn tư tưởng trông chờ
Theo ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nguyên nhân nợ đọng vốn XDCB của một số địa phương là do nhiều huyện, xã chưa huy động và bố trí đủ nguồn để thanh toán khối lượng các dự án giao thông, thủy lợi sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-4-2012 của UBND TP Hà Nội về quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn mới (Quyết định 16). Thực tế, theo quy định tại quyết định này: Đối với xây dựng giao thông nông thôn, ngân sách thành phố và ngân sách huyện hỗ trợ tiền mua vật tư. Các công việc khác như xây dựng thiết kế kỹ thuật, nhân công... do các xã huy động từ nguồn xã hội hóa và ngân sách xã...
Tuy nhiên, khi trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một số địa phương cho biết: Lao động ở nông thôn chủ yếu đi làm ăn xa nên việc huy động người dân đóng góp ngày công rất khó khăn. Ở nhiều địa phương, nhất là các xã thuần nông, thu nhập của người dân thấp nên khó huy động sức dân. Vì vậy, nguồn lực để thực hiện của các xã chủ yếu trông chờ vào nguồn đấu giá đất, trong khi thời gian qua, thị trường bất động sản "đóng băng" nên việc đấu giá đất triển khai chậm. Đặc biệt, khi triển khai dồn điền, đổi thửa, một số xã chưa lường trước được khả năng huy động xã hội hóa nguồn lực ở địa phương, việc đầu tư XDCB làm theo phong trào, một số nơi còn làm trước chỉ đạo của UBND thành phố và làm vượt kế hoạch thành phố giao nên bị nợ đọng như ở huyện Ba Vì, Chương Mỹ…
Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại đổi thay ở nhiều vùng quê nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết. |
Thực tế cho thấy ở nơi nào, chính quyền địa phương căn cơ và quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết nợ đọng XDCB thì khoản nợ được giải quyết nhanh. Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phúc Thọ (huyện không còn nợ đọng XDCB) Nguyễn Hồng Tâm cho biết: Sở dĩ nợ đọng vốn XDCB trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện ít và trả nợ nhanh là do Phúc Thọ đã xây dựng bộ định mức phù hợp với nguồn kinh phí được hỗ trợ cũng như khả năng huy động xã hội hóa nguồn lực ở từng địa phương. Đặc biệt là loại bỏ được chi phí từ công việc mà các phòng, ban chuyên môn của huyện phải làm cho từng dự án như: chi phí thẩm định dự toán, quyết toán, chi phí quản lý dự án… Giảm được các khoản này là giảm được khoảng 30-40% tổng mức đầu tư dự án.
Tại Sóc Sơn, một huyện thuần nông khó khăn nhưng do xây dựng phương án DĐĐT phù hợp và triển khai giải quyết nợ khá quyết liệt nên đến nay không còn nợ đọng XDCB. Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Sóc Sơn Trần Đức Nam cho biết: Trong số các xã chỉ có Mai Đình (xã điểm xây dựng NTM của thành phố) còn nợ vốn XDCB gần 21 tỷ đồng của 41 dự án. Từ đầu năm 2016, huyện đã tập trung hỗ trợ xã Mai Đình nên đã trả xong nợ. Đến nay, dù là huyện đi đầu thành phố trong DĐĐT và đã hoàn thành xây dựng NTM ở 12/25 xã nhưng Sóc Sơn không nợ vốn XDCB.
Huyện Đan Phượng là địa phương đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn NTM cấp huyện. Ngay sau khi đạt chuẩn, huyện cũng nợ hàng trăm tỷ đồng XDCB. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng, Đan Phượng đã không đầu tư công trình mới, đẩy mạnh đấu giá đất, ưu tiên trả nợ nên đến nay tình trạng nợ đọng vốn XDCB của địa phương gần như không còn.
Tuy nhiên, có một thực tế là một số địa phương vẫn có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của cấp trên. Mặc dù thành phố đã chỉ đạo rất cụ thể: "UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm dành toàn bộ kinh phí thanh toán nợ XDCB…", thế nhưng, có mặt ở xã Thụy Hương những ngày đầu tháng 6-2016, chúng tôi vẫn thấy UBND xã đang triển khai cải tạo trụ sở làm việc. Toàn bộ khối nhà 2 tầng kiên cố được đập hết vữa cũ để trát lại. Việc làm này khiến một số doanh nghiệp băn khoăn, trụ sở UBND xã tuy xây dựng đã lâu nhưng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu làm việc, sửa chữa như vậy lại phải tiêu tốn hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Sơn nói: "Trong khi địa phương còn nợ doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng không trả nợ lại lo đầu tư cải tạo trụ sở khang trang thì không biết đến bao giờ nợ của các doanh nghiệp mới được giải quyết".
Cần có lộ trình trả nợ và đầu tư phù hợp
TP Hà Nội đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm nợ vốn XDCB. Ngày 31-3-2016, thành phố tiếp tục có Công văn số 2260/VP-NNNT yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã tiếp tục giải quyết nợ đọng XDCB thuộc Chương trình xây dựng NTM.
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Văn Khương, đối với khoản nợ mà các xã làm vượt, làm trước chỉ đạo của UBND thành phố, thành phố sẽ ứng trước kinh phí theo mức hỗ trợ quy định tại Quyết định 16 để thanh toán cho khối lượng công việc thuộc trách nhiệm ngân sách thành phố hỗ trợ. UBND các huyện, thị xã phải dành toàn bộ kinh phí thanh toán nợ XDCB, chỉ khi thanh toán xong các khoản nợ, mới được triển khai dự án mới. Đối với nợ thuộc trách nhiệm ngân sách huyện, xã thì ngoài việc dành toàn bộ tổng nguồn để thanh toán nợ XDCB, các địa phương cần rà soát lại toàn bộ đề án xây dựng NTM để có lộ trình đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực theo hướng ưu tiên "làm từ đồng vào làng, từ làng lên xã". Các xã cần tập trung trước hết cho hạ tầng phục vụ sản xuất gắn với DĐĐT và chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phát triển nông nghiệp, nâng cao mức sống nhân dân. Các công trình còn sử dụng được, mặc dù chưa đạt chuẩn cũng tiếp tục sử dụng và chỉ đầu tư mở rộng, nâng cấp khi đủ điều kiện về nguồn lực. Những công trình trong diện xác định phải làm mới cũng phải rà soát, tính toán, lựa chọn hình thức, quy mô, kết cấu, biện pháp thi công công trình và phân kỳ đầu tư hợp lý...
Để từng bước giải quyết tình trạng nợ đọng vốn trong XDCB, công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở các địa phương cũng cần quan tâm, tạo nguồn thu tại chỗ để giải quyết nợ đọng vốn XDCB. Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Hữu Thắng kiến nghị: Thời gian qua, xã đã tổ chức đấu giá đất nhiều lần, nhưng không có người mua. Nguyên nhân là do Thụy Hương là xã ven đô, thành phố duyệt giá sàn là 3,4 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế trong dân nên không đấu giá được.
Còn Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ba Vì Hoàng Bá Khuyến cho biết: Việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn gặp khó khăn do các vị trí đẹp đều nằm ở ngoài đê thuộc các xã Châu Sơn, Tản Hồng, Phú Cường… Mặc dù các vị trí này đều nằm trong khu dân cư đã sinh sống ổn định hàng trăm năm, nhưng do vướng mắc bởi các quy định của Luật Đê điều nên cần phải có ý kiến của bộ, ngành liên quan mới đấu giá được. Huyện đã kiến nghị các ngành chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Vì vậy, các sở, ngành chức năng thành phố cần "xắn tay", đề nghị các bộ, ngành tháo gỡ mới triển khai được.
Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có địa phương nợ vốn XDCB phải cam kết xử lý nợ xong trong năm 2016, không để phát sinh nợ mới. Trường hợp hết năm 2016 không xử lý xong thì xem xét lại việc công nhận huyện đạt chuẩn NTM… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.