(HNM) - Chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động luôn được các cấp công đoàn xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, từ đó nỗ lực tham mưu, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, chủ sử dụng lao động thực hiện. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã chia sẻ về các hoạt động chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt cho công nhân lao động của các cấp công đoàn với bạn đọc Báo Hànộimới.
Chỗ học cho trẻ mầm non tại các khu công nghiệp còn rất thiếu. Ảnh : Phương Thảo |
- Công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế còn gặp khó khăn về nhà ở, trường mẫu giáo, nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao, tư vấn pháp luật, khám chữa bệnh… Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có giải pháp gì nhằm chăm lo đời sống đoàn viên, công nhân lao động cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng, thưa đồng chí?
- Việc thiếu nhà ở, trường mẫu giáo, siêu thị, nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao, tư vấn pháp luật, phòng khám… tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế là một thực tế đặt ra không chỉ ở Hà Nội. Đảng và Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quy định pháp luật nhằm cải thiện tình trạng này và trên thực tế, một số khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội gần các khu công nghiệp đã được hình thành nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân lao động. Để góp phần khắc phục tình trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Theo đó, đến hết năm 2020, Tổng Liên đoàn đầu tư xây dựng 50 thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.
Việc xây dựng thiết chế công đoàn với các công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị công đoàn, phòng khám, tư vấn pháp lý… sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đoàn viên, công nhân lao động trong khu công nghiệp và khu vực lân cận; thúc đẩy xã hội hóa nhà ở cho công nhân. Hiện Tổng Liên đoàn đang triển khai 20 dự án tại 20 tỉnh, thành phố. Hà Nội là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn đang phối hợp với Thành ủy, UBND thành phố xác định quỹ đất, vị trí để đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực đầu tư.
- Một trong những vấn đề được công nhân lao động quan tâm nhiều nhất hiện nay là tình trạng vi phạm pháp luật lao động, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp. Công đoàn tháo gỡ vướng mắc này như thế nào, thưa đồng chí?
- Vi phạm pháp luật lao động nói chung và trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động tại nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, đang thực sự là vấn đề bức xúc của nhiều người lao động, đồng thời là mối quan tâm, trăn trở của các cấp công đoàn.
Thời gian qua, các cấp công đoàn trong cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp hạn chế vi phạm, bảo vệ quyền lợi người lao động, góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Trong đó, các cấp công đoàn tổ chức làm việc với chủ doanh nghiệp, gửi văn bản hoặc tham mưu với cấp ủy, chính quyền làm việc với doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật lao động, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Riêng năm 2017, với biện pháp này, cả nước đã thu được gần 819,5 tỷ đồng bảo hiểm các loại. Bên cạnh đó, công đoàn chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động tại doanh nghiệp, kiến nghị xử lý vi phạm; tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật; tổ chức công khai thông tin doanh nghiệp vi phạm, góp phần hạn chế gia tăng vi phạm.
- Thực hiện chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, các cấp công đoàn đã ký thỏa thuận với nhiều doanh nghiệp giảm giá hàng hóa, dịch vụ cho đoàn viên. Đây là một hoạt động thiết thực hỗ trợ nâng cao đời sống công nhân lao động. Xin đồng chí đánh giá kết quả bước đầu của hoạt động này?
- Từ năm 2017 đến nay, hệ thống công đoàn tập trung thực hiện "Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn" nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cả về vật chất, tinh thần, chính trị cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Trong nhiều nội dung hoạt động có "Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động Việt Nam".
Triển khai chương trình này, đến nay Tổng Liên đoàn đã ký thỏa thuận với 18 tập đoàn, tổng công ty lớn. Công đoàn cấp trên cơ sở đã ký thỏa thuận được với 1.521 doanh nghiệp. Chương trình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giảm giá cho đoàn viên và người lao động; mức ưu đãi so với giá bán từ 5% đến 10%, cá biệt có sản phẩm được giảm 25%. Năm 2017, cả nước đã có hơn 1,7 triệu lượt đoàn viên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ giảm giá, được hưởng lợi hơn 526 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018 có hơn 1,3 triệu lượt đoàn viên và người lao động sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi, được hưởng lợi gần 450 tỷ đồng. Tuy vậy, so với tiềm năng và nhu cầu của hơn 10 triệu đoàn viên, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.
Để nâng cao hiệu quả chương trình, đáp ứng kỳ vọng của đoàn viên và người lao động, thời gian tới, các cấp công đoàn đẩy mạnh phát hành và cấp thẻ đoàn viên công đoàn; tích cực truyền thông để các doanh nghiệp tham gia chương trình.
- Một nội dung lớn nữa là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổng Liên đoàn sẽ tập trung vào những vấn đề gì nhằm hỗ trợ thiết thực cho người lao động giữ được việc làm, bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống, thưa đồng chí?
- Trong quá trình xây dựng các văn kiện trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phân tích, nhận diện những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân lao động, đề ra các giải pháp giảm thiểu tác động xấu. Theo đó, trong nhiệm kỳ XII (2018-2023), các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền sâu rộng về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của nó, trong đó có việc làm, thu nhập của công nhân lao động. Người lao động phải hiểu biết cơ bản về cuộc cách mạng này thì mới có thể chuẩn bị để ứng phó, thích ứng một cách hiệu quả. Công đoàn tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp tổ chức đào tạo nghề để công nhân lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, sẵn sàng học nghề mới, chuyển nghề khi có điều kiện.
Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở cần nâng cao năng lực và vị thế trong đại diện, bảo vệ quyền có việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động, không để các doanh nghiệp tùy tiện, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Cùng với đó, các cấp công đoàn sẽ tích cực tham mưu, đề xuất các chính sách nhằm tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.