Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tự chủ kinh phí là then chốt

Hải Anh| 03/12/2014 06:37

(HNM) - Một phần kiến nghị của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã được đáp ứng nhờ những nỗ lực cải cách được tiến hành trong thời gian gần đây, trong đó có Nghị định 99/2014/NĐ-CP quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN trong các cơ sở GDĐH - được Chính phủ


Nghị định này phục vụ cho việc thực hiện cơ chế đổi mới quản lý KH&CN trong các trường ĐH, được kỳ vọng tạo điều kiện tốt cho những người làm khoa học tại các trường tham gia hiệu quả vào việc nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước. Những chính sách này đã đủ để giúp các trường ĐH tự chủ?

Phòng nghiên cứu khoa học trong các trường đại học cần được khuyến khích đầu tư phát triển.
Ảnh: Bùi Tuấn



Nặng về khuyến khích

Theo Nghị định 99/2014/NĐ-CP, giảng viên trong các cơ sở này được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập có từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm cũng như các hợp đồng thực hiện tại miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Giảng viên được thưởng tiền không quá 30 lần mức lương cơ sở chung nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE. Ngoài ra, họ được hỗ trợ 50% phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả và được tính tương đương 20 giờ giảng dạy lý thuyết nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học có thang điểm 1 trong danh mục của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.

Lực lượng cán bộ giảng dạy - nghiên cứu có trình độ cao như các giáo sư sẽ được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc và được cấp kinh phí hoạt động; được tham gia hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế (tối đa 2 lần/năm) từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN; được ưu tiên chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ gắn với nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ. Còn giảng viên là các nhà khoa học trẻ tài năng thì bên cạnh việc được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ (được quy định tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12-5-2014 của Chính phủ), còn được ưu tiên tuyển chọn đi học nâng cao trình độ; được tạo điều kiện tham gia NCKH, giao chủ trì việc thực hiện các nhiệm vụ tiềm năng với hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; được xem xét hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo; được sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chuyên ngành, liên ngành...

Có thể nói, những quy định nói trên đã hợp thức hóa những khoản chi hợp lý nhưng chưa hợp pháp mà lâu nay các đơn vị vẫn phải tìm cách "lách". Nó giúp cho các giảng viên có thể yên tâm nghiên cứu mà không lo "hụt" giờ giảng theo định mức, không phải khổ sở lo hợp lý hóa chứng từ, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia NCKH có nhiều cơ hội tiếp xúc, tham gia những hoạt động nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Nhẹ về đầu tư

Theo Nghị định 99/2014/NĐ-CP, cơ sở có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng, các đại học, trường đại học trọng điểm; cơ sở đóng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng; cơ sở đáp ứng các điều kiện quy định, có các chương trình nghiên cứu liên quan đến sản phẩm quốc gia, hướng nghiên cứu ưu tiên của Nhà nước là những đối tượng được ưu tiên đầu tư. Nguồn vốn đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN trong các cơ sở GDĐH gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn thu hợp pháp của các cơ sở GDĐH; quỹ phát triển KH&CN của quốc gia, bộ, ngành, doanh nghiệp; nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn hợp pháp khác.

Cũng theo quy định tại nghị định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển tiềm lực và hoạt động KH&CN sẽ được khuyến khích bằng lợi ích kinh tế. Với quy định này, các nhà hoạch định chính sách hy vọng sẽ khắc phục được điểm yếu trong mối quan hệ giữa trường ĐH và doanh nghiệp. Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), mỗi năm, các tổ chức nghiên cứu trong nước thực hiện khoảng 2.000 nhiệm vụ KH&CN, trong đó, khối các trường ĐH đóng góp khoảng 16.000 - 20.000 kết quả. Tuy nhiên, chỉ chưa tới 10% kết quả nghiên cứu nói trên (khoảng 2.000) được ứng dụng vào khu vực doanh nghiệp sản xuất hoặc là kết quả có tiềm năng ứng dụng thực tế; số còn lại không phải là nghiên cứu ứng dụng hoặc là nghiên cứu chưa gắn với thực tế và nhu cầu sản xuất trong nước. Thực trạng này không chỉ do lỗi của các trường ĐH, mà còn do các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm tới nghiên cứu và phát triển. Báo cáo "Đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa được công bố tại Hà Nội, trong khuôn khổ hội thảo quốc tế "Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", cho thấy nguồn đầu tư của doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân vào KH&CN còn ở mức rất thấp. Ở nhiều nước, lượng đầu tư của doanh nghiệp chiếm gần 80% tổng mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư công rất ít; ở Việt Nam thì ngược lại.

Trên thế giới, các tập đoàn, công ty lớn cũng như các công ty tư nhân thường có quan hệ mật thiết với các trường ĐH nhằm đầu tư cho NCKH, công nghệ, thông qua đó giải quyết các vấn đề khoa học mà họ quan tâm. Con đường đầu tư này gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể và nhanh chóng mang lại lợi ích. Còn các khoản đầu tư từ các quỹ của Nhà nước không đi liền mục tiêu lợi nhuận, cho phép mở rộng nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực và thời gian nghiên cứu có thể kéo dài. Những "đơn đặt hàng" từ Nhà nước sẽ giải quyết những nhiệm vụ KH&CN phục vụ lợi ích quốc gia, xã hội và cộng đồng. Chỉ khi nào các trường ĐH có được sự tự chủ kinh phí nghiên cứu từ hai nguồn quan trọng này thì mục tiêu "mỗi trường đại học là một viện nghiên cứu" mới có thể thành hiện thực đầy đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tự chủ kinh phí là then chốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.