(HNM) - Hiện nay, các sở, ban, ngành đang phối hợp chặt chẽ với các huyện để kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện, thị xã. Tuy nhiên, để đề án triển khai có hiệu quả đòi hỏi chính sách phải rõ ràng và có lộ trình cụ thể.
Tạo sự công bằng
Các DN đều cho rằng, vấn đề quản lý hoạt động giết mổ của chính quyền địa phương, thú y cấp xã còn yếu, vì vậy các lò giết mổ thủ công nhỏ lẻ vẫn ngang nhiên tồn tại gây khó khăn cho các cơ sở giết mổ tập trung. Do đó, các ngành và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt trong việc kiểm soát nguồn gốc thịt thành phẩm bán tại các chợ hiện nay. Nếu kiểm soát chặt "đầu ra" thì sẽ có "đầu vào" ổn định tại các cơ sở giết mổ tập trung.
Hà Nội cần xây dựng nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Linh Ngọc |
Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, hiện nay các lò giết mổ công nghiệp chỉ hoạt động từ 10% đến 20% công suất nên rất lãng phí, trong khi toàn thành phố vẫn tồn tại trên 3.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Trên thị trường lượng thịt gia súc, gia cầm (GSGC) mới kiểm soát được 30%; 70% còn lại trôi nổi, không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ là điều đáng lo ngại. Con số này cũng cho thấy việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực giết mổ của các ngành chức năng không triệt để. Do đó, để tạo sự công bằng trong giết mổ cũng như kinh doanh sản phẩm từ thịt GSGC đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt. Năm 2013, thành phố đã đầu tư trên 100 tỷ đồng cho 3 cơ sở giết mổ công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng do vốn thu được không đủ để vận hành nên khó để nhân rộng mô hình. Vì vậy, trong thời gian đầu, Nhà nước cần hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.
Theo Công ty Công nghệ thực phẩm Đức (đơn vị đang thực hiện dự án giết mổ tập trung và chế biến thực phẩm ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn), đầu tư vào dự án giết mổ đòi hỏi kinh phí lớn. Nhưng để hoạt động đủ công suất thiết kế đòi hỏi các cấp chính quyền phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ GSGC nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y… thì các cơ sở giết mổ công nghiệp mới hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành bổ sung cơ chế hỗ trợ các cơ sở giết mổ công nghiệp để DN giảm bớt khó khăn trong việc giết mổ thuê và mở rộng các cửa hàng tiêu thụ thực phẩm sạch.
Cần có lộ trình cụ thể
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Lê Thị Loan cho biết, hiện nay ngân sách đang khó khăn nên việc đầu tư phải lựa chọn kỹ, tránh đầu tư dàn trải. Đặc biệt, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần rà soát lại quy hoạch về điểm giết mổ tập trung, có lộ trình cụ thể cho từng năm và đi kèm với cụ thể hóa chính sách hỗ trợ để các địa phương thực hiện. Ngoài kiểm soát chặt chẽ về công tác giết mổ cần kiểm tra quy trình vận chuyển GSGC bằng xe lạnh chuyên dụng, không để hiện tượng xe máy chở GSGC thành phẩm kéo lê trên đường và chấm dứt hoàn toàn trong vài năm tới. Trong đó, xây dựng cơ chế hợp lý cho từng khâu, khép kín, công tác bình ổn giá cũng phải được quan tâm. Theo đó, nên làm điểm ở một số doanh nghiệp lớn rồi đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các doanh nghiệp khác. Còn theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Phạm Văn Khương, Sở NN&PTNT cần rà soát bổ sung quy hoạch để từ đó có kế hoạch, lộ trình, không làm đồng loạt tất cả các dự án vì ngân sách eo hẹp. Đối với các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng dự án, DN và Sở NN&PTNT cần căn cứ vào hướng dẫn cụ thể của các sở, ban, ngành nhằm giúp DN sớm hoàn thiện các thủ tục, chấm dứt tình trạng một dự án 2-3 năm vẫn chưa làm xong công tác chuẩn bị đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, trong quý III và quý IV-2014, các sở, ngành và chính quyền địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung đã được phê duyệt. Thời gian tới, các huyện cần chú trọng công tác quy hoạch, thu hồi đất, làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo điều kiện đẩy nhanh thời gian giao đất cho doanh nghiệp. Sở NN&PTNT hướng dẫn cho doanh nghiệp về thủ tục vay vốn ở một số ngân hàng, nhưng phải xây dựng chương trình một cách hợp lý; đồng thời kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không đạt tiêu chuẩn, đưa các điểm giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung. Các quận Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm cần có kế hoạch cụ thể di dời toàn bộ các cơ sở giết mổ hiện có trên địa bàn ra ngoại thành, sau khi ban hành quy định phải có kiểm tra để xử lý tái vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.