(HNMO) - Hà Nội đã đi qua đợt giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ một cách vững vàng và để lại ấn tượng lớn, đó là “giãn cách nhưng không xa cách”. Góp phần làm nên thành công đó, có sự vào cuộc tích cực của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương xung quanh vấn đề này.
Sẵn sàng sẻ chia
- Cả quá trình phòng, chống dịch Covid-19 suốt gần 2 năm qua, đặc biệt là trong thời gian giãn cách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố xứng đáng là chỗ dựa của người có hoàn cảnh khó khăn. Đạt được kết quả đó, ngay từ đầu Mặt trận đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp nào, thưa đồng chí?
- Với vai trò và trách nhiệm của mình, trong quá trình cả thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch, Mặt trận các cấp của Thủ đô xác định phải sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về tinh thần, vật chất để chung sức cùng thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và là lực lượng nòng cốt trong các tổ Covid-19 cộng đồng. Mặt trận tích cực kêu gọi, vận động các tập thể, cá nhân chung tay hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, bà con vùng bị phong tỏa trong mọi hoàn cảnh, không để bất cứ người dân nào thiếu lương thực, thực phẩm.
Đặc biệt, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, quán triệt phương châm “bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã triển khai Đề án “Đoàn kết chống dịch”, thành lập fanpage và công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận cuộc gọi đề nghị trợ giúp từ người dân. Chương trình đã tiếp nhận 3.185 cuộc gọi đề nghị giúp đỡ, tư vấn các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố cho người lao động..., trao hỗ trợ cho 2.248 trường hợp với trị giá trên 766 triệu đồng.
Sau khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Mặt trận thành phố đã tham mưu hỗ trợ 3.431 hộ nghèo không được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với tổng kinh phí 3,431 tỷ đồng, bảo đảm 100% hộ nghèo được quan tâm, hỗ trợ. Đây cũng là căn cứ để HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng đặc thù của thành phố.
Bên cạnh đó, chỉ trong hơn 12 ngày triển khai, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp đã phối hợp lập danh sách, xét duyệt, hỗ trợ 171.956 người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố, sinh viên thuê trọ, người nước ngoài đang học tập, làm việc tại Hà Nội khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng số tiền hỗ trợ đợt này trị giá 85,978 tỷ đồng. Những món quà tuy nhỏ nhưng đủ để làm ấm lòng những người dân lao động nghèo, sinh viên, người nước ngoài đang gặp khó khăn do dịch bệnh, động viên họ yên tâm ở lại cùng Hà Nội chống dịch, hiểu và lan tỏa những thông điệp đầy nhân văn của Thủ đô. Đây cũng là hoạt động chưa từng có tiền lệ, là minh chứng cụ thể, sinh động của một Hà Nội hòa bình, hữu nghị và trọn nghĩa tình.
Càng khó khăn, càng đoàn kết
- Qua thực tế triển khai cho thấy, các chính sách hỗ trợ của thành phố không chỉ dành cho người Hà Nội, mà cho cả những người đến từ địa phương khác. Đồng chí cho biết từ việc triển khai, hỗ trợ cộng đồng trong đợt dịch thứ tư vừa qua, Mặt trận đã rút ra được kinh nghiệm gì?
- Bài học lớn đầu tiên, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố rút ra là việc phải tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tập thể, quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, mới huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, doanh nghiệp và của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch cũng như công tác tương trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Hai là, chủ động nắm bắt tư tưởng, tình hình, dư luận nhân dân, kịp thời báo cáo, tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, giải quyết mâu thuẫn phát sinh ngay tại địa phương, cơ sở, không để phát sinh các điểm nóng.
Ba là, xuất phát từ nhu cầu, tình hình thực tế của nhân dân, kịp thời đề xuất, chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Cán bộ Mặt trận ở cơ sở thực sự là người gần dân, được dân mến, dân thương, dân tôn trọng và nhân dân được nhờ; là nơi để nhân dân gửi gắm niềm tin.
Bốn là, công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng.
- Thời gian tới, dịch bệnh còn đặt ra nhiều thách thức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động như thế nào, thưa đồng chí?
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là: Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch cùng chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tổ chức thực hiện Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021 và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; phối hợp tổ chức kịp thời các hoạt động cứu trợ; tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nắm chắc tình hình dư luận, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh với các cấp ủy Đảng, chính quyền; tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Mặt trận các cấp sẽ chủ động dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, thích ứng với điều kiện, diễn biến dịch bệnh.
Đặc biệt, chúng tôi xác định, dù trong thời điểm, giai đoạn nào, Mặt trận cũng đều chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thực hiện tốt các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xứng đáng là người cán bộ được dân mến, dân thương, dân tôn trọng và nhân dân được nhờ.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.