(HNM) - Ngày 28-11, PV Báo Hànộimới đã đến Cà Mau, tỉnh cuối cùng phía Nam của Tổ quốc, cũng là điểm cuối của hành trình khởi phát từ KM0 của QL 1A tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).
Trên hành trình đến Cà Mau, chúng tôi đã dừng lại nhiều bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh, nơi chủ yếu cứu chữa những người bị TNGT cả của TP lẫn các tỉnh lân cận. Vì một giây phút chủ quan của mình mà mang lại hậu quả vô cùng nặng nề cho bản thân, gia đình và người liên quan là thông điệp đầu tiên mà rất nhiều những nạn nhân TNGT đang trong đau đớn gửi gắm chúng tôi. Nằm trong phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt của Bệnh viện 115 (TP Hồ Chí Minh), anh Trần Văn Toàn (28 tuổi, kỹ sư xây dựng ở quận Tân Phú) khắc khoải: "Giờ nghĩ lại tôi thấy ân hận vô cùng. Lỗi một phần do mình đi vội vã, chủ quan mới ra nông nỗi thế này". Anh Toàn bị chấn thương vùng bụng và dập hai đầu gối khi anh tránh được chiếc xe lu trên đường nhưng lại đâm phải một xe gắn máy khác. Sau tai nạn, các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt đi một phần ruột bị hoại tử của anh Toàn.
Tài xế Nguyễn Văn Lành điều trị sau tai nạn.
Bi kịch hơn, đã 5 năm nay anh Nguyễn Văn Điền (41 tuổi, ngụ ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) phải sống trong tình trạng "thực vật", vì tỷ lệ thương tật não lên tới 91%. Một người lái xe mô tô say rượu, lấn tuyến đã mang đến nỗi đau không chỉ cho bản thân anh mà còn với cả gia đình anh, khi bây giờ, chàng thanh niên khỏe mạnh đang là lao động chính của gia đình ngày nào giờ đang phải sống nhờ vào người cha già trong căn nhà chật hẹp và ẩm thấp chỉ đủ kê chiếc giường, mùa mưa đến thì dột từ ngoài vào trong.
Rất nhiều người đang sống khốn khổ vì TNGT như thế đã cùng chung một khắc khoải "giá như ngày ấy mình đi cẩn trọng hơn, chậm hơn…". Như trường hợp anh Đặng Văn Mì (45 tuổi, ngụ 55 ấp 4, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè). Hai năm trước khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), một chiếc
ô tô đi sai phần đường đã khiến anh bị mất nửa bên xương sọ và liệt nửa người. Cuộc đời còn lại của anh bây giờ gắn với chiếc xe lăn… Hay như ông Lê Văn Hoàng (50 tuổi, 52/68 đường Khiếu Năng Tĩnh, phường An Lạc A, quận Bình Tân) cũng rơi vào tình cảnh tương tự và hậu quả là bị liệt cả hai chân và phải ngồi xe lăn. Vợ ông giờ phải gánh vác vai trò trụ cột gia đình, làm thuê để nuôi ông và người con bị tâm thần...
Trên hết là ý thức tham gia giao thông
Rời TP Hồ Chí Minh, hành trình của chúng tôi đến Cà Mau như được "bù đắp" với những con số nhẹ hơn rất nhiều so với các tỉnh khác. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, trong 10 tháng năm 2012, toàn tỉnh có 52 vụ TNGT (giảm hơn 13% so với cùng kỳ), làm chết 26 người (giảm 28%) và làm bị thương 59 người (tương đương cùng kỳ). Mặc dù giảm nhưng theo cơ quan chức năng, mỗi vụ TNGT đã để lại hậu quả rất lớn không chỉ đối với nạn nhân, gia đình mà còn đối với cộng đồng xã hội. Với bản thân người bị nạn, những thương tích không chỉ một ngày, một tháng mà còn theo họ suốt cả cuộc đời... Có rất nhiều nguyên nhân khiến TNGT xảy ra, như hạ tầng kém lại bị lấn chiếm, phương tiện xe gắn máy nhiều, lực lượng quản lý điều tiết giao thông còn mỏng... Nhưng trên tất cả, theo nhận xét của hầu hết những người làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông suốt dọc đường chúng tôi đi qua, nguyên nhân tai nạn xảy ra là do nhận thức của người tham gia giao thông rất kém. Mặt khác, văn hóa ứng xử cũng cực kỳ kém khi nhiều vụ va chạm nhỏ trên đường nhưng nhiều người khi tham gia giao thông cũng xuống xe cãi cọ, thậm chí đánh nhau, gây thiệt hại cho hai bên ách tắc giao thông.
Không chỉ các ban, ngành tỉnh Cà Mau nhận định như vậy, mà ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang cho hay, phần lớn các vụ tai nạn là do thiếu ý thức tuân thủ luật nên chạy xe sai làn đường, lấn tuyến, không tuân thủ quy định ở các điểm giao cắt... Còn ông Đặng Kim Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hồ Chí Minh thì cho biết, có những TNGT xảy ra rất "lãng xẹt", vì vậy mong người dân khi tham gia giao thông phải thực sự thể hiện văn hóa nhường nhịn, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi xảy ra TNGT. Đặc biệt là mỗi người khi tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành Luật ATGT. Được như vậy thì tình hình giao thông trên mỗi con đường, con hẻm, tuyến đường, khu phố sẽ là một hình ảnh hoàn toàn khác,...
Tài xế cần có lương tâm
Một sự kiện gây xôn xao dư luận mới đây là thông tin tài xế Nguyễn Văn Lành đã chủ động đâm xe ô tô vào trụ đèn tín hiệu giao thông để tránh gây thương vong cho hàng chục người đang đi xe máy dừng đèn đỏ phía trước đã thôi thúc chúng tôi tìm anh. Nằm trên giường của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, anh Lành kể lại rằng, khoảng 10h sáng ngày 22-11, khi xe ô tô do anh lái đi tới gần sát đèn đỏ thuộc ngã tư Đồng Tâm, đoạn rẽ vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang thì bất ngờ mất phanh. Chiếc ô tô lao tới như con ngựa bất kham trong khi phía trước là hơn chục chiếc xe máy dừng đèn đỏ. Trong khoảnh khắc đó, người tài xế này quyết định đánh tay lái, đâm xe vào trụ đèn để dừng lại và tránh làm thương vong người đi đường. Chiếc xe đâm vào trụ đèn ngay chính vị trí ngồi của tài xế nên những hành khách trên xe vô sự. "Mình là người lái xe, có gì xảy ra mình phải chịu trách nhiệm, không thể để hành khách chịu thay cho mình", anh Lành lý giải đơn sơ về lý do tại sao anh lại chọn vị trí đâm xe là chính nơi mình ngồi. Lành bị gãy bàn chân phải, bị thương ở vùng mặt, vùng tay, vùng chân. Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe đã khá lên, nhưng theo bác sĩ anh vẫn còn phải nằm viện để theo dõi.
Anh Lành bảo, trong thâm niên 10 năm lái xe khách, đây là lần đầu tiên anh… bị tai nạn. "Bí quyết" của sự an toàn, với anh là khi lái xe, người tài xế phải ý thức trách nhiệm của mình rằng tuyệt đối bảo đảm an toàn cho hành khách. Theo đó, trách nhiệm của tài xế là trước khi bắt đầu cho xe lăn bánh phải kiểm tra kỹ phanh, xi nhan, còi, lốp xe… Trong khi lái xe phải tập trung cao độ, không được phân tâm, quan sát trước sau hai bên trước khi sang làn đường. Kinh nghiệm của anh là đoạn đường vắng càng không được chủ quan. Bởi, rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông thường có tâm lý lơ là khi tới đoạn đường này và thường tăng ga để bù vào cho những lúc phải chạy chậm ở đoạn đường đông đúc. "Người tài xế phải kiểm soát được tốc độ và hành vi của mình. Hạn chế tốc độ là hạn chế tai nạn. Tài xế cần phải có lương tâm anh à!", anh Lành đưa ra thông điệp khi chia tay chúng tôi.
An toàn giao thông - Hãy hành động vì người sống. Xin mượn một câu chuyện cảm động của người tài xế có trách nhiệm trên để kết thúc loạt bài này. Mong rằng những người tham gia giao thông, từ người điều khiển ô tô, xe máy đến người đi bộ hãy nâng cao ý thức, hành động để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh, tránh đi những mất mát đau lòng không đáng có chỉ vì phút giây chủ quan...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.