(HNM) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất có tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp và du lịch, luôn đòi hỏi số lượng rất lớn lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, dịch vụ... Làm sao để tháo gỡ những
Học viên tại Trường Trung cấp nghề Vĩnh Long. |
Không thể “bóc ngắn cắn dài”
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, công tác dạy nghề, mạng lưới cơ sở cũng như quy mô tuyển sinh dạy nghề hằng năm tại các tỉnh ĐBSCL đạt rất thấp, chỉ 56%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 35,2%, thấp hơn so với bình quân 40,6% của cả nước. Phòng học thiếu, chất lượng giáo đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều vấn đề về trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên dạy nghề còn chung chung, chưa có chính sách đặc thù cho giáo viên vùng ĐBSCL. Như vậy, việc giải bài toán về nguồn nhân lực mà cụ thể là phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề ở ĐBSCL là không đơn giản.
Ông Lữ Quang Ngời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Công tác đào tạo nghề hiện nay tại tỉnh Vĩnh Long còn một số bất cập, trong đó có vấn đề quy hoạch, xác định ngành nghề đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế về đào tạo nhân lực, đào tạo lao động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; việc chuyển hướng của các cơ sở đào tạo từ đào tạo ngành nghề mình có sang đào tạo ngành nghề xã hội cần còn chậm; thực hiện xã hội hóa trong hoạt động đào tạo, dạy nghề cũng còn hạn chế, từ đó dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong đào tạo và sử dụng nhân lực, lao động có tay nghề.
Mặt khác, theo ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, công tác dạy nghề vẫn còn nhiều tồn tại như việc phân luồng học sinh phổ thông sang học nghề, học chuyên nghiệp chưa hiệu quả nên số người học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong số người đi học nghề, có nhiều người theo tâm lý đám đông, đi cho vui cùng bạn bè, học trong lúc chờ tìm việc khác nên động cơ học tập không cao, dẫn đến chất lượng tay nghề kém.
Không chỉ vậy, việc kết nối giữa cung và cầu, giữa nhà trường và doanh nghiệp để tạo cơ sở đầu ra cho học viên các trường nghề cũng chưa hiệu quả. Theo ông Vương Phương Nam, trong đào tạo nghề nói chung nếu chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt của thị trường lao động, đào tạo kiểu “bóc ngắn cắn dài” thì tất yếu học viên chỉ tập trung đăng ký vào một số ngành nghề hấp dẫn và như vậy sẽ dẫn đến mất cân đối, kết quả là tình trạng thất nghiệp tiếp tục tăng. Còn đào tạo kiểu “nhìn xa trông rộng” thì vấp phải tâm lý sốt ruột của học viên và gia đình.
Ông Lữ Quang Ngời phân tích, việc kết nối cung và cầu lao động, cũng như việc tăng cường phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho học viên khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, một khảo sát cho thấy đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chưa xác định được nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm, cũng như trong thời gian 3 năm hoặc 5 năm tới. Hầu hết doanh nghiệp khi thiếu lao động sẽ thông báo tuyển dụng hoặc liên hệ với các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm của tỉnh để tuyển dụng lao động, đáp ứng cho nhu cầu trước mắt. Do đó việc đào tạo lao động theo đơn đặt hàng, công tác dự báo thị trường lao động của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Chưa kể tính ổn định trong hoạt động của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn chưa cao, việc xác định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh và nhu cầu tuyển dụng lao động ở hầu hết doanh nghiệp này chưa rõ ràng, cụ thể.
Giải pháp từ thực tế
Để bảo đảm người lao động có việc làm và đáp ứng được yêu cầu công việc sau tốt nghiệp, các tỉnh khu vực ĐBSCL phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên là phải nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Thứ hai là tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học viên thực hành trực tiếp tại các quy trình sản xuất. Xác định nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo tay nghề cho người lao động không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo mà là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Thứ ba là thực hiện tốt công tác tư vấn nghề nghiệp cho người lao động và doanh nghiệp.
Theo ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, địa phương phải tổ chức tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng đối với học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh trung học cơ sở. Các trường phổ thông, các cơ sở dạy nghề phải phối hợp với nhau thật tốt trong công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, tư vấn học nghề và có địa chỉ sử dụng; cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh các trường trong tỉnh để các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đều có thể tuyển được học sinh, sinh viên, tránh tình trạng tập trung nhiều ở một vài trường, trong khi các trường khác không có học viên. Có chính sách tạo điều kiện để phát triển nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giải quyết việc làm ổn định cho người lao động nói chung và học viên học nghề nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp, không nên chạy theo phong trào, bằng cấp, tránh lãng phí tiền bạc, công sức mà học xong không có việc làm.
Tại hội nghị tổng kết phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 tổ chức tại Cần Thơ mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Cơ chế phân luồng học sinh vào các trường nghề, cơ sở dạy nghề ở ĐBSCL chưa tốt. Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, muốn thay đổi, cần cơ chế thì phải có căn cứ cụ thể xuất phát từ thực tiễn của địa phương chứ không nên phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn chung cho cả nước. Ví dụ như có quy định riêng, linh hoạt hơn về chương trình của các trường nghề, hay sắp xếp lại các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên ở cấp huyện... Điều này đồng nghĩa việc tháo gỡ "điểm nghẽn" trong đào tạo nghề đòi hỏi phải có sự chủ động từ cơ sở chứ không chỉ trông chờ vào cơ chế chung chung nào đó sẽ ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.