Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Sớm có kế hoạch hành động cụ thể

Nhóm PV Kinh tế| 22/11/2016 06:53

(HNM) - Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và sẵn sàng tận dụng những thời cơ hội nhập để phát triển theo hướng bền vững... Đó là những định hướng quan trọng đã được Nghị quyết số 05-NQ/TƯ và Nghị quyết số 06-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ.


Sau khi Báo Hànộimới đăng loạt bài xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nhân đã có ý kiến mong muốn các bộ, ngành sớm có kế hoạch hành động cụ thể để Nghị quyết nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên:
Tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế

Việc duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, sử dụng nhiều vốn thay vì phát triển các ngành có định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao, kèm theo đó là hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên lý xin - cho, dành ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã làm hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo niềm tin để doanh nghiệp (DN), người dân, kiều bào… đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh. Việc thu hút DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, thay vì các ưu đãi chính sách sẽ giúp các DN cạnh tranh lành mạnh và phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, tiến trình hội nhập của nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới thiên về chất lượng. Chỉ riêng năm 2015, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và đi vào thực thi hàng loạt hiệp định thương mại có trình độ cao. Vì vậy, trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ phải tích cực tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy mới có thể tận dụng những ưu thế của hội nhập để phát triển.

Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung:
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước

Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cần chấm dứt hoạt động, cho phá sản các DNNN không còn khả năng tồn tại, gây suy giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của nền kinh tế; huy động vốn và các nguồn lực xã hội. Đồng thời, cần áp dụng triệt để nguyên tắc cạnh tranh, có truy cứu trách nhiệm giải trình đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý và trao quyền tự chủ đầy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của khu vực DNNN.

Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nội thất Ngọc Trịnh (phố Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) Nguyễn Đức Trịnh:
Tạo môi trường kinh doanh minh bạch

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 được các DN, nhất là DN nhỏ và vừa kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tiến bộ. Trên thực tế, kinh tế tư nhân được xác định là động lực giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn. Đã có những khu đô thị kiểu mẫu, khu nghỉ dưỡng sang trọng được xây dựng bởi các DN tư nhân. Mỗi năm, khối DN nhỏ và vừa đóng góp 50% GDP của cả nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, nhưng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi về cơ chế, chính sách và luôn khó khăn khi tiếp cận vốn, cạnh tranh không bình đẳng; gặp bất lợi thay vì hưởng lợi khi tiếp cận các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do…

Với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập, để DN Việt trở thành động lực ngày càng vững mạnh đáng tin cậy vì sự phát triển đất nước, chúng tôi mong muốn Nhà nước, các bộ, ngành cần có chương trình, hành động cụ thể, được xây dựng trên cơ sở tham vấn định kỳ với DN. Các thủ tục về đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế, cấp đất cho dự án kinh doanh... cần được cải cách mạnh mẽ theo hướng minh bạch, thuận tiện, trên tinh thần phục vụ, hỗ trợ DN.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh:
Loại bỏ doanh nghiệp yếu kém khỏi thị trường

Đổi mới mô hình tăng trưởng kết hợp tái cơ cấu nền kinh tế là mục tiêu chiến lược, có tính chất sống còn, quyết định tương lai kinh tế cả nước. Trong đó, tầm quan trọng, vai trò của DN trong công cuộc phát triển kinh tế được xác định rõ. Để các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm sự đầy đủ về nội dung và chất lượng của hệ thống văn bản, quy định pháp luật.

Khi chính sách, quy định pháp lý về kinh tế được hoàn thiện sẽ là điểm tựa vững chắc, tạo ra niềm tin cho DN; chắt lọc những đơn vị đủ sức sống và loại bỏ đơn vị yếu kém ra khỏi thị trường. Các DN mong muốn chính sách chỉ ra đời sau khi có sự cân nhắc kỹ các vấn đề liên quan đến hoạt động của DN, bảo đảm ổn định, dễ hiểu, dễ thực hiện. Từ đó, DN sẽ “soi” vào và đưa ra hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Sớm có kế hoạch hành động cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.