(HNM) - Để loại hình ĐH phi lợi nhuận và các trường có mong muốn hoạt động theo hướng không vì lợi nhuận có thể đạt được mục tiêu đề ra, nhiều chuyên gia tâm huyết đã phải nghĩ đến những "giải pháp phi truyền thống". Điều này càng cho thấy không thể trì hoãn việc phải hoàn thiện những chính sách về ĐH phi lợi nhuận để khuyến khích loại hình này phát triển.
Mô hình phải thực tế
Đi tìm một mô hình ĐH phi lợi nhuận cho Việt Nam, không ít chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị về chính sách trên cơ sở tham khảo mô hình trường tư phi lợi nhuận của Mỹ, là nước được đánh giá có hệ thống pháp quy hoàn chỉnh nhất trong việc phân biệt giữa các tổ chức giáo dục phi lợi nhuận và vì lợi nhuận. Theo đó, việc cần thiết trước tiên là phải có quy định về "sân chơi" cho cả trường hoạt động vì lợi nhuận bên cạnh trường phi lợi nhuận, đồng thời có quy định và tiêu chí để phân biệt hai loại hình trường này. Trường phi lợi nhuận cần có sự bảo đảm một số quyền lợi nhất định và những quyền đó có thể bị tước đi nếu trường không duy trì được tính phi lợi nhuận. Điều quan trọng là, để bảo đảm thực thi các tiêu chí của trường phi lợi nhuận, các trường cần được giám sát về mặt tài chính một cách chặt chẽ.
Tuy nhiên, nhiều người đồng quan điểm với bà Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội Các trường ngoài công lập: Nói đến phi lợi nhuận thì những người làm giáo dục đều mong một mô hình lý tưởng giống như các ĐH phi lợi nhuận ở Mỹ với các trường rất thành công và có danh tiếng. Song, loại trường như vậy ở Việt Nam hiện nay tôi cho là không tưởng. Theo bà Phương Anh, ở Việt Nam không có một truyền thống hiến tặng, truyền thống Mạnh Thường Quân, có những quỹ phi lợi nhuận để làm giáo dục. Chuyện đó ngay bây giờ không có và tôi nghĩ trong tương lai gần khoảng vài chục năm cũng sẽ khó khăn. Chúng ta phải chấp nhận rằng các trường tư thục ở Việt Nam, theo như định nghĩa của Mỹ là những trường lợi nhuận. Còn lợi nhuận đến đâu thì chấp nhận được và nên hạn chế các loại trường chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp những chuyện khác, thì đó là chuyện của Nhà nước và của chính sách.
Trước nhiều đề xuất về các mô hình ĐH phi lợi nhuận, mặc dù thừa nhận để có một mô hình ĐH phi lợi nhuận đúng nghĩa ở Việt Nam hiện nay là khó khăn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết: Chính phủ cũng đã khuyến khích những mô hình phi lợi nhuận giống như các nước, giống như vừa rồi Thủ tướng đã có chủ trương thành lập Trường ĐH Fulbright. Đây là trường ĐH không vì lợi nhuận hoặc là phi lợi nhuận theo mô hình của Mỹ. Khi tư vấn cho Thủ tướng về vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc rất kỹ những vấn đề liên quan tới cơ chế chính sách, pháp luật của Việt Nam, để làm thế nào có được một mô hình khác biệt. Trường này không giống như bất kỳ trường ĐH nào của Việt Nam. Sau khi có chủ trương thành lập, nhà trường đi vận động các nhà Mạnh Thường Quân, các quỹ để xây dựng trường. Sau khi đi vào hoạt động, trường hoàn toàn không chia lãi suất cho ai mà để trả lương rồi tái đầu tư… Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đây đang là một mô hình thử nghiệm mà Bộ GD-ĐT và Chính phủ rất khuyến khích. Tuy nhiên, tính thực tế của mô hình trong bối cảnh nước ta hiện nay là vấn đề cần tính đến.
Chấm dứt mô hình "đại hội đồng cổ đông"?
Trong hội thảo Điều lệ các trường ĐH tư thục phi lợi nhuận mới đây, đại diện cho Ban soạn thảo Điều lệ của Bộ GD-ĐT đã gây chú ý khi nêu ra 8 điểm quan trọng để các trường góp ý và dự kiến sẽ là nội dung then chốt trong điều lệ sẽ ban hành tới đây về trường tư thục. Theo đó, mô hình trường tư phi lợi nhuận sẽ không còn cơ chế đại hội đồng cổ đông như hiện nay và sẽ là đại hội đồng toàn trường, trong đó bao gồm nhà đầu tư, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, đại diện cán bộ giảng viên… Những cam kết về tôn chỉ, mục đích hoạt động không vì lợi nhuận đang được Ban soạn thảo xem xét liệu có cần nêu ngay trong quyết định thành lập của Thủ tướng hay không. Những cam kết này cũng sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ. Một ban kiểm sát sẽ được bầu ra như hình thức ban thanh tra nhân dân trong trường công lập.
Nội dung liên quan tới tài sản là vấn đề đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đang còn nhiều ý kiến tranh cãi, trong đó vướng mắc nhất là tài sản không phân chia đến từ vốn của trường dân lập khi chuyển sang tư thục, không phải hình thành từ vốn góp của người đầu tư. Ngoài ra, gây băn khoăn không kém là câu hỏi: Khi đã cam kết hoạt động theo loại hình phi lợi nhuận thì trường có được chuyển ngược trở lại thành vì lợi nhuận hay không? Điều lệ cũng sẽ đề cập tới việc nhà đầu tư chỉ được nhận cổ tức và giữ vai trò quản lý nguồn vốn đầu tư chứ không tham gia quản trị nhà trường, việc biểu quyết trong hội đồng quản trị sẽ không theo nguyên tắc đối vốn nữa (biểu quyết theo mức vốn góp), mà nhà đầu tư sẽ chỉ có một lá phiếu...
Mặc dù còn cần nhiều sự bàn thảo, nhưng thông tin từ Bộ GD-ĐT về những điểm then chốt trong dự thảo Điều lệ đã phần nào khiến lãnh đạo các trường ngoài công lập thấy rằng những băn khoăn của mình đã được nhìn nhận đúng mức. Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, ông Trần Hồng Quân, phát biểu: Nếu những vấn đề nói trên được giải quyết trong điều lệ thì đây sẽ là một bước tiến lớn về chính sách so với các Quy chế 61 và 63 về Tổ chức và hoạt động trường ĐH tư thục trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.