Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Quyết liệt và rõ trách nhiệm

Tuấn Khải| 09/03/2014 06:11

(HNM) - Chậm tiến độ đã khiến cho các dự án phải gánh nhiều hệ lụy, từ việc đội giá, tăng tổng mức đầu tư cho đến phải điều chỉnh, gia hạn hiệp định...



Trong khi đó, công trường bị quây kín, trở thành các "lô cốt" cản trở giao thông, làm mất vệ sinh môi trường và gây bức xúc trong dư luận. Không thể chậm hơn nữa, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt… là quan điểm chung được lãnh đạo Chính phủ, TP Hà Nội, Bộ GTVT chỉ đạo trong các buổi kiểm tra hiện trường cũng như trong các buổi họp kiểm điểm tiến độ dự án.

Các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội đều chậm tiến độ gây nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Hà


Nhiều hệ lụy từ việc chậm tiến độ

Tuyến đường Nguyễn Trãi kéo dài từ Ngã Tư Sở vào Ba La (Hà Đông) thường xuyên trong tình trạng ùn tắc giao thông và mất vệ sinh do hàng loạt "lô cốt", hàng rào tôn kéo dài hàng cây số để quây công trường thi công dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông. Đường 32 đoạn từ đầu Cầu Diễn đến gần Nhổn, thuộc phạm vi dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Người dân qua lại các tuyến này kêu "trời" vì những phiền phức mà công trường chậm tiến độ mang lại. Nhưng đó chỉ là cái mà người dân có thể trực tiếp cảm nhận. Còn nhiều hệ lụy lớn hơn, không dễ giải quyết.

Hiệu quả dự án bị giảm sút vì dự án kéo dài dẫn tới đội giá, tăng tổng mức đầu tư là một trong những hệ lụy mà chúng ta phải trả giá, như tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông tổng mức đầu tư dự án tăng lên hơn 70%. Theo đơn vị chủ đầu tư (Cục Đường sắt Việt Nam), sau 5 năm thi công, do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào, tổng mức đầu tư dự án sẽ không thể dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, dự án này phải cần thêm 339 triệu USD. Trong số các khoản phát sinh, "nặng" nhất là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD); chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD); chi phí GPMB (tăng 25 triệu USD)…

Một hệ lụy nữa của dự án vay vốn ODA là phải điều chỉnh, gia hạn hợp đồng, hiệp định ở tầm Chính phủ. Có những trường hợp, việc đàm phán gia hạn này rất phức tạp, đôi khi còn phải đền bù hợp đồng do sự chậm trễ. Riêng việc gia hạn hợp đồng và thanh toán gói hợp đồng cũ từ năm 2007-2013 với tư vấn Systra thuộc tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội, đại diện Ban Quản lý dự án ĐSĐT cho biết, vẫn đang nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Thế nhưng, để tìm được tiếng nói chung cũng còn không ít vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ.

Mặt bằng "xôi đỗ" cũng phải triển khai

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án ĐSĐT vừa được tổ chức, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: khả năng hoàn thành tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2017 là hết sức khó khăn nên giữa hai Chính phủ đã phải gia hạn hợp đồng thêm một năm. Nhưng với tiến độ triển khai rất chậm hiện nay, kể cả những gói thầu đã triển khai thi công hoặc đã đấu thầu xong nhưng chưa thi công, thời hạn này cũng đang là thách thức đối với thành phố. Nguyên nhân chậm trễ có cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, do đây là tuyến thí điểm đầu tiên của thành phố nên quá trình triển khai còn bỡ ngỡ. Quá trình hợp tác với tư vấn cũng có những bất cập. Nhưng nguyên nhân chính - nguyên nhân chủ quan ở đây là sự tập trung chỉ đạo và phối hợp thực hiện còn thiếu quyết liệt và chặt chẽ.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo: Không thể chậm trễ hơn. Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ, UBND thành phố giao huyện Từ Liêm chậm nhất đến ngày 30-4 phải GPMB xong khu đề pô và phần đi trên cao. Về cơ chế chính sách, Ban Chỉ đạo GPMB thành phố cùng huyện Từ Liêm rà soát từng phương án và quyết ngay. Về tiến độ thi công các gói thầu, chủ đầu tư không thể đổ lỗi không có tư vấn giám sát do đã hết hạn hợp đồng. Trước ngày 15-3, Ban Quản lý dự án ĐSĐT phải ký kết lại hợp đồng với tư vấn, kể cả chỉ là hợp đồng nguyên tắc. Các sở Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư phải tham mưu về những vấn đề vướng mắc liên quan đơn giá tiền lương, hình thức thanh toán. Nếu vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND thành phố để đề xuất lên Chính phủ. Thành phố cũng giao Sở Nội vụ tổ chức thanh tra công vụ để làm rõ trách nhiệm các đơn vị, sở, ban, ngành nếu không thực hiện đúng thẩm quyền, đúng thời hạn đối với dự án trên.

Với tuyến số 2, thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương thẩm định phê duyệt tổng mặt bằng các ga ngầm theo đúng trình tự thủ tục quy định, thời gian trước ngày 15-3. UBND huyện Từ Liêm và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB, tái định cư phần còn lại của đề pô.

Với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, trong lần đi kiểm tra thực địa cách đây chưa lâu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, tiến độ của dự án đã chậm gần một năm so với dự tính ban đầu, không thể để chậm thêm nữa. Phó Thủ tướng yêu cầu: Đến tháng 9-2015 phải đưa dự án vào chạy thử và tháng 12-2015 đưa vào khai thác. Để đạt mục tiêu này, các cơ quan liên quan của Hà Nội phải linh hoạt, tập trung cho công tác vận động, đền bù hỗ trợ, bố trí tạm cư, tái định cư cho người dân; Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tăng cường lực lượng thi công, bảo đảm chất lượng, kể cả mặt bằng bàn giao "xôi đỗ" vẫn phải tận dụng triển khai. Về phía Hà Nội, lãnh đạo thành phố cũng khẳng định quan điểm là phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ GTVT, đồng thời cam kết bảo đảm tiến độ GPMB điều chỉnh như đã thống nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Thành phố sẽ khẩn trương thành lập Công ty ĐSĐT Hà Nội để có kế hoạch đào tạo nhân lực, sẵn sàng tiếp nhận và vận hành hệ thống sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Quyết liệt và rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.