(HNM) - Hệ lụy từ chứng nghiện game thế nào, có lẽ không phải bàn thêm. Trong khi đó, việc các quy định, chế tài trong quản lý hay các nghiên cứu khoa học, các chương trình đào tạo riêng biệt… cho những đối tượng nghiện game, đang làm cho vấn đề thêm nan giải.
Tác hại khôn lường
Thầy Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và thể thao (IVS) cơ sở TP Hồ Chí Minh - nơi cai nghiện rất thành công của những học sinh cá biệt mê chơi game trong nhiều năm qua, cho biết: Trường Nội trú IVS có tới 70% số lượng học sinh theo học vì lý do mê chơi game. Theo thầy Lê Anh, việc các bạn trẻ đam mê sử dụng công nghệ và chơi game thường xuất phát từ gia đình, các bậc phụ huynh cho con em mình chơi game trên điện thoại smartphone và máy tính bảng một cách không kiểm soát. Lúc đầu, họ đều nghĩ vô thưởng vô phạt nhưng khi chơi nhiều sẽ tạo nên sở thích và dần dần mê game, dành phần lớn thời gian để chơi game và có những người chơi tới 20 giờ/ngày. Trong khi, hệ thống các trò chơi trực tuyến hay game ngày càng đưa ra nhiều loại nhằm khai thác kiệt quệ tâm trí người chơi.
Học võ tại trung tâm “cai nghiện” game. |
Khi các bạn trẻ tham gia vào game coi như bước vào thế giới "ảo" và sẽ đồng nhất người chơi tuyệt đối với điều đó, với nhân vật trong game. Hậu quả, các bạn thường hành xử theo nhân vật. Thậm chí, cha mẹ có khi như đối thủ trong game cần xử lý. Thực tế đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra trong nhiều gia đình. Nghiêm trọng hơn, theo thầy Lê Anh, nếu nghiện game sẽ dẫn tới đảo lộn giờ giấc sinh hoạt hằng ngày, ngủ và ăn rất ít, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu một số hoạt chất dành cho não, dẫn đến tình trạng bồn chồn, khó chịu, bất an, hồi hộp, lo lắng, chìm đắm trong khổ đau tuyệt vọng... Các hội chứng đó tập hợp lại rất giống bệnh nhân trầm cảm, do chơi game nhiều nên ám ảnh tâm trí, gây ảo giác.
Nói về mức độ nguy hại của việc "nghiện game", bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho biết: Xét từ góc độ sinh học, nghiện game cũng giống như nghiện thuốc phiện. Theo đó, sau khi thắng trận não bộ sẽ tiết ra một chất khiến người chơi cảm giác thoải mái, dễ chịu. Do vậy khi chơi game nhiều sẽ rất dễ có tâm lý phụ thuộc, áp lực. Cũng theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, chỉ cần chơi hơn 2 giờ/ngày đã có nguy cơ gây nghiện. Đặc biệt đối với trẻ vị thành niên, chưa hình thành nhân cách, nếu bị nghiện game sẽ sống cô lập, không thích nghi với cuộc sống và mất hết mối liên hệ với gia đình, xã hội.
Theo nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Minh Đức và TS Bùi Thị Hồng Thái (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), trong tổng số gần 4.500 khách thể nghiên cứu, có gần 64% người chơi các game mang tính bạo lực; game bạo lực nhóm tuổi thiếu niên từ 6 đến 11 tuổi, chiếm gần 25%; đặc biệt từ lứa tuổi 12 đến 15 tuổi, chiếm gần 42%. Đây có thể xem như một sự cảnh báo cho các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục và các nhà quản lý game về sự thích ứng quá sớm với bạo lực ở thanh, thiếu niên Việt Nam.
Lỗ hổng từ gia đình và xã hội
Thầy Đặng Lê Anh cho rằng, phần lớn phụ huynh không hiểu được tình trạng nghiện game và sự nguy hiểm của việc này, khi con có những biểu hiện bất thường họ lại đưa đến bệnh viện. Có nhiều phụ huynh không cho chơi game, cấm chơi, có những trường hợp còn nhốt con giữa cánh đồng trong một ngôi nhà tách biệt với xã hội xung quanh. Thế nhưng, nếu làm như thế sẽ gây tác dụng ngược và rất nguy hiểm, bởi đó chỉ ngăn cản hành vi bên ngoài chứ không phải ở bên trong. Thực tế xã hội hiện đại ngày nay, người lớn bị cuốn vào công việc cho nên để con cái tự sống, đây là vấn đề rất đáng báo động. Phụ huynh chưa quản lý được con mình, chưa hiểu được tâm sinh lý của các cháu đến từng giai đoạn phát triển, không can thiệp kịp thời nên dẫn đến tình trạng nêu trên.
Trong khi, bác sĩ lại cho rằng đó là chứng trầm cảm và kê đơn thuốc. Khi uống thuốc, cơ thể sẽ sinh ra một số chất tự thiếu đó và tạo sự cân bằng nhất thời. Nhưng ngược lại, thuốc sẽ làm các bạn này rơi vào tình trạng buồn ngủ, phản xạ chậm, nhận thức suy giảm và dần dần lệ thuộc vào thuốc và có thể phải dùng thuốc cả đời. Hậu quả, đến lúc nào đó não sẽ bị tàn phá, nghiêm trọng hơn, người chơi game đó sẽ phải sống thực vật. Trong khi, nghiện game cần phải trị liệu chứ không phải bằng thuốc.
Về mặt nhà trường, theo thầy Lê Anh, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đưa ra những quy định và chương trình phổ biến về những tác hại của game online; các thông tư hướng dẫn cho học sinh và thầy cô giáo hiểu được tác hại nghiêm trọng của quá trình chơi và nghiện game. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra quy trình và chương trình giảng dạy, tập huấn cho giáo viên. Thực tế, hiện nay các thầy cô giáo tập trung vào việc dạy văn hóa, chưa chú trọng vào phát triển kỹ năng và nhận thức xã hội, bản thân cho nên các học sinh dễ bị sa đà vào tệ nạn xã hội hay các trò chơi điện tử trực tuyến, game...
Một điều đáng lưu tâm nữa, hiện nay ở Việt Nam chưa có một con số thống kê nào về mặt xã hội học về việc có bao nhiêu người nghiện game, cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này. Đây là lỗ hổng đáng bàn nếu muốn xây dựng các chương trình mang tính khoa học và định hướng về lối sống cho các bạn trẻ khi bị nghiện game. Mặt khác, nhà trường nếu kết hợp với gia đình và địa phương cũng phải thông báo cho chính quyền địa phương biết, để quản lý chặt chẽ hơn. Đối với những trung tâm hay cửa hàng tổ chức trò chơi game, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ, không thể để tình trạng trá hình, ngoài đóng cửa nhưng bên trong vẫn chơi game suốt đêm.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam cho biết, các cơ sở kinh doanh game cần tuân thủ về thời gian hoạt động theo quy định, không thể để cho người chơi thâu đêm suốt sáng. Đặc biệt, cần hạn chế game bạo lực, bởi thực tế có nhiều game rất độc hại, ảnh hưởng đến tâm trí người chơi. Song song đó, cần tạo ra nhiều sân chơi để các em có đời sống tinh thần phong phú và không có thời gian quá rảnh rỗi để rồi sa đà vào game. Về phía phụ huynh cũng phải rất chú ý đến các em, tạo cho các em những điều kiện để tham gia sinh hoạt thanh thiếu niên. Kinh nghiệm cho thấy, nếu làm phòng riêng cho con, không nên gắn cửa, đặc biệt đối với con trai, để dễ tiện theo dõi sinh hoạt, điều này cũng phải rất khéo léo.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Hùng, khi các em nghiện game cần có nhiều giải pháp, trong đó liệu pháp xã hội như tạo ra các trò chơi trí tuệ, những bài học hiểu được tác hại của game… để các em dần dần từ bỏ. Cơ quan quản lý nhà nước cần được kiểm duyệt chặt chẽ, không thể bất cứ loại game nào cũng đưa ra thị trường, hoặc quy định chặt chẽ cơ sở tổ chức game. Cuối cùng, tuyệt đối không để các trẻ em nhỏ tuổi chơi game, bởi trẻ em dưới 5-6 tuổi chưa thể định hình được tâm lý, nếu chơi game nhiều sẽ dễ gây ra hệ lụy không tốt khi hình thành tính cách.
Ở Việt Nam hiện nay, công tác quản lý game vẫn còn nhiều hạn chế do chưa có những đánh giá và phân loại game theo các tiêu chí từ các nhà khoa học (tâm lý học, giáo dục học, xã hội học và tâm thần học). Thế nên, theo các nhà quản lý giáo dục, cần phải có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để hạn chế việc các em chơi game. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng các đoàn thể như công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.