(HNM) - Dù các bộ, ngành chức năng đều có cơ quan thanh tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), song đây vẫn là
Cơ quan chức năng kiểm tra ATVSTP tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội) Ảnh: Thái Thanh |
Kinh phí quá thấp, cán bộ kiêm nhiệm
Trong năm 2016, ngân sách nhà nước chi hơn 100 tỷ đồng cho công tác quản lý ATVSTP. Như vậy, với hơn 90 triệu dân, trung bình mỗi người Việt Nam được chi hơn 1.000 đồng/năm cho hoạt động này. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, số tiền dành cho việc quản lý ATVSTP tính theo đầu người của Việt Nam còn quá thấp so với các nước. Hơn nữa, cả nước hiện mới có 265 thanh tra chuyên ngành ATVSTP. "Ngoài lực lượng thanh tra, muốn kiểm soát thực phẩm phải có phương tiện, nhân lực, mẫu, xét nghiệm mẫu, tiêu hủy nhưng với nguồn kinh phí như vậy, đòi hỏi kiểm soát chặt và rộng rãi là rất khó" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề cập.
Ngoài lĩnh vực thực phẩm, các thanh tra phải kiêm nhiệm rất nhiều việc như: Thanh tra hành nghề y, dược… Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) đưa ra phép tính, với lực lượng thanh tra ATVSTP như hiện nay, trung bình mỗi tỉnh chỉ có 2-3 cán bộ giám sát công tác ATVSTP. Có nơi, trung bình mỗi cơ sở chỉ được kiểm tra 0,2 lượt/năm, nghĩa là sau 5 năm, cán bộ thanh tra mới có thời gian quay lại cơ sở.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lực lượng thanh tra chuyên ngành ATVSTP, từ đầu năm 2016, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chính thức thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATVSTP theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg, ngày 9-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ, tại 5 quận và 10 phường, xã, thị trấn. Thế nhưng, tình hình 4 tháng thực hiện thí điểm cho thấy, lực lượng thanh tra ATTP vẫn rơi vào cảnh "thiếu và yếu". Chẳng hạn, tại phường Láng Hạ (Đống Đa) - một trong 10 phường, xã, thị trấn được Hà Nội chọn thí điểm - do không được tăng biên chế, 10 thành viên của Đội Thanh tra chuyên ngành ATVSTP phường đều phải kiêm nhiệm, gồm cán bộ các bộ phận: Trạm y tế, thú y, công an phường… Ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ, kiêm Đội trưởng Đội Thanh tra chuyên ngành ATTP phường thừa nhận, khó khăn lớn nhất khi triển khai thực hiện, đó là cán bộ thanh tra chuyên ngành ATTP phải kiêm nhiệm rất nhiều việc, khiến số cơ sở được thanh tra chưa nhiều. Để triển khai thanh, kiểm tra được 3-4 buổi/tuần thì quả thực rất khó.
Là đơn vị thực hiện tích cực nhất, nhưng sau 4 tháng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, phường Trung Liệt (Đống Đa) cũng chỉ kiểm tra được 12 cơ sở. Theo ông Nguyễn Chí Tâm, Chủ tịch UBND phường Trung Liệt, việc thanh tra ATTP mới chỉ thực hiện được trên giấy tờ và bằng mắt, nên rất khó xác minh nguồn gốc thực phẩm. Việc thiếu các thiết bị xét nghiệm thực phẩm cũng khiến cho lực lượng thanh tra cấp xã, phường hoạt động không hiệu quả...
Chờ đợi những chuyển biến mới
Cục ATTP (Bộ Y tế) đã cấp cho Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn sử dụng 23 loại test phát hiện nhanh ô nhiễm hóa học và vi sinh vật trong thực phẩm như: Kiểm tra nhanh axit vô cơ trong giấm; hàn the trong thực phẩm; độ ôi khét trong dầu mỡ; phẩm màu, phoóc môn trong thực phẩm… Sở Y tế cũng đã trang bị các loại test này cho các xã, phường để các địa phương chủ động kiểm tra thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra trường hợp, khi test nhanh nhiều mẫu có kết quả dương tính, nhưng kiểm tra lại tại phòng thí nghiệm thì cho kết quả âm tính.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, kết quả thu được khi sử dụng bộ test nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, định tính. Để xác định sản phẩm có vi phạm hay không, thì phải đợi kết quả kiểm tra định lượng trong phòng thí nghiệm và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác. Còn theo ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững - Hội Nghề cá Việt Nam, kể cả việc kiểm soát hoạt động của Phòng Kiểm nghiệm ATVSTP còn nhiều vấn đề.
Cùng là xét nghiệm ATVSTP nhưng có tới 3 bộ (Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương) có quyền chỉ định; cùng một mẫu sản phẩm, nhưng khi gửi tới các phòng kiểm nghiệm khác nhau, lại cho kết quả khác nhau. Mặt khác, có những sản phẩm phải kiểm nghiệm trong thời gian dài, thường dao động từ 7 đến 15 ngày. Do đó, khi có được kết quả, các sản phẩm đã được chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tung ra thị trường và có những sản phẩm đã được người tiêu dùng tiêu thụ hết, không còn để thu hồi, tiêu hủy hay truy xuất nguồn gốc.
Để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được tốt hơn, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã có chủ trương và đang thực hiện việc nhập những xe chuyên dụng đạt tiêu chuẩn quốc tế về để có thể xét nghiệm 36 tiêu chí đối với các mẫu rau, củ quả, thực phẩm lưu thông trên thị trường. Chiếc xe cũng giống như một phòng thí nghiệm lưu động, đi đến đâu kiểm tra thì sẽ test luôn các mẫu.
Đề cập đến giải pháp quản lý ATTP một cách hiệu quả, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, điều quan trọng là phải quản lý được thực phẩm theo chuỗi, nguồn gốc, biết được người chăn nuôi, trồng trọt có cho hay không cho hóa chất nào vào… Bởi hiện tại có đến mấy nghìn loại hóa chất, test nhanh không thể nào phát hiện ra hết, nếu đưa vào phòng thí nghiệm thì rất lâu mới có kết quả. Ông Nguyễn Thanh Phong kỳ vọng, từ ngày 1-7 tới đây, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, các vi phạm về ATVSTP không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (có thể bị phạt tù lên đến 20 năm) sẽ tạo ra những chuyển biến mới. Tuy nhiên, bên cạnh sự thắt chặt của chế tài, sự bổ sung của trang thiết bị, thì để quản cho... xuể tình hình ATVSTP hiện nay vẫn rất cần có những chuyển biến mới về số lượng và chất lượng đội ngũ thanh tra chuyên ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.