Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Phải có giải pháp đồng bộ

Hà Thủy| 08/03/2014 06:18

(HNM) - Khi hiệu quả công tác tiếp dân của Hà Nội được đem ra mổ xẻ, nhiều chuyên gia khẳng định, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC)


Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đề xuất, cần áp dụng chế độ bồi dưỡng bằng 10-15% mức lương cơ sở/ngày cho cán bộ thi hành công vụ. Thế nhưng để giải quyết triệt để những bất cập (như đã nêu trong các bài trước) thì điều quan trọng nhất là phải có giải pháp tổng thể.

Làm dâu trăm họ

Với trách nhiệm là cơ quan phân loại đơn thư, đôn đốc giải quyết KNTC, Thanh tra Chính phủ nhận định, dù còn những CBCC chưa gương mẫu, thiếu trách nhiệm. Song, phải nhìn nhận vào thực tế hiện nay là việc tiếp công dân có quá nhiều áp lực. Các văn bản hiện hành đều quy định về nghĩa vụ của người đến cơ quan KNTC, kiến nghị, phản ánh phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có), giữ thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân, nhưng không phải ai cũng nghiêm túc, bình tĩnh, thiện chí. Không ít người mang tâm lý bức xúc ở nơi khác đến "trút giận" lên cán bộ tiếp dân. Tại Hà Nội và hầu hết địa phương đều có tình trạng một số phần tử quá khích lợi dụng các buổi tiếp dân để quấy rối, hoặc có những công dân đưa ra những đòi hỏi quá đáng, phi lý… đẩy cán bộ tiếp dân vào thế bị động, lúng túng để từ đó, tạo điều kiện cho các phần tử xấu có cơ hội nói xấu chính quyền, xuyên tạc sự thật, tung tin thất thiệt gây mất lòng tin trong nhân dân. Thậm chí có những trường hợp lôi kéo, tụ tập đông người đến nơi tiếp dân làm mất an ninh trật tự. Công việc căng thẳng và thường xuyên phải chịu áp lực về tinh thần, nhiều cán bộ đã kinh qua vị trí tiếp công dân nói: Đây là nghề làm dâu trăm họ, nhưng lại phải có tinh thần "thép". Tại quận Tây Hồ, không có cán bộ nào xung phong đảm nhiệm vị trí này.

Vì vậy, theo Thanh tra Chính phủ, rất cần thể hiện sự quan tâm, đặc biệt phải giải quyết chế độ thỏa đáng và coi đây như động lực để đội ngũ này yên tâm làm nghề. Trước mắt, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thống nhất sẽ đề xuất Chính phủ quy định đối tượng được hưởng chế độ, chính sách khi làm nhiệm vụ tiếp công dân bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư và cả những người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp tiếp công dân hay giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm y tế. Nguyên tắc áp dụng tính theo ngày thực tế tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư và để tránh trượt giá, phải điều chỉnh nhiều lần, mức chi bồi dưỡng được tính theo tỷ lệ 10-15% của lương cơ sở đối với từng đối tượng được hưởng chế độ. Song song với giải pháp trên, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đang từng bước quy định rõ về việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán chế độ bồi dưỡng để bảo đảm thực hiện chính xác, khách quan, đúng quy định.

Trách nhiệm và sự quan tâm

Tuy nhiên, theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Rà soát văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, giải quyết triệt để tình trạng đơn thư chạy lòng vòng, không phân biệt được đơn KN, đơn TC không thể chỉ bằng giải pháp nâng chế độ cán bộ thực thi công vụ. Từ ngày 1-7 tới, Luật Tiếp công dân có hiệu lực. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan, đồng thời trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp nhất định. Luật cũng quy định khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét và thông báo thời gian trả lời cho công dân. Quy định này nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền KNTC, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết KNTC. Dù vậy, những điểm mới trên chỉ phát huy hiệu quả khi có giải pháp kiểm tra, giám sát cụ thể. Do vậy, cần sớm xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân để lấp lỗ hổng này. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến quy chế phối hợp khi cung cấp, cập nhật, khai thác và quản lý thông tin về KNTC giữa các cơ quan Đảng, đại biểu Quốc hội, HĐND với UBND các cấp để hạn chế tối đa việc cùng một nội dung nhưng các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, chuyển đơn đến các cơ quan khác nhau, gây khó khăn trong việc giải quyết KNTC; đồng thời bảo đảm nguyên tắc giữ bí mật thông tin cá nhân của người tố cáo. Thêm nữa, với vai trò thanh tra, tiếp nhận đơn thư, Thanh tra Chính phủ phải chủ trì, tổ chức việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC được kết nối trên phạm vi cả nước. Từ đó mới có cơ sở giám sát tiến độ giải quyết.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần rút kinh nghiệm trong công tác điều hành. Qua phân tích đơn thư, có tới 70 - 80% vụ việc liên quan đến đất đai, mà trọng tâm là việc thu hồi đất, giao đất, phương án đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi. Tuy nhiên, như Báo Hànộimới đã phản ánh, cơ chế triển khai còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm công bằng.

Vấn đề quan trọng hơn là quyết tâm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị của tổ chức, công dân. Chỉ khi có sự quan tâm đúng mức thì chất lượng đội ngũ làm công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư mới được nâng lên. Điều này không chỉ là chế độ đãi ngộ, hành lang pháp lý đầy đủ theo quy định Nhà nước mà còn là sự quan tâm đến việc bổ nhiệm cán bộ, bởi rõ ràng, vị trí tiếp nhận xử lý đơn thư KNTC là nơi rất tốt để thử thách, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh đó, việc quan tâm chỉ đạo giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị bảo đảm công bằng, khách quan đúng quy định pháp luật cũng hết sức quan trọng. Tin tưởng rằng, với quyết tâm và trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, công tác giải quyết KNTC, kiến nghị của tổ chức công dân sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới, căn bệnh thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân được chữa trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Phải có giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.