Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Phải có chế tài phù hợp

Hà Phong| 19/04/2016 05:50

(HNM) - Trong khi cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay không hiệu quả thì người dân, phóng viên các cơ quan thông tin đại chúng không được đào tạo bài bản về điều tra nhưng lại chỉ ra nhiều vụ việc tham nhũng.


Phát hiện đã khó, thu hồi tài sản càng khó

Kết quả đấu tranh PCTN trong báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, địa phương không tương xứng với nhận định "tham nhũng ở nước ta đang diễn ra phức tạp" được nêu ra tại diễn đàn cơ quan dân cử, trên báo chí và dư luận cán bộ, đảng viên. Đáng chú ý, theo đánh giá của cơ quan dân cử, tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, thể hiện ở xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội ngày càng rõ rệt. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, năm 2015, cơ quan có chức năng chống tham nhũng đã được đầu tư nhiều nguồn lực, nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm.

Thật ra, không phải chúng ta không có khung pháp luật để đáp ứng yêu cầu PCTN. Việt Nam đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về PCTN từ rất sớm và phê chuẩn mấy năm sau đó. Rất nhiều cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... cũng đã được ban hành. Vấn đề ở chỗ nội dung các quy định PCTN có tính liên hoàn không? Đã đủ mạnh chưa?

Quan chức phải công khai tài sản

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt: "Tới đây, luật sẽ sửa việc kê khai tài sản theo hướng thu gọn đối tượng kê khai. Theo tôi, quan chức phải công khai tài sản. Nếu không thì đừng làm quan chức nữa".

Chẳng hạn, việc kê khai tài sản, thu nhập đã được thực hiện gần 10 năm, nhưng kê khai mà không công khai nên công tác giám sát không có cơ sở để thực hiện. Ngay cả khi đã phát hiện sai phạm, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng rất khó khăn, chủ yếu thông qua bản án đã tuyên. Để có bản án thì phải trải qua nhiều giai đoạn điều tra, truy tố nên tài sản dễ bị tẩu tán. Ví dụ, hơn 1.100 tỷ đồng phải thu hồi trong vụ cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng 8 đồng phạm cố tình mua tàu, bán vỏ tàu và nhập các thiết bị công nghệ lạc hậu, cơ quan thi hành án "bó tay" vì tài sản kê biên có giá trị rất nhỏ. Tính đến đầu năm 2016, số tiền thu được mới chỉ 2,4 tỷ đồng. Tương tự, ở Agribank có 4 đại án: Công ty Cho thuê tài chính II (2 vụ), Agribank Chi nhánh 6 (1 vụ) và Agribank Chi nhánh 7 (1 vụ) đã làm thiệt hại tài sản công trên 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, các bị cáo chỉ tự nguyện khắc phục được khoảng 5 tỷ đồng.

Tìm giải pháp đồng bộ

Nhấn mạnh cơ chế kiểm soát tài sản ở nước ta đang dẫn đến sự bế tắc trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: Tại sao Luật PCTN được đánh giá tiến bộ, nhưng thực tế chưa đạt được hiệu quả? "Đơn giản, nó đẹp, hay, nhưng thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện. Quan trọng nhất, chống tham nhũng là phải kiểm soát được tài sản, nhưng chúng ta mới kê khai cho đẹp chứ chưa kiểm soát được" - ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, có nhiều cách để kiểm soát tài sản nhưng nên kiểm soát thông qua mở rộng phạm vi giao dịch không dùng tiền mặt và siết chặt quản lý thuế. Như vậy, sẽ vừa nâng cao tính minh bạch của các giao dịch tài chính vừa tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý tài chính tiền tệ kiểm soát được lượng tiền trong lưu thông.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra Nguyễn Tuấn Khanh, cần có ngay một cơ quan chuyên trách trong việc hợp tác với các nước để thu hồi tài sản tham nhũng từ Việt Nam tẩu tán ra nước ngoài và ngược lại. Song song đó, không coi giải trình là trách nhiệm của chỉ riêng cán bộ, công chức.

"Nếu chỉ quản lý dòng tiền của cán bộ, công chức không thôi thì không đủ mà phải quản lý được toàn xã hội. Khi quản lý được sự dịch chuyển tài sản thì sẽ chứng minh được nguồn gốc tài sản và như vậy sẽ rất công khai, minh bạch" - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra Đinh Văn Minh phân tích.

Khi phát hiện được tài sản bất thường, chủ tài sản không thể giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm, thì một phần hoặc toàn bộ tài sản tăng thêm đó sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu. Ngoài ra, họ còn bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ. Nếu thực hiện theo phương án này thì Luật PCTN cần sửa đổi có quy định về công khai tài sản người có chức vụ, quyền hạn đặt dưới sự kiểm soát nhằm bảo đảm thông tin được sử dụng đúng mục đích, góp phần phát hiện những nghi ngờ trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Nếu kê khai tài sản không trung thực, cơ quan có thẩm quyền xác minh chuyển vụ việc sang Viện KSND cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước sau khi có bản án, quyết định dân sự của tòa án có hiệu lực.

Đóng góp ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN của nước ta, Phó Giám đốc UNDP Bakhodir Burkhanov nhấn mạnh, phải phá vỡ chuỗi tham nhũng với sự tham gia của cộng đồng. Theo đó, cần lắng nghe ý kiến, phát huy tai mắt của nhân dân, thiết lập cổng thông tin điện tử của Chính phủ về kê khai tài sản, thu nhập bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho những ai quan tâm có thể theo dõi. Ngoài ra, cũng cần giải pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng đủ mạnh thay vì chỉ mang tính động viên như hiện nay.

Các phân tích trên cho thấy, công tác PCTN cần tiến hành đồng bộ. Phải xây dựng được cơ chế phòng chống và tự phát hiện tham nhũng hiệu quả cùng với sự minh bạch của dòng tiền, sự dịch chuyển tài sản trong xã hội và phát huy hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trong PCTN. Kết quả và hạn chế trong quá trình thực hiện Luật PCTN của các bộ, ngành, địa phương cùng những ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế cần được Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để tìm ra những giải pháp đồng bộ khi xây dựng Luật PCTN (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Phải có chế tài phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.