Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Những người một thời lầm lỡ

Đặng Loan| 01/01/2011 08:46

(HNM) - Trong mảng tối buôn lậu vẫn còn đó những con người nhận ra sự phải - trái để bỏ việc xấu, chí thú làm ăn. Trong quá trình đi thực tế để thực hiện loạt phóng sự này, tôi đã gặp nhiều người buôn lậu trước đây giờ trở thành


Anh Lê Minh Phăng bên vườn chanh của mình.


Chúng tôi tìm về ấp 4, xã Bình Hòa Nam của huyện Đức Huệ để gặp Xì Đen, trùm buôn lậu một thời giờ đã "gác kiếm giang hồ" chí thú ruộng vườn! Con đường quê lởm chởm ổ gà nhưng vô cùng dễ chịu bởi mùi thơm ngan ngát của những ruộng chanh xanh ngắt ven đường. Cây chanh hiện đang là cây trồng chính của vùng đất này bởi phù hợp với loại đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác.

Nông trại của Xì Đen cách khá xa đường cái lớn. Biết chúng tôi đến, Xì Đen vội vã từ công trường quay về. Đó là người đàn ông ngoài 40 tuổi có nụ cười chân chất, vạm vỡ và... đen nhẻm! Thú thật, tôi không thể ngờ người đàn ông trước mặt mình là trùm Xì Đen nổi danh, người đã khiến cho lực lượng chống buôn lậu vô cùng vất vả truy đuổi. Rót nước mời khách trong những chiếc chén ăn cơm đơn sơ, anh cởi mở tiếp chuyện không hề ngại ngần về quá khứ của mình.

Cuộc đời Xì Đen sang trang mới từ khi... bị công an bắt! Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, vùng Đức Huệ còn hoang hóa và gần như 90% người dân địa phương đi cõng thuốc lá lậu. Trong khi hàng ngàn người cõng thuốc lá lội bộ băng đồng thì Lê Minh Phăng đã nghĩ ra một hình thức mới: gắn máy cao tốc cho vỏ lãi để chở hàng lậu! Không chỉ gắn máy cao tốc, Phăng còn "chế tạo" luôn hình dáng chiếc vỏ lãi để có thể chở hàng lậu nhiều và chạy nhanh! Sự thông minh, sáng tạo của Phăng được vận dụng vào việc... buôn lậu khiến giới buôn lậu vị nể, còn lực lượng chống buôn lậu thì vô cùng vất vả truy đuổi. Cái tên Lê Minh Phăng ba mẹ đặt cho cũng mất đi lúc nào không rõ, thay vào đó là biệt danh Xì Đen do giới buôn lậu đặt cho vì sự liều lĩnh và làn da... đen thui của tay trùm này.

Thế nhưng, nghiệp buôn lậu vốn không khi nào bền vững. Năm 1996, trùm buôn lậu Xì Đen bị bắt cùng một đồng phạm "anh chị" khác. Ít ai biết rằng, tuy liều lĩnh nhưng trong lòng Xì Đen lúc nào cũng xuất hiện sự mệt mỏi vì luôn phải canh gác, chạy trốn, lo lắng nên khi đưa tay vào còng cũng là lúc Phăng phần nào... nhẹ nhõm! Tòa kêu án 6 năm tù, ngẫm cảnh vợ dại con thơ, Xì Đen làm đơn xin hoãn thi hành án để được ở nhà lo kinh tế gia đình một thời gian, cam kết khi đã sắp xếp ổn định sẽ đi... ở tù! May mắn được tòa chấp thuận, Xì Đen quay trở về gia đình.

Trở lại cuộc đời, ông trùm buôn lậu một thời xắn tay quyết chí làm ăn. Mua 2,5 hécta đất tại một vùng xa xôi của xã Bình Hòa Nam, khi ấy toàn đồng không mông quạnh không ai lui tới, anh bắt đầu vỡ đất khai hoang. Nhìn thấy người ta trồng chanh, anh cũng bắt chước làm theo, không ngờ năm đó trúng lớn, lợi nhuận cao. Thấy làm ra tiền, Xì Đen rất ham, tiếp tục mua đất để làm tiếp và cuốn theo làm giàu, anh... trốn luôn thi hành án!

Tiếp tục quãng đời chui lủi nhưng Xì Đen vẫn không bỏ... vườn chanh của mình! Anh vẫn đi đi về về chăm sóc. Chính vì vậy, khi cảnh sát mật phục tại khu vườn này thì Xì Đen một lần nữa phải tra tay vào còng! Đó là năm 2005. Sau khi vào tù, nhờ cải tạo tốt mà bản án 6 năm của Xì Đen chỉ còn 2. Nhớ lại quãng thời gian đó, Xì Đen cười giòn: "Thật ra lúc nào tui cũng nghĩ chuyện đi ở tù, nhưng cứ cuốn hết mùa chanh này đến mùa chanh khác. Tui định dỡ thêm một đám chanh nữa là nhất định sẽ ra thi hành án, nhưng chưa kịp thì đã bị bắt".

Sau khi ra tù năm 2007, Xì Đen lại tiếp tục lao vào vườn chanh của mình. Anh dỡ thêm đất và cơ ngơi giờ đã có 5 hécta chanh trồng xen với đu đủ, 6 hécta mía và 7 hécta để cho thuê, thu về mỗi năm tiền tỷ. Không dừng lại tại đó, với con mắt của người thông minh và ham làm giàu, Xì Đen nhận thấy nhu cầu đào kênh thủy lợi, đê bao... của người dân trong vùng rất cao nên năm 2009 Công ty TNHH một thành viên Minh Phăng được thành lập với ngành nghề chính là san lấp mặt bằng; và trùm buôn lậu Xì Đen nổi danh ngày nào trở thành Giám đốc Lê Minh Phăng - trở về cái tên mà ba mẹ anh đã đặt.

Niềm tin hoàn lương

Thật thú vị khi anh M., người dẫn đường chúng tôi thâm nhập vào khu vực buôn lậu huyện Đức Hòa cũng là một "đề lô" của bọn buôn lậu trước kia. Sau nhiều năm hành nghề và bị bắt nhiều lần, được sự khuyên nhủ tận tình của một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Long An, anh dần dần hiểu ra và bỏ nghề. Hiện anh là một "đề lô thứ thiệt" của lực lượng chống buôn lậu. Với lợi thế nhiều năm trong nghề... buôn lậu, anh biết rõ đường đi nước bước của bọn buôn lậu, giúp lực lượng chống buôn lậu "đánh" thắng lợi rất nhiều vụ. Năm nay gần 40 tuổi, anh hạnh phúc với gia đình nhỏ và 2 đứa con xinh, đứa lớn 11 và đứa nhỏ 8 tuổi. Ngẫm lại những ngày cõng hàng chạy bộ, rồi phóng xe bạt mạng trên đường, anh thấy mình may mắn khi đã bỏ nghề, yên ổn làm ăn chứ nếu còn làm buôn lậu nếu không bị bắt thì cũng có khi chết vì tai nạn do phóng xe quá nhanh. Như chuộc lại phần nào lầm lỡ của mình, anh hăng hái giúp đỡ lực lượng chống buôn lậu mỗi khi có dịp cần đến.

Chúng tôi cũng đã gặp anh Nguyễn Văn Phước ở ấp 1, xã Mỹ Quý Tây. 5 năm cõng hàng thuê, dù có tiền nhưng anh luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, khiến người thân vô cùng lo lắng. Vì vậy, sau khi cưới vợ anh đã bỏ nghề. Hiện vợ anh đang là công nhân may giày da của Công ty May Green Shoes, hai con anh đứa lớn học lớp 9, đứa nhỏ đã vào lớp 1. Anh thì ngoài việc chăm sóc 0,8 hécta ruộng lúa, thời gian còn lại đi bơm nước mướn cho những người dân trong vùng. Thu nhập của gia đình anh giờ hơn 3 triệu đồng/tháng, gạo thì đã có mảnh ruộng 0,8 hécta vốn không chỉ đủ ăn mà còn dư để bán. Nói về gia đình, anh cười hãnh diện: "Vợ tui giỏi lắm đó!". Anh bảo, cuộc sống bây giờ không nhiều tiền như xưa nhưng thanh thản và vui. Nói rồi anh lại chữa lại, rằng thật ra cuộc sống bây giờ tưởng như ít tiền nhưng lại nhiều hơn, vì trước kia dù có tiền nhưng cũng tiêu xài phung phí để rồi nghèo lại hoàn nghèo.

Rời Đức Huệ, tôi vẫn luôn suy nghĩ về Xì Đen, một con người đã có đủ tiền bạc và "vinh quang" trên cả hai mặt đối lập của một con người. Bây giờ, sau mỗi ngày làm việc anh lại thảnh thơi chơi đùa với cô cháu nội 2 tuổi của mình. Cô con gái út đang học năm thứ hai Đại học Ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh cũng là niềm hãnh diện của anh. Câu hỏi đùa của tôi: "Bây giờ anh có rất nhiều tiền đấy nhỉ. Nhưng có nhiều bằng lúc còn buôn lậu không?" khiến anh cười vang: "Bây giờ nhiều hơn chứ". Rồi anh giải thích rằng đồng tiền phi pháp dù nhiều cũng không bao giờ bền vững, chưa kể những thói hư tật xấu còn kéo đến không những làm hết tiền mà còn hủy hoại cả một con người.

Từ xã Mỹ Quý Tây trở về, chúng tôi cũng bắt gặp những chiếc xe đưa đón công nhân đi làm đang xuôi ngược trên đường. Tôi lại nhớ lời cô công an xã Mỹ Quý Tây: "Xã này không có ai nghỉ học hết. Nhiều người đi cõng thuốc lấy tiền cho con họ đi học đó". Hẳn, dù là tham tiền đi buôn lậu, nhưng những bậc cha mẹ đều biết sai trái nên đầu tư cho tương lai con mình tốt hơn. Tôi muốn tin điều đó bởi những ruộng lúa xanh mướt hai bên đường khi mùa xuân đang về; bởi những con đường, công trình đang được Nhà nước quan tâm đầu tư cho tương lai của mảnh đất miền biên này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Những người một thời lầm lỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.