(HNM) - Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hạn chế, yếu kém của khu vực kinh tế HTX nói chung và HTX NN nói riêng trong thời gian qua đã được chỉ ra là do nhận thức về HTX của các cấp, các ngành...
Nhận thức và bệnh hình thức
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng ban Kiểm tra - Chính sách pháp luật (Liên minh HTX Hà Nội) cho rằng: Mặc dù đã qua 2 lần chuyển đổi, củng cố HTX theo luật năm 1996 và 2003, nhưng đến nay phần lớn HTX hoạt động chưa đúng quy định của Luật HTX, hiệu quả hoạt động kém, tâm lý trông chờ, ỷ lại và đòi hỏi quyền lợi trong khi không đóng góp cho HTX vẫn còn nặng nề, nhất là ở các xã thuần nông. Một bất cập lớn là việc chuyển đổi, tổ chức lại HTX đã biểu hiện rất rõ bệnh hình thức. Nhận thức từ nội bộ cán bộ HTX đến các cấp, ngành về việc chuyển đổi mới chỉ là đổi tên HTX, hay do cách chỉ đạo củng cố HTX duy ý chí... dẫn đến thực trạng "qua một đêm ngủ dậy đã trở thành xã viên HTX kiểu mới" (!). Nhiều mắt xích trong hoạt động của đoàn tàu HTX đã "hoen gỉ" nhưng không được tháo rời ra, khiến kinh tế khu vực HTX không thể khởi động dù có nhiều bệ đỡ bởi hầu hết các vấn đề cốt lõi của HTX như vốn quỹ, tài sản, đất đai, công nợ, trách nhiệm và quyền lợi thành viên... đều không được giải quyết dứt điểm một cách rõ ràng và minh bạch. Chưa kể, ở nhiều nơi, HTX vẫn được coi như công cụ của chính quyền hơn là một tổ chức kinh tế. Vì vậy, nhiều HTX NN chưa thực sự có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó, có thể nói: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tính tất yếu khách quan, vị trí vai trò và bản chất của HTX. Tâm lý chung là chưa thật tin tưởng vào kinh tế HTX. Một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước, thành phố về phát triển kinh tế tập thể và về trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện nghị quyết, chưa chú trọng vào việc khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài của HTX. Công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, đề án, chương trình, kế hoạch về kinh tế tập thể ở các địa phương còn chưa sâu sắc, chưa đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện... Điều này đã dẫn đến tình trạng "bình mới rượu cũ", HTX dù có vai trò không thể thay thế nhưng hoạt động kém hiệu quả.
Phát triển theo nhu cầu xã hội
Theo Liên minh HTX Việt Nam, lộ trình thành lập HTX kiểu mới trong nông nghiệp sẽ tiến hành với 2 giai đoạn: Giai đoạn 2015-2016: Tái cấu trúc tổ chức, hoạt động của tất cả HTX NN theo Luật HTX 2012 trên phạm vi cả nước. Thành lập mỗi tỉnh từ 3 đến 5 mô hình HTX NN kiểu mới, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ của thành viên. Giai đoạn 2017-2020: Mỗi tỉnh, thành phố thành lập 28-30 HTX NN kiểu mới hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Quý - Chuyên viên cao cấp Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế TƯ nhận định: Mô hình HTX kiểu cũ ngày càng tỏ ra không phù hợp với đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận vai trò, tác dụng và sự cần thiết tất yếu của nó trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa. Điều quan trọng là phải tôn trọng các nguyên tắc và lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp, thực sự đem lại hiệu quả cho kinh tế hộ nông dân.
Theo quan điểm của Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể Hà Nội, phải vận hành HTX theo đúng nhu cầu của xã hội, xuất phát từ nhu cầu, thực tiễn, HTX lấy lợi ích kinh tế (bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể) làm trung tâm, song phải coi trọng lợi ích xã hội của các thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng... Giải pháp đưa ra là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao vai trò của Nhà nước ở các cấp trong việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, tạo môi trường pháp lý và trợ giúp kinh tế tập thể trong quá trình xây dựng, phát triển theo phương châm tích cực, vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đi từ thấp đến cao, đạt hiệu quả thiết thực, tránh duy ý chí, nóng vội, không gò ép, áp đặt nhưng cũng không buông lỏng, để mặc cho phát triển tự phát.
Thời gian gần đây, Hà Nội đã triển khai hướng dẫn một số chính sách và thực hiện hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Thực tế hằng năm, thành phố đều dành ngân sách đáng kể đầu tư cho công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ HTX, Quỹ TDND; hỗ trợ học phí cho cán bộ nguồn của các HTX, Quỹ TDND có đủ điều kiện được cử đi đào tạo dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... Đồng thời, các cơ quan chức năng đã tiến hành hướng dẫn quy trình, điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm trụ sở và đất xây dựng nhà xưởng, sản xuất kinh doanh dịch vụ cho các HTX, Quỹ TDND.
Đối với các HTX NN, Quỹ TDND chưa có trụ sở làm việc, có cơ chế giao đất, cho thuê đất hoặc lập dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch để làm trụ sở và đất để phát triển kinh doanh, dịch vụ, phục vụ sản xuất một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho xã viên và người lao động. Thành phố cũng tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (trực thuộc Liên minh HTX thành phố) và các nguồn vay tín dụng khác để đáp ứng nhu cầu về vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi về thuế đối với các HTX, Quỹ TDND theo quy định; hướng dẫn xử lý tồn tại về thuế đối với các HTX còn nợ thuế không có khả năng trả nợ...
Cùng với đó, quan điểm của Hà Nội là: Kiên quyết giải thể các HTX chưa chuyển đổi hoặc không có khả năng chuyển đổi, HTX đã chuyển đổi nhưng không hoạt động hoặc tồn tại hình thức. Tập trung chấn chỉnh các HTX hoạt động không đúng theo quy định của Luật HTX... Đồng thời củng cố, đổi mới và phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, xác định lại tư cách xã viên, đăng ký lại xã viên và vốn góp; vận động xã viên HTX nâng mức vốn góp. Bên cạnh đó là việc hợp nhất các HTX quy mô thôn, liên thôn hoạt động kém hiệu quả thành các HTX quy mô xã để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX...
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn từ năm 2015-2020, cả nước sẽ cơ bản tiến hành chuyển đổi 10.336 HTX NN sang tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012. Cùng với đó, sẽ thúc đẩy thành lập mới 2.000 HTX chuyên sâu về dịch vụ nông nghiệp và mạnh dạn giải thể 2.500 HTX hoạt động không hiệu quả. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.