(HNM) - Đã 69 năm trôi qua nhưng khi đến Tân Trào, mỗi người dân đất Việt vẫn cảm nhận được không khí hào hùng của những ngày Thu lịch sử năm xưa.
Từ các điểm di tích lịch sử cách mạng đến những công trình nông thôn mới, điện, đường, trường, trạm... đều đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Một cuộc sống mới no ấm đang đến với mỗi hộ đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, niềm tin theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn vẫn mãi sắt son trong trái tim mỗi người.
Những biểu tượng thiêng liêng
Về thăm Thủ đô kháng chiến Tân Trào, mỗi người dân đều mong được tận mắt chứng kiến lán Nà Lừa, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi; đình Tân Trào, nơi đã diễn ra Quốc dân Đại hội; cây đa Tân Trào, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội...
Mỗi địa danh ở Tân Trào đã đi vào lịch sử, chứng kiến những sự kiện chính trị quan trọng, quyết định vận mệnh của đất nước. Những mốc son đó đã trở thành "biểu tượng lịch sử thiêng liêng" đối với mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, mỗi khi nhớ về Tân Trào chúng ta không thể quên ngày 13 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiến hành Hội nghị toàn quốc để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và bầu ra Ủy ban Giải phóng tức là Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chiều 16 tháng 8 năm 1945 dưới bóng cây đa Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cả dân tộc tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, một lần nữa Tân Trào lại được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng, nơi làm việc của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1945 đến năm 1954, Tân Trào mãi ghi dấu những năm tháng Bác Hồ ở và làm việc, những ân tình sâu nặng, son sắt đồng bào nơi đây và ATK Sơn Dương đối với Bác.
Trong chuyến trở lại Tân Trào lần này, chúng tôi đã được chứng kiến nhiều hoạt động hành hương về nguồn để ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và tri ân nhân dân địa phương, những người đã góp phần đùm bọc, nuôi giấu Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan, bộ, ban ngành trong thời kỳ kháng chiến. Theo số liệu cung cấp của Ban Quản lý khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào, từ đầu năm 2014 đến nay Khu di tích lịch sử Tân Trào đã đón hơn 400 nghìn lượt khách về đây tham quan. Trong những ngày thu lịch sử này, cao điểm một ngày có đến 4.000 lượt khách.
Đổi mới trên quê hương cách mạng
Đến Tân Trào vào những ngày mùa Thu lịch sử này ai cũng cảm nhận được sự đổi thay trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các bản làng người dân tộc Tày, Nùng, Dao... Chủ tịch UBND xã Tân Trào Nguyễn Văn Hòa vừa bàn việc với tổ cán bộ tăng cường của Tỉnh ủy xuống hỗ trợ xã, quay sang nói với chúng tôi: Tỉnh tăng cường, huyện đôn đốc, tất cả là dồn sức cho mục tiêu hoàn thành cơ bản chương trình xây dựng NTM vào cuối năm nay. Theo gợi ý và chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm và làm việc mới đây, cuối năm nay sẽ tổng kết xây dựng NTM tại Tân Trào nên toàn xã đã phát huy cao nhất truyền thống cách mạng, phấn đấu cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng NTM trên đất chiến khu xưa.
Vậy là Tân Trào đang hối hả chạy đua với thời gian khi nhiều công việc vào giai đoạn nước rút. Ngoài đồng bà con đã thu hoạch xong hơn 100ha lúa mùa, năng suất đạt trên 5,5 tấn/ha. Trong làng, ngoài đồng nhiều đoạn đường bê tông đã hoàn thành, các hộ bắt tay cải tạo vườn tạp, sửa sang nhà cửa. Tại khu vực trung tâm đang khẩn trương thi công trụ sở UBND, nhà văn hóa đa năng của xã, xây chợ trung tâm và một xưởng chế biến chè. Công việc tất bật nhưng suôn sẻ, Chủ tịch Nguyễn Văn Hòa phấn khởi cho biết: Đến thời điểm này hệ thống giao thông trên địa bàn xã đã được cải thiện đáng kể, 100% đường trục xã, liên xã, trên 75% đường trục thôn, liên thôn, trên 65% các tuyến đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được bê tông, nhựa hóa đạt chuẩn quy định. Trên 70% tuyến kênh mương nội đồng được kiên cố hóa. Cả 3 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Tân Trào được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 8/8 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn, 6/8 thôn có sân bãi thể thao cho hoạt động vui chơi và 81% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, không còn hộ nào phải ở nhà dột nát.
Theo chân Trưởng thôn Thia Phan Văn Mây vào bản mới thấy hết sự đổi thay ở đây. Đi trên con đường bê tông phẳng lỳ nối liền khu dân cư từ thôn Lũng Búng với Nà Viện, anh Mây cho biết, đoạn đường hơn 200m này trước đây ngoằn ngoèo lầy lội quanh năm, nay 14 hộ tự nguyện đóng 48 triệu đồng thuê máy, Nhà nước hỗ trợ xi măng để bê tông hóa, người dân đi lại thuận lợi ai cũng vui mừng. Có đường đẹp, các hộ đều làm nhà xây, loa truyền thanh vang xa khắp bản.
Điểm nhấn ở Tân Trào chính là thôn Tân Lập đang được hỗ trợ xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch lịch sử. Tân Lập bốn bề có núi rừng bao bọc, phía bắc là dãy núi Khau Hắp, phía đông là dãy núi Nà Lừa, phía tây là dãy núi Au Rừm, núi Nản Đanh trùng điệp có một thung lũng nhỏ nơi Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử. Điển hình ở đây chính là chương trình hỗ trợ bảo tồn 11 ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc.
Đến Tân Trào hôm nay đã dễ dàng nhận thấy sự khởi sắc có chiều sâu mang tính ổn định và bền vững. Ở đây đã có sự thay đổi tư duy làm kinh tế với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đã có nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên khá giả. Điển hình là gia đình ông Lương Văn Long thôn Bằng từ một hộ nghèo đã chăm lo sản xuất trồng cây thanh long, chuối tiêu hồng, chuối tây mỗi năm thu trên 3 tấn quả thanh long, 2 tấn chuối... Gia đình ông Lý Huy Tiêu, thôn Lũng Búng chuyển từ trồng sắn sang trồng chuối tiêu hồng, chăn nuôi cho thu nhập ổn định. Anh Hoàng Văn Ngán, thôn Mỏ Ché cho biết, do được cán bộ kỹ thuật tập huấn hướng dẫn cách thức làm ăn lại được hỗ trợ một con trâu giống đẻ thêm được hai trâu con nên thu nhập đã ổn định.
Chủ tịch Nguyễn Văn Hòa cho biết: Đồng bào Tân Trào luôn tự hào là Thủ đô kháng chiến, trước đây đã tự giải phóng khỏi ách nô lệ của thực dân phong kiến thì nay phải tự vươn lên thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của trên. Vì thế. Tân Trào luôn phát huy cả "nội ngoại lực" vừa tranh thủ hỗ trợ vừa động viên huy động các nguồn lực góp sức xây dựng nông thôn mới, tập trung phấn đấu để cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM vào cuối năm nay. Trong 4 tiêu chí đang phấn đấu thì vấn đề thu nhập cho người dân đang được quan tâm nhiều nhất với các biện pháp tích cực đó là: triển khai dự án hỗ trợ phát triển chè 180ha, xây một xưởng chế biến chè để tăng hiệu quả cây chè, xây dựng thương hiệu chè Vĩnh Tân; tập trung dự án cây ăn quả với các cây chủ lực là chuối tiêu hồng, ổi, táo... thực hiện dự án phát triển gia cầm 35.000 gà mái sinh sản, dự án mở rộng đàn bò sinh sản, nuôi ngan Pháp...
Về lại Tân Trào sau gần 70 năm, Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn của Người dường như vẫn đọng mãi trong tâm khảm của những người dân quê hương cách mạng, trở thành động lực để nhắc nhớ người dân Tân Trào vươn lên đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, xứng đáng là Thủ đô Kháng chiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.