(HNM) - Đã đến lúc nhà nước cần thay đổi quan điểm hỗ trợ, từ sản xuất sang phát triển thị trường, vì thị trường quyết định giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Hỗ trợ tạo lập thị trường
Ông Nguyễn Thành Lưu - Tổng Giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cho rằng: Nhà nước cần điều chỉnh lại quan điểm hỗ trợ phát triển, nên giảm chi phí đầu vào để chuyển sang hỗ trợ tạo lập thị trường, lấy thị trường kéo sản xuất phát triển. Nếu có thị trường tiêu thụ tốt mang lại lợi nhuận cao thì người nông dân tự lo được giống, vốn, vật tư, thậm chí họ sẽ sẵn sàng trả phí đào tạo để tham gia tập huấn. Hiện nay, Nhà nước "bao sân" nhiều việc, trong khi công việc đó nếu tư nhân làm sẽ hiệu quả hơn. Do vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội nên đi tiên phong trong việc lồng ghép mô hình đối tác công tư vào các hoạt động của ngành. Trong quy trình lập kế hoạch nên bổ sung quy định bắt buộc, mỗi hoạt động dù nhỏ đều phải tiến hành phân tích mổ xẻ và phân định phần nào Nhà nước bắt buộc phải đảm nhận, phần nào giao cho tư nhân thực hiện và Nhà nước hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội, hiện nay chuỗi giá trị từ sản xuất đến bàn ăn còn nhiều mắt xích và đang bị hổng. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng. Thay vì chỉ hỗ trợ giống, phân bón…, cần đa dạng hình thức hỗ trợ nông dân cả về quy trình sản xuất cũng như quy trình đủ điều kiện an toàn (quy trình VietGAP hay quy trình sản xuất hữu cơ) giúp cả 3 bên nông dân, doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng chia sẻ lợi ích, giám sát trách nhiệm lẫn nhau. Các địa phương nên tuyên truyền vận động nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt. Mỗi địa phương dựa vào lợi thế của mình để có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các tỉnh, thành phố khác cùng bán trên thị trường.
Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩm nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ảnh: Anh Tuấn |
Gắn kết nông dân và doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở sẽ tham mưu cho thành phố tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho DN về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa nông sản, tạo điều kiện cho việc kết nối giữa các DN phân phối với các đơn vị sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tổ chức các hội chợ hàng nông sản cấp vùng và cấp miền để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó là việc cung cấp thông tin, dự báo thị trường trong và ngoài nước về những mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; các thông tin về thị hiếu, chính sách thuế; các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của khách hàng… để định hướng sản xuất những sản phẩm cho phù hợp và có sức cạnh tranh cao. Sở NN&PTNT đề nghị, Nhà nước nên ưu tiên các DN liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và kỳ hạn trả nợ phù hợp.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng là cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông dân và DN, vốn vẫn trong cảnh chưa tìm được tiếng nói chung. Do đó, cần bổ sung các chế tài xử phạt khi vi phạm hợp đồng. Nông dân cần được tập huấn kỹ về kỹ thuật, được hỗ trợ tư vấn pháp lý khi ký hợp đồng. DN cần có cách làm chuyên nghiệp hơn, chia sẻ lợi ích hài hòa với nông dân, coi nông dân là một trong những đối tác quan trọng trong chuỗi như các đối tác lớn trong kinh doanh.
Để quản lý được quy hoạch và tổ chức "đầu ra" cho sản phẩm thì mấu chốt là kiểm tra chất lượng nông sản. Do vậy, cần đẩy mạnh các mối liên kết, ngoài liên kết dọc giữa nông dân và DN, cần có liên kết ngang giữa các vùng sản xuất theo cụm, theo nhóm để tạo ra sự phong phú, đa dạng trong chủng loại dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.